Bạc Liêu có chiều dài bờ biển hơn 56 km với nguồn thủy, hải sản phong phú. Toàn tỉnh có 1.070 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản, nhưng chỉ có 360 phương tiện đánh bắt xa bờ. Việc khai thác thủy sản gần bờ với phương tiện nhỏ lẻ, manh mún đã tác động xấu đến ngư trường, hủy diệt nguồn lợi thủy sản của địa phương...
Ngư dân Bạc Liêu chuẩn bị ra khơi |
Theo tính toán của các ngành chức năng và nhiều ngư dân ở Bạc Liêu, trong gần hai năm qua, giá dầu, vật tư, các loại ngư, lưới cụ tăng đã làm các chủ phương tiện gánh thêm hơn 80% chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, tăng thêm 20 - 25 triệu đồng/chuyến. Còn các phương tiện đánh bắt ngắn ngày cũng tăng bảy, chín triệu đồng/chuyến. Trong khi đó, sản phẩm thủy, hải sản khai thác giá bán ra tăng không nhiều, không ổn định, nhiều lúc bị giảm từ vài nghìn đồng đến hơn 10.000 đồng/kg. Ðáng lưu ý, trước tình hình khó khăn trong khai thác, đánh bắt thủy sản, nhiều phương tiện cũng chuyển sang nghề cào đôi, cào đơn, với lợi nhuận trung bình từ 130 đến 150 triệu đồng/tháng (cào đôi) và từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng (cào đơn), nhưng đây vẫn là hình thức khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Tại huyện Hòa Bình, trong tổng số 217 phương tiện, chỉ có năm tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là khai thác gần bờ bằng hình thức cào, te, thẹ... Theo ông Trần Văn Thành, chủ một phương tiện đánh bắt thủy sản "Nhiều chủ phương tiện đều biết đánh bắt thủy sản gần bờ sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt (như đánh bắt thời gian ngắn, ít chi phí, không cần nhiều lao động...) nên họ vẫn làm. Còn đánh bắt xa bờ thì chi phí đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận không cao, đôi khi còn bị thua lỗ". Từ cuối năm 2009 đến nay có đến 25-30% trong tổng số phương tiện đánh bắt thủy sản trong huyện phải "nằm bờ" vì khai thác không hiệu quả...".
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu, để hoạt động khai thác mang lại hiệu quả và phát triển bền vững, cùng với công tác điều tra, đánh giá, thống kê các loại thủy sản, nhất là các loại thủy sản quý hiếm để bảo vệ và khai thác hợp lý, cần cơ cấu lại tàu thuyền khai thác cho phù hợp và có chính sách hỗ trợ cho các phương tiện khai thác nghề cấm, nghề hạn chế khai thác. Ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến hiệu quả khai thác, đánh bắt kém hiệu quả, cũng phải thừa nhận những bất cập trong công tác quản lý. Ðó là việc thiếu đầu tư, thiếu những giải pháp mang tính chiến lược để phát huy hiệu quả từ kinh tế biển. Ðáng lo hơn, hầu hết các phương tiện này đều khai thác gần bờ, ngày đêm ra sức khai thác theo kiểu hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Nếu nguồn lợi nơi đây cạn kiệt, họ chỉ cần chuyển sang ngư trường khác, còn lao động của địa phương thì rơi vào cảnh thất nghiệp!
Một vấn đề khác, ngành quản lý và chính quyền các cấp ở Bạc Liêu lâu nay thiếu sự quan tâm trong tổ chức hoạt động khai thác, trong khi đây lại là nhu cầu bức thiết và mang lợi ích thiết thực cho ngư dân. Cụ thể như việc tổ chức liên kết các phương tiện với nhau để hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ, gắn với việc hình thành các dịch vụ hậu cần nghề cá, việc làm này góp phần giảm chi phí đánh bắt, vừa có điều kiện làm tốt công tác y tế, cứu nạn, cứu hộ trên biển. Liên kết sản xuất trên biển còn mang lại nhiều lợi ích khác. Chủ vựa cá Tư Dung, thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải), nói: "Nếu các phương tiện liên kết với nhau, sản phẩm thủy sản đánh bắt sẽ nhiều hơn và việc tập trung sản phẩm về một đầu mối sẽ thuận tiện hơn. Ðiều này sẽ làm chi phí vận chuyển giảm và ngư dân sẽ thu lãi nhiều hơn, khắc phục tình trạng hàng thủy sản bị mất giá do không bán ra ngoài tỉnh được". Mặt khác, việc hình thành các tổ hợp tác trong khai thác đánh bắt thủy sản còn là điều kiện để chủ phương tiện tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thông qua tín chấp, thay vì phải thế chấp tài sản như hiện nay.
Hiện nay, đầu tư về hạ tầng phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt chưa tương xứng với tiềm năng. Bạc Liêu chỉ có một Cảng cá Gành Hào (huyện Ðông Hải), còn biển Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu) và cống Cái Cùng (huyện Hòa Bình) vẫn còn là những dự án nằm trên giấy! Vì thế, nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản của Bạc Liêu không bán sản phẩm cho các điểm thu mua của địa phương mà bán cho các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh... Việc làm này đã khiến cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương thường phải đối mặt với cảnh thiếu hàng và mất đi nguồn thuế lớn. Ðó là chưa kể những yếu tố kém về giao thông phục vụ cho quá trình vận chuyển hàng hóa và tạo thuận lợi cho các phương tiện neo đậu, bốc dỡ, lưu giữ hàng hóa trước khi xuất bán...
Ngoài ra, chính quyền và các ngành chức năng ở Bạc Liêu cũng cần quan tâm đến việc thay đổi cách làm và trang bị kiến thức cho ngư dân, nhất là trong thay đổi tập quán sản xuất, xóa dần tâm lý mang nặng kinh nghiệm cá nhân trong đánh bắt thủy sản. Có thể lấy thí dụ trong chính sách hỗ trợ từ Quyết định số 289 của Chính phủ, phần lớn ngư dân đều không nhận được hỗ trợ từ việc mua mới, đóng mới, thay máy mới vì thói quen sử dụng máy cũ. Ðây cũng là nguyên nhân làm cho ngư dân chưa được tiếp cận với những thiết bị, công nghệ mới và chưa mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới phục vụ cho hoạt động khai thác xa bờ (như máy tầm ngư)...
Từ thực trạng và bất cập nêu trên, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng Bạc Liêu cần sớm đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên để khai thác có hiệu quả cao và bền vững hơn tiềm năng kinh tế biển - một thế mạnh của địa phương.
(Bài và ảnh: TRỌNG DUY // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com