Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường “ngả nghiêng” vì rượu rởm

Thị trường “ngả nghiêng” vì rượu rởm
Công nghệ nấu rượu "không khói" tại các làng nghề.

Vì lợi nhuận và đồng tiền mà không ít “lò” sản xuất rượu thật đã biến tướng, chuyển hướng làm rượu giả. Chỉ là rượu bình thường pha loãng, cộng thêm chế phẩm hoặc nước lã pha với phế phẩm là họ có ngay sản phẩm cung cấp ra thị trường với giá rất phải chăng. Người uống không biết hoặc thiếu kiến thức đã uống những loại nước độc hại đó và không ít người đã phải nhập viện.

Ước tính mỗi ngày cả nước có cả nghìn lít rượu độc được các thực khách nâng lên cụng ly uống mà chẳng hề quan tâm đến mỗi nguy hại của nó. Bình thường, một lít rượu được nấu ở các lò uy tín có giá từ 35 đến 40 ngàn đồng, nếu là rượu nếp thì khoảng 50 ngàn đồng. Thế mà, trên thị trường vẫn tồn tại loại rượu chỉ 20 ngàn đồng/lít dù đã trải qua mấy cấp bán hàng.

Đường đi của rượu rởm

Trước đây, ở nhiều làng nghề nổi tiếng nấu rượu truyền thống, để có được một lít rượu phải rất kỳ công. Nay vì lợi nhuận nên người ta đã bớt xén, thậm chí chẳng cần nổi lửa, bắc nồi cũng... ra rượu ầm ầm. Cách nhanh nhất là dùng một loại chế phẩm đặc biệt, hoặc metanol hay còn gọi là cồn công nghiệp để pha vào nước lã kèm với một ít rượu thật.

Metanol chỉ dùng trong công nghiệp, uống vào dễ khiến người uống tử vong bởi độc tố metanol. Khi công nghệ chế phẩm còn hạn chế, mức độ pha là 50/50. Công nghệ càng tăng thì sự pha chế cũng phát triển hơn. Giờ, 1 lít rượu mồi pha với 9 lít nước lã đổ một ít cồn vào là được 10 lít rượu quê. Ngoài ra, bằng các phụ gia như đường mua của Trung Quốc có giá siêu rẻ, người ta cũng có cách để chế ra rượu nếp.

Người ta tính ra rằng, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng rất nhanh, mỗi năm tăng từ 8 - 10%. Mức tiêu thụ rượu bình quân trên đầu người cũng tăng, cao nhất là ở Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sơn La, Thanh Hoá, Lào Cai... Có nghĩa là mức độ “thưởng thức rượu độc” của người dân nước ta cũng tăng.

Gần đây, các cơ quan chức năng cũng đã phanh phui những cơ sở sản xuất rượu rởm nhưng đó dường như chỉ là một con số rất ít các vụ việc được phát hiện. Thực tế ở Bắc Ninh, Hà Nội, Tp.HCM có những “làng mỹ tửu” đang sản xuất rượu kém chất lượng, rượu pha cồn để tung ra thị trường.

Khi thương hiệu bị...  làm nhàu

Đến làng rượu Đại Lâm, người ta ít thấy nơi đây đắp than, nổi lửa nấu rượu mà ở con đường chính rầm rập ô tô vào ra. Chiếc thì chở cồn về làng, chiếc khác lại chở rượu đi bán. Quy trình được rút gọn là: nước lã + cồn thành... rượu ngon. Ở đường làng, ngõ xóm chỗ nào cũng thấy những thùng phuy nhựa xanh lè đựng đến 200 lít nước.

Một số gia đình sản xuất rượu chất lượng hơn thì đi mua thêm rượu sắn được sản xuất ở làng Vân (xã Vân Hà - Việt Yên - Bắc Giang) trộn vào cho thêm phần đậm đà. Rượu ở làng này cũng được bán với giá vô cùng rẻ mạt, nếu bán buôn, giá của nó còn chưa bằng một lít nước đóng chai, khoảng 7 ngàn đồng.

Một cụ già bức xúc: “Cách thức pha cồn và nước lã thành rượu gạo không chỉ giá thành siêu rẻ mà còn không phải nổi lửa, không tốn công chưng cất, không phải tốn nhiều diện tích mặt bằng. Như thế thì những người nấu rượu thật cạnh tranh làm sao được để dành thị trường”. Nay vì lợi nhuận kếch xù, một số kẻ đã ngang nhiên bôi nhọ cho thương hiệu của làng nghề. Điều đó chẳng những khiến cho làng nghề mang tiếng mà rất nhiều người nấu rượu tử tế, làm ăn lương thiện bị mất nghề.

Là một đặc sản, rượu Làng Vân đã tạo dựng được thương hiệu suốt mấy trăm năm. Một số người con của làng, đặc biệt như cụ Tôm đã dành cả đời để gìn giữ thương hiệu ấy. Thế rồi, bà truyền nghề cho các con. Rất hiểu về giá trị của thương hiệu rượu quê hương, anh Nguyễn Trung Ca (con trai cụ Tôm) đã cố gắng đem thương hiệu của mình đi muôn nơi. Khách hàng của anh có cả ở trong Nam ngoài Bắc.

