Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành ô tô phá sản sẽ là thảm họa mới đối với kinh tế thế giới

Liệu có thể để nền công nghiệp xe hơi bị phá sản? Câu hỏi này đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo Mỹ sau khi nhà sản xuất ô tô hàng đầu nước này, General Motor (GM), tuyên bố nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, hãng sẽ bị phá sản.

Ban lãnh đạo của GM đang tập trung vận động để Quốc hội Mỹ thông qua khoản trợ giúp khẩn cấp trị giá 25 tỷ USD với lãi suất thấp. Với mức chi tiêu như hiện nay, các hãng xe hơi khác của Mỹ như Ford và Chrysler cũng sẽ không thể xoay chuyển được tình thế trước khi năm 2009 kết thúc.
Tờ Le Figaro số ra ngày 18/11 nhận định rằng nếu không nhận được sự trợ giúp, sự phá sản của ngành công nghiệp xe hơi có thể sẽ gây những hệ quả xấu đối với kinh tế xã hội toàn cầu. Theo báo này, việc GM đóng cửa sẽ khiến nước Mỹ mất đi 3 triệu việc làm. Chính tân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lo ngại rằng sự phá sản của ngành xe hơi sẽ khiến kinh tế Mỹ sụp đổ, trong bối cảnh nền công nghiệp này được coi là xương sống của nền kinh tế Mỹ.
Ở Mỹ cũng như ở các nơi khác trên thế giới, những khó khăn của các nhà sản xuất thường mang lại hậu quả nghiêm trọng và trực tiếp đối với tình hình kinh tế xã hội. Những công ty hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô không những thuê hàng trăm nghìn nhân viên trên thế giới, mà họ còn nuôi sống không biết bao nhiêu các nhà cung cấp phụ tùng xe hơi, các đại lý bán hàng và cả các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe. Ở châu Âu, khoảng 2,3 triệu nhân viên đang làm việc trong ngành này. Chỉ tính riêng ở Pháp, cứ 10 người lại có 1 người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực xe hơi.
Tất cả đều có thể xảy ra nếu ngành sản xuất xe hơi rơi vào phá sản. Nếu GM không nhận được sự trợ giúp, sự thua lỗ của nó sẽ làm hàng nghìn hãng gia công bị "nghẹt thở" theo. Thêm vào đó, hậu quả sẽ còn kinh hoàng hơn khi hình ảnh của nhà sản xuất xe hơi số 1 nước Mỹ bị lu mờ. Xét về mặt tâm lý, phần lớn khách hàng sẽ không muốn mua xe của một hãng đang bị phá sản. Hiện GM đang muốn tránh "kịch bản" này bằng mọi giá vì điều đó sẽ tạo nên tâm lý ngờ vực của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất, khiến doanh thu bán ra sẽ sụt giảm đến mức không cứu vãn nổi. Trên thực tế, chỉ trong tháng Mười vừa qua, doanh thu của GM tại Mỹ đã giảm đến 45%.
Mặc dù những lý lẽ đưa ra đều hết sức thuyết phục, Nhà Trắng hiện nay vẫn không chấp nhận kế hoạch giải cứu. Đối với những người phản đối giải pháp này, cứu trợ GM sẽ không khác gì việc "Dã tràng xe cát Biển Đông". Họ cho rằng thị phần của nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Mỹ đã tan rã ngay trên lãnh địa của nó từ nhiều thập kỷ nay. Nguyên nhân là vì GM đã không có khả năng tung ra loại xe phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là việc sản xuất những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Theo Le Figaro, thị trường xe hơi ở châu Âu cũng ảm đạm không kém gì ở Mỹ, nhưng tình hình tài chính của các nhà sản xuất khu vực này không đến nỗi "thê thảm" như các đối thủ của họ ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Tất cả đều tỏ ra lo lắng cho ngân sách của mình bởi vì họ biết rằng lượng xe tồn đọng tăng cao sẽ khiến tiền vốn đọng lại. Họ cũng lo đối phó với các chi nhánh ngân hàng vì không phải dễ dàng gì khi tìm kiếm các nguồn vốn để có thể trang trải các khoản tín dụng cho việc vận hành các nhà máy ô tô.
Cũng như ở Mỹ, khủng hoảng của thị trường châu Âu đã bắt đầu từng bước tác động trở lại nhà sản xuất. Những nạn nhân đầu tiên là các hãng gia công, khi mà đơn đặt hàng của họ trống rỗng vì các nhà sản xuất tạm đóng cửa nhà máy. Trong các tháng tới, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể rơi vào tình trạng đáng lo ngại. Các nhà sản xuất châu Âu cũng đang đề nghị một khoản vay ưu đãi trị giá khoảng 40 tỷ euro với lãi suất thấp. Nhưng không một ai nghi ngờ việc các nhà sản xuất xe hơi châu Âu sẽ biết sử dụng tốt khoản vốn vay này, ngược lại với các đối thủ của họ ở Mỹ.

( Theo Trung tâm thông tin Bộ Công Thương )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container