Thông tư 51 mới vừa được ban hành đã bỏ quy định hàng tạm nhập-tái xuất phải có giấy kiểm dịch và kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng.
Ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành thông tư 51/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT (về quy định trình tự thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản) và thông tư 25/2010 (hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu).
Theo quy định cũ tại Điểm c, Khoản 2 và Khoản 4 thông tư 06 quy định trường hợp lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu để chế biến (tạm nhập - tái xuất) trước khi đưa ra tiêu thụ thuộc thuộc danh mục phải được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng. Cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y thông báo cho cơ quan kiểm tra chất lượng thuộc Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) để thực hiện đồng thời việc lấy mẫu để kiểm tra, chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra, chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo VASEP quy định này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại khu vực miền Bắc, Trung và TPHCM do các doanh nghiệp này phải nhập khẩu thủy sản từ nước ngoài để chế biến và chỉ khi có đủ giấy chứng nhận của Cục thú y và NAFIQAD thì hàng mới được đưa ra tiêu thụ. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lưu kho phát sinh trong thời gian chờ kiểm dịch và kiểm tra chất lượng.
Thông tư 51 mới vừa được ban hàng đã bỏ quy định này, VASEP cho biết những chỉ đạo kịp thời trên của Bộ NN&PTNT sẽ giải phóng được những lô hàng thủy sản nhập khẩu đang bị ách tắc tại cảng vì những thủ tục rắc rối từ hai Thông tư 25 và 06.
Không phải gửi hồ sơ ra tận Hà Nội
Thông tư 51 đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 16 Thông tư 06 với sản phẩm thủy sản nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu. Theo đó chủ hàng chỉ phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với cơ quan thú y vùng nơi làm thủ tục nhập khẩu chứ không phải gửi hồ sơ đăng ký ra tận Cục Thú y tại Hà Nội như trước đây.
Cục Thú y sẽ là đầu mối kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT bao gồm: sản phẩm động vật trên cạn dùng làm thực phẩm; sản phẩm động vật thủy sản dùng làm thực phẩm; trách nhiệm và quyền hạn của các bên có liên quan.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thú y vùng có trách nhiệm trả lời chủ hàng. Trong thời hạn 4 ngày làm việc, chủ hàng phải khai báo với cơ quan thú y vùng tại nơi làm thủ tục nhập khẩu.
Cục Thú y có trách nhiệm tổ chức kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Còn tại Thông tư 06, doanh nghiệp thuỷ sản nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến xuất khẩu cùng lúc phải chịu sự kiểm soát đồng thời của 2 cơ quan Cục Thú y và NAFIQAD và hàng loạt chi phí, nhất là chi phi lưu cảng khi chưa được thông quan.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty Thủy sản Hải Nam (TPHCM), nhiều doanh nghiệp thủy sản đang băn khoăn rằng: liệu Cục thú ý đã chuẩn bị đầy đủ quy trình và nhân lực như NAFIQAD đã có khi trước đây, để đảm nhận khối lượng công việc lớn như vậy hay chưa?
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com