Thủy sản Việt Nam là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Mục tiêu trong năm 2010 kim ngạch xuất thủy sản đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2009. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thủy sản ngày càng gặp phải nhiều khó khăn hơn từ các thị trường khó tính.
Để thủy sản Việt Nam xâm nhập được những thị trường này đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người nuôi thủy sản. Theo thống kê, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía nam trong năm 2009 khoảng 926.000ha, sản lượng hơn 2,1 triệu tấn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng và diện tích cả nước. Trong đó tôm sú chiếm 653.374ha, cá tra 6.800ha với hơn 5.000 cơ sở sản xuất con giống. Năm 2009, các cơ sở sản xuất đã đưa ra thị trường hai tỷ con cá tra giống. Việc áp dụng tiêu chuẩn Quốc tế Global GAP vào sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích áp dụng trong những năm gần đây, nay trở thành một trong những điều kiện tiên quyết của khách hàng châu Âu khi ký kết hợp đồng mua hàng.
Trong điều kiện nuôi trồng tại Việt Nam hiện nay, áp dụng tiêu chuẩn Global GAP thực sự không dễ dàng đối với các vùng nuôi thủy hải sản. Global GAP là tiêu chuẩn của châu Âu được áp dụng một cách tự nguyện chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu. Mục tiêu của Global GAP là thiết lập một chuẩn mực trong sản xuất nông nghiệp cho nhiều loại sản phẩm khác nhau. Thị trường châu Âu vẫn là nơi có rất nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, khách hàng châu Âu không chỉ tìm hiểu kỹ điều kiện của cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản mà họ còn muốn biết tường tận nguồn gốc của sản phẩm; tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa ý thức rõ ràng về những thách thức mới này.
Ông Dương Ngọc Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: điều cần thiết nhất hiện nay với ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao chất lượng thủy sản của các doanh nghiệp chế biến, xây dựng một mối liên kết thực sự vững chắc giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tiềm ẩn từ các nước nhập khẩu, qua đó làm tăng giá trị cho thủy sản nước nhà. Hiện nay, một số doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho việc chứng nhận nguồn gốc sản phẩm như: nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất, vùng nuôi, nguồn cung cấp con giống, loại thức ăn đã sử dụng, thời gian nuôi, ngày bắt và chế biến... bằng việc xin cấp giấy chứng nhận Global GAP. Hiện tại có năm doanh nghiệp nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP là: Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Hiệp Thanh, Việt An và Tuấn Anh - đây được xem là tấm giấy thông hành giúp thủy sản Việt Nam có thể tự tin khi thâm nhập vào các thị trường khó tính ở châu Âu.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định: tiềm năng phát triển sản xuất, chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang phải đối mặt với không ít áp lực, rào cản thương mại kỹ thuật của các nhà nhập khẩu dựng lên ngày càng dày đặt, áp lực trước những vụ kiện chống bán phá giá đã gây nhiều bất lợi cho xuất khẩu. Đến hết quý II-2010, việc đánh mã vạch cho vùng nuôi sẽ thực hiện xong, trên cơ sở đó các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện việc ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì và thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư trực tiếp cơ sở kinh doanh ở nước ngoài để cung ứng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Mặt khác, chú trọng thị trường nội địa, đây là thị trường đầy tiềm năng và ổn định. Khi có giấy chứng nhận Global GAP, giá trị thương hiệu cũng như niềm tin của khách hàng vào sản phẩm gia tăng lên rất nhiều.
(Công an Thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com