Việc kiểm tra, lấy mẫu phân tích trái cây xuất khẩu được thực hiện định kỳ tại Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2. Ảnh: Thái Hằng |
Sau thanh long, dự kiến nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam như chôm chôm, nhãn, vải, xoài, vú sữa…, từ cuối năm nay sẽ tiếp cận hàng loạt các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Úc…
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đảm nhận công tác nghiên cứu, đưa trái cây vào các thị trường khó tính, cho biết sau thanh long vốn là mặt hàng đang xuất khẩu khá mạnh vào Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Trong vài tuần nữa có thể lô hàng chôm chôm đầu tiên cũng sẽ tiếp cận thị trường này.
Theo ông, các thị trường, đặc biệt là Mỹ và Nhật thường đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu phải xử lý, đảm bảo tuyệt đối không có khả năng lây lan ruồi đục quả khi đưa vào thị trường nhập khẩu. Trường hợp thanh long, quá trình để đưa loại trái cây này vào thị trường Mỹ cũng phải mất đến 4 năm kể từ bước đầu tiên phân tích nguy cơ dịch hại cho trái vào năm 2004 cho đến khi cấp mã số cho vùng trồng (mà đến nay đã tăng đến gần 1.200 hec ta ), cơ sở đóng gói, cơ sở chiếu xạ. Thậm chí, mỗi lô hàng thanh long đều phải qua sự kiểm tra trước của cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ trước khi rời bến ở Việt Nam.
Tương tự, quá trình nghiên cứu xử lý ruồi đục quả bằng hơi nước nóng cho đến khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thanh long Việt Nam cũng mất đến hơn 5 năm.
“Sau khi thanh long “mở cửa” được các thị trường khó tính nhất có thể kể đến như Mỹ và Nhật, việc xuất khẩu các nhóm trái cây khác như chôm chôm, nhãn, vải, xoài và vú sữa tiếp theo sẽ khá dễ dàng và nhanh chóng vì có thể dựa vào kinh nghiệm cùng cơ sở vật chất, kỹ thuật đã thành công trước đó với thanh long”, ông Đạt nói.
Trong tháng 6, dự kiến toàn bộ các trình tự xuất khẩu chôm chôm như mã số vùng trồng (đã cấp trong tháng 5 tại tỉnh Bến Tre), mã số cho cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ sẽ hoàn tất, sẵn sàng cho xuất khẩu đi Mỹ. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Chủ doanh nghiệp Chánh Thu, cơ sở bao tiêu cho 28 hecta chôm chôm trong tỉnh được cấp code đi Mỹ cho biết vừa chào hàng với một số đối tác thị trường này.
Xuất khẩu thanh long vào một số thị trường điểm như Mỹ đã tăng theo cấp số nhân kể từ khi lô hàng đầu tiên được thông quan vào Mỹ vào năm 2008. Nếu như năm 2009 chỉ xuất có 100 tấn thanh long thì qua năm 2010 tăng vọt lên 856 tấn, còn trong năm 2011, chỉ riêng 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã xuất 750 tấn và dự kiến xuất từ 1.500 đến 1.800 tấn trong năm nay. Thị trường Nhật trong năm nay dự kiến duy trì mức xuất khẩu 500 tấn của năm 2010.
Giá bán thanh long tại Mỹ, theo nguồn tin doanh nghiệp đang ở mức 11 đô la Mỹ/quả, còn tại Nhật, giá thanh long lên đến 30 đô la Mỹ/kg.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com