Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu: Tìm lối đi riêng

Từ đầu năm đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực tìm lối đi riêng của các doanh nghiệp (DN) CBTSXK trên địa bàn tỉnh...

 

Công nhân Công ty CP Thủy sản Bình Định đang chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Ảnh: N.T 


Nhiều khó khăn, thách thức

Lâu nay, ngành công nghiệp CBTSXK của tỉnh ta luôn đối mặt với những khó khăn, tồn tại, đó là tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, công nghệ chế biến còn lạc hậu, sản phẩm còn đơn điệu và thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng… Do khan hiếm nguyên liệu, từ đầu năm đến nay, các DN CBTSXK ở các tỉnh phía Nam tìm đến các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ta để thu mua tôm, làm cho nguồn nguyên liệu trong tỉnh vốn dĩ đã ít ỏi nay lại bị chia sẻ, nên các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh chỉ thu mua được chừng 40% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3 đến nay, chi phí tiền điện, nước và các chi phí khác phục vụ cho hoạt động chế biến của các DN CBTSXK cũng tăng từ 10-15% so với trước. Điều này đã đẩy giá thành sản phẩm thủy sản chế biến trong tỉnh tăng cao hơn.

Mặt khác, từ giữa năm 2008 đến nay các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh lại phải đối mặt thêm với những khó khăn, thách thức mới. Bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp, nhiều DN CBTSXK không thể dự báo thị trường biến động theo chiều hướng nào nên cũng không dám “phiêu lưu” vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trong một thời gian dài, giá sản phẩm thủy sản ở các thị trường bạn hàng truyền thống của các DN CBTSXK tỉnh ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều giảm mạnh. Trong khi đó, các chi phí đầu vào trong nước liên tục tăng đã đẩy các DN CBTSXK tỉnh ta đến chỗ khó chồng lên khó. Điều này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động chế biến xuất khẩu của các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh. Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn - cho biết: “Trong thời gian qua, các DN CBTSXK như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thương thảo ký kết các hợp đồng xuất khẩu với đối tác. Nhiều khi chỉ vì kỳ kèo vài trăm đồng cho 1 kg sản phẩm nhưng cả hai bên đã không đi đến được thống nhất với nhau”.

Tìm lối đi riêng


Trước thực trạng như vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, để tồn tại và phát triển, bản thân từng DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực để tự cứu lấy mình. Các giải pháp mà các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh áp dụng trong thời gian qua là đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động nguồn nguyên liệu; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và đặc biệt là triệt để tiết kiệm chi phí...

Từ cuối năm 2008 đến nay, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đổi mới thiết bị, dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, như dây chuyền cấp đông nhanh, chế biến tôm đông rời nguyên con IQF, phi lê cá… Đơn cử như Công ty TNHH Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn đã đầu tư đổi mới thiết bị cấp đông, rút ngắn thời gian cấp đông xuống còn một nửa so với trước. Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn đầu tư thiết bị phi lê cá. Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn đầu khoảng 1 tỉ đồng để cải tạo thiết bị và công nghệ chế biến...

Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiện nay, hơn 40% nguồn nguyên liệu chế biến tại các nhà máy trong tỉnh là nhập khẩu. Đi đầu trong công tác này là Công ty CP Thủy sản Bình Định. Từ đầu năm đến nay, DN đã nhập trên 1.500 tấn hải sản nguyên liệu từ các nước châu Á về chế biến. Hiện nay, mặc dù nguyên liệu trong tỉnh thiếu hụt, nhưng các dây chuyền chế biến cá của Công ty vẫn hoạt động hết công suất, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 400 công nhân.

Ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương - cho biết: “Các DN CBTSXK tỉnh ta cũng đã chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; đặc biệt là tập trung chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhằm tiết kiệm nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện đã có khoảng 90% mặt hàng thủy sản xuất khẩu ở tỉnh ta được xuất trực tiếp đến các thị trường nước ngoài”.

Để khắc phục tình trạng khó khăn về thị trường, các DN CBTSXK đã đẩy mạnh sản xuất bằng việc khai thác các khách hàng mà trước kia đã bỏ qua. Phương châm của các DN là lời ít cũng làm, không lời cũng làm, để duy trì sản xuất và  tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, DN cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm triệt để tiết kiệm chi phí, như chuyển sang sử dụng điện năng lượng mặt trời đối với hệ thống cấp nước nóng; bố trí lại dây chuyền sản xuất để hạn chế điện năng tiêu thụ nhưng hiệu quả công việc vẫn đảm bảo.

Nhờ sự nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn của bản thân từng DN, thời gian qua ngành công nghiệp CBTSXK trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phát triển. Từ đầu năm đến nay, các DN đã chế biến và xuất khẩu được trên 2.200 tấn thủy sản các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11,4 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2008… Theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành Thủy sản, ngành công nghiệp CBTSXK tỉnh ta sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Lý do là nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thủy sản trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao; với việc nước ta gia nhập WTO, các DN sẽ có thêm nhiều cơ hội để giao thương, được đối xử sòng phẳng hơn ở “sân chơi” toàn cầu theo “luật chơi chung”. Đặc biệt, mới đây Bộ NN- PTNT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với các loại nguyên liệu thủy sản trong nước không có, hoặc có nhưng sản lượng nhỏ nhằm tạo điều kiện cho DN nhập khẩu nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

(Theo Ngọc Thái // Báo Bình Định)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Phát triển ngành thủy sản bền vững
  • Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng đầu năm giảm
  • Xuất khẩu thủy sản: Cần một chiến lược phát triển dài hạn
  • Thủy sản gặp khó
  • Hàn Quốc - thị trường tiềm năng tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam
  • Sản xuất, chế biến thức ăn thủy sản: Bỏ quên sân nhà!
  • Đến năm 2010: 100% doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đáp ứng tiêu chuẩn ATVSTP
  • 301 doanh nghiệp thủy sản được xuất vào thị trường EU
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container