Nơi nào muốn có rượu làng Vân đều tìm đến “Rượu cụ Tôm”. Và một điều lạ là anh Ca không sản xuất nhiều, phần vì anh không đủ sức, cũng một phần không muốn chạy theo lợi nhuận để làm mai một chất lượng. Anh không ăn xổi như những người khác. Có một đại gia nọ muốn có mấy chục bình rượu nếp cái hoa vàng để cưới con, gọi điện đặt hàng anh Ca.

Anh Ca nói: “Chịu sếp rồi. Anh phải đặt trước một năm mới có. Loại rượu này phải ủ lâu mới ngon”. Còn rất nhiều những vụ “béo bở” khác mà anh Ca từ chối. Đơn giản là vì uy tín, anh không thể san sẻ 10 bình biến thành 12. Đó là đạo đức nghề nghiệp, là cái chất “nghệ” của người “nghệ sĩ nấu rượu”.

Trái ngược với điều đó thì không ít người chẳng còn tha thiết với kiểu nấu rượu truyền thống đó, họ dùng men tươi để tăng độ rượu và năng suất. Ví như 10kg chỉ nấu được 7 lít rượu thì nhờ có thứ men đó người ta có thể chế ra được gấp đôi gấp ba. Nhiều người khác chuyển sang nấu rượu sắn.

Thứ quà tặng mỗi khi ai đó có dịp lên vùng Kinh Bắc đều muốn mua về làm quà biếu bạn bè và những người thân, thứ rượu là lễ vật dâng lên vua chúa để sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình đã “chẳng được yên thân” bởi thương hiệu dần bị làm mờ. Uổng công cho những người nhiệt tâm muốn giữ nghề và thương hiệu.

Hay như, thương hiệu rượu San Lùng của xã Bản Xèo (Bát Xát - Lào Cai) cũng bị làm giả. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương xã Bản Xèo và các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, rượu San Lùng đã được Công ty du lịch Lào Cai đăng ký với Cục Sở hữu công nghiệp, và Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam cấp chứng chỉ công nhận về bản quyền thương hiệu và quyền kiểu dáng mẫu mã bao bì, nhãn mác.

Nhưng do sản phẩm nổi tiếng về chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng, nên cũng dễ bị làm giả để kiếm lời. Rồi khắp nơi treo biển nấu rượu San Lùng, mang đi khắp nơi. Khách hàng không thể phân biệt được đâu là rượu giả, đâu là rượu thật trong khi chính các cơ quan chức năng cũng mù mờ trong thẩm định, đánh giá.

Cần mạnh tay xử lý từ gốc


Theo lãnh đạo xã Tam Đa (Yên Phong - Bắc Ninh) thì hiện nay, chính quyền chưa có biện pháp đối với những hộ dân sản xuất rượu rởm. Và theo đó, chẳng lẽ các cơ quan chức năng chịu đứng nhìn những kẻ hám lợi vẫn ngang nhiên làm ra một thứ rượu nguy hiểm như thế cung cấp cho thị trường?

Giờ đã bước sang tháng 11, thời điểm mà các mặt hàng, trong đó có rượu đang chờ bung ra thị thường tiêu thụ dịp tết. Trong số đó, rượu giả, rượu kém chất lượng cũng được bán kèm, thậm chí công khai. Kể cả các loại rượu ngoại cũng được “made in Việt Nam” bởi các cơ sở dùng nước, chế phẩm và hương liệu chế ra rượu hảo hạng, rồi mua vỏ chai rượu ngoại về đóng vào.

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển rượu lậu, rượu giả, bên cạnh việc lực lượng chức năng tích cực vào cuộc thì cũng rất cần sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là việc thẩm định đâu là rượu chính hãng, đâu là rượu giả. Không chỉ vậy, chính các làng nghề, chính quyền sở tại cũng cần nỗ lực hơn trong việc bài trừ tệ nạn làm rượu giả, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm thật của quê hương.

Và chỉ khi nào các cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý, người dân có ý thức bài trừ nạn rượu giả, rượu sử dụng chế phẩm thì ngày đó, mới giảm lượng người bị ảnh hưởng nặng nề và quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

(Theo Vneconomy)

  • Ngành sữa tăng trưởng cao
  • Gạo Việt đang bị ép giá
  • Thành “sản phẩm dinh dưỡng”, sữa tha hồ tăng giá
  • Bi kịch đường và muối: Sắp hết thời 'tự sướng'
  • Ngành mía đường Việt Nam: Gian truân hội nhập
  • Dầu ăn: Thị trường dễ xơi
  • Doanh nghiệp thực phẩm “kêu cứu”
  • Nước mắm 'giả' không được ghi là nước mắm
  • Nói và làm: 'Chữa cháy' cho nông dân
  • Nước mắm truyền thống mất dần vị thế
  • Sữa nội: Khi nào cung đủ cầu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container