Theo mục tiêu của Bộ Công Thương đưa ra, phấn đấu đến năm 2015 cả nước sản xuất 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 21 lít/người/năm. Riêng sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít đáp ứng 35% nhu cầu, con số này đến năm 2020 phấn đấu là 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu.
Đến năm 2025, sản xuất sữa trong nước đáp ứng khoảng 40% nhu cầu người dân - Ảnh minh họa |
Mục tiêu này được Bộ Công Thương xây dựng trong Quy hoạch phát triển Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Các mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2015 cả nước sản xuất 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi, đến năm 2020, con số này là 2,6 tỷ lít và năm 2025 là 3,4 tỷ lít. Về mức tiêu thụ, phấn đấu đạt trung bình 21 lít/người 1 năm tính đến năm 2015, đến năm 2020 và 2025 tỷ lệ này là 27 và 34 lít/người 1 năm.
Năm 2015, sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít đáp ứng 35% nhu cầu. Đến năm 2020, các con số tương ứng là 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu.
Tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước
Bộ Công Thương định hướng, ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam sẽ được phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất sạch hơn, xử lý chất thải triệt để, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành một phần xuất khẩu; tập trung phát triển năng lực sản xuất sữa thanh trùng và tiệt trùng, sữa bột và sữa chua. Các nhà máy xây dựng mới phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và mẫu mã.
Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ nguyên liệu sữa bột nhập ngoại. Phát triển công nghiệp chế biến sữa gắn với các trung tâm tiêu thụ sản phẩm và vùng chăn nuôi bò sữa tập trung.
Đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng
Quy hoạch phân bổ công xuất chế biến các sản phẩm sữa theo 6 vùng lãnh thổ gồm: Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long. |
Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2011-2015 ước tính 4.240 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 5.230 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 là 6.060 tỷ đồng.
Để góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu sản phảm của mình dựa trên cơ sở truyền thống, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.
Đối với các thương hiệu sản phẩm sữa Việt đã nổi tiếng, có uy tín trong nước, cần có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở mở rộng sản xuất để giữ vững và phát triển thị phần.
Về quản lý ngành, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để quản lý giá sữa, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giám sát chặt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường sữa, đặc biệt là hành vi quảng cáo gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.
Hàng năm, Bộ Công Thương sẽ tổ chức bình chọn và công bố danh hiệu thương hiệu Việt theo tiêu chí thống nhất để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
(Theo Ngọc Hà // Tin Chính phủ // Quyết định 3399/QĐ-BCT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com