Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hướng đi cho sản phẩm cá tra, ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 400 ngàn hécta mặt nước nuôi trồng thủy sản các loại. Hàng năm, nơi đây đã cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu tấn, chiếm trên 70% sản lượng thủy sản cả nước.Trong ngành nuôi trồng thủy sản, cá tra, ba sa chiếm một số lượng không nhỏ. Tính đến nay đã có trên 6.000 hécta nuôi cá tra, ba sa tập trung với sản lượng đạt gần 1 triệu tấn. Tuy nhiên sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra của nước ta vẫn đang như làm gia công cho nước ngoài.

Lợi nhuận thấp do chỉ làm “hàng gia công”

Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thì diện tích và sản lượng cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) tính đến hết tháng 6-2010, đã thả 3.749ha, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2009. Nuôi quy mô lớn (từ 10ha trở lên) tăng mạnh, và giảm hộ nuôi nhỏ lẻ. Tại thành phố Cần Thơ, việc các hộ nuôi thả cá nhỏ lẻ đã giảm tới 40% và nuôi quy mô lớn tăng 15%. So với cuộc khủng hoảng thừa cá tra cách nay 2 năm, do nuôi và chế biến không gặp nhau, thì nay tình hình đã khác nhiều. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu dao động 14.000 - 18.500 đồng/kg, trong lúc giá thành là 14.000 – 16.000 đ/kg, người nuôi cá tra có lúc đã bị lỗ.

Lợi nhuận của cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thấp có một phần nguyên nhân là những đơn vị xuất khẩu trong nước cạnh tranh nhau. Sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay ở ta vẫn chỉ dừng ở dạng như đang gia công cho nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập thức ăn và thuốc thú y về gia công con cá, vận chuyển đi bán để cho nước ngoài kiếm lời.

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, ba sa ở ta đều tự xây dựng thị trường, thương hiệu riêng, mà chưa quan tâm thương hiệu chung của cá tra nói riêng, cũng như sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam. Một số doanh nghiệp tranh giành thị trường bằng cách tự hạ giá sản phẩm, làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 248.834 tấn cá tra, trị giá 533 triệu USD. Thị trường EU vẫn chiếm tỷ trọng lớn, 35,3% về lượng; thị trường Mỹ đạt 16.800 tấn, trị giá 52,8 triệu USD.

Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả sản xuất và chế biến cá tra bằng cách nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng là điều các doanh nghiệp và người nuôi thả nên làm. Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, ĐBSCL vẫn duy trì sản lượng cá tra nguyên liệu 1,2 - 1,3 triệu tấn. Hỗ trợ nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn nông nghiệp sạch có giá trị toàn cầu) và ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thuận đề ra giá sàn khi xuất vào một số thị trường chính để bảo vệ uy tín sản phẩm, đảm bảo cho doanh nghiệp có lợi nhuận cao.

Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong nuôi thả cá tra, ba sa…

Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam đang tăng mạnh về số lượng với trên 100 thị trường. Từ những quốc gia có GDP cao như Mỹ, EU, Australia, Nga… đến những nước có GDP trung bình như Mexico và cả những quốc gia vùng Bắc Phi và Trung Đông…

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam cho thấy: Chỉ khoảng 6.000ha cá tra, cá ba sa nuôi nông dân Việt Nam đã thu về khoảng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong khi mặt hàng tôm để thu được trên 1,5 tỷ USD kim ngạch mỗi năm phải cần đến khoảng 600.000ha mặt nước. Điều này cho thấy, giá trị mang lại từ 1ha đất nuôi cá quá sức hấp dẫn. Không chỉ diện tích nuôi cá tăng mà đối tượng nuôi cá cũng tăng nhanh trong thời gian ngắn, từ những người nuôi cá chuyên nghiệp đến người trồng lúa, người có tiền ở nơi khác và cả người… bán vàng cũng tham gia.

Hệ lụy của sự tự phát này đang để lại những hậu quả đáng tiếc. Nguồn cung dồi dào dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) để giành khách hàng, nhà nhập khẩu nước ngoài được dịp ép giá. Cá tra, ba sa Việt Nam bị đánh thuế do bán phá giá từ thị trường Mỹ từ việc giảm giá này. Do tỷ giá đồng EUR giảm so với USD khiến hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường chung này khi quy ra USD bị đẩy giá lên quá cao. Nhà nhập khẩu không chấp nhận giá cao, do vậy buộc phải giảm giá bán.

Điều đó giải thích vì sao, những tháng qua sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá trị lại giảm mặc dù nhu cầu vẫn còn nhiều. Hiện nay, giá cá tra phi lê vào loại thấp, trên dưới 2USD/kg so với trên dưới 3 USD/kg như trước. Hậu quả, giá mua cá nguyên liệu ở ngưỡng 16.000 đồng/kg, người nuôi cá không thể có lời.

Giảm giá và thừa nguyên liệu liên tục mấy năm nay đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, lượng người nuôi phá sản ngày càng nhiều. Một thực tế, nguyên liệu thừa nhưng vẫn thiếu. Do tạo ra sự cung cầu không hợp lý: Thừa cá thịt đỏ, dư cá cỡ lớn trong khi cá thịt trắng, cỡ 800g/con lại khan hiếm.

Trước nguy cơ này, các nhà máy phải tự xây dựng vùng nguyên liệu từ khoảng 20%, lên 50%-60%, thậm chí có DN tự cung ứng nguyên liệu đến 90%. Do các nhà máy không thể tự tạo 100% nguồn nguyên liệu nên phải liên kết với những người nuôi có diện tích và vốn lớn. Việc liên kết trên nhằm chia sẻ rủi ro và giảm bớt phần vốn DN phải bỏ ra, tạo được chuỗi liên kết giữa các bên trong bối cảnh nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất vẫn cao và không dễ khó vay.

Và định hướng của các ngành chức năng


Để ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi các tra, ba sa phát triển bền vững, các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương cần thiết phải sắp xếp lại trật tự nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Theo đó nên có hàng rào kỹ thuật về việc xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp nào có năng lực, có thị trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn qui định... mới cho xuất khẩu, nhằm tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ không lành mạnh. Đối với người nuôi thủy sản, những hộ nhỏ lẻ cần thiết cũng nên sang bán ao hầm cho hộ nuôi lớn có năng lực. Đây là xu thế để hình thành vùng nuôi tập trung, có đầu tư vốn, kỹ thuật đầy đủ, kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Khi có những tập đoàn mạnh làm ăn bài bản, có trách nhiệm, có đầu tư vùng nguyên liệu gắn kết với người nuôi thì lúc đó việc quản lý và kiểm soát giá cả, đầu vào, đầu ra sẽ dễ dàng hơn.

Nhiều nhà chuyên môn tin tưởng, tới đây ngành thủy sản ở ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển, bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới rất lớn. Nếu so sánh với sản phẩm cá hồi của Na Uy, Nhật, Nga, hay cá rô phi của Trung Quốc thì cá tra, cá ba sa của nước ta vẫn chiếm ưu thế rõ rệt trên thương trường quốc tế. Vấn đề là chúng ta nhanh chóng sắp xếp, quy hoạch lại một cách căn cơ từ vùng nuôi đến sản xuất giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu... Tất cả phải dựa trên những quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, Nhà nước cần đóng vai trò sẽ là nhạc trưởng để sắp xếp lại nghề cá theo hướng phát triển bền vững. Hy vọng, việc qui hoạch và nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách để cứu con cá tra, ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được Chính phủ và các địa phương chú ý để thúc đẩy ngành sản xuất này thành ngành sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL nói riêng và đất nước nói chung, nhằm mang lại nguồn thu nhập, nâng cao đời sống người dân./.

(cpv)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container