|
Với con cá tra Việt Nam, bị áp thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, hoặc áp buộc phải có chứng nhận xuất xứ mới được vào EU, hay hàng rào thuế của Nga còn cao... là những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu sản phẩm đứng đầu ngành thủy sản Việt Nam có “bước lùi” 4,8% về kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2009.
Nhưng ở một góc nhìn khác, có những bằng chứng rõ ràng không kém cho thấy, những bất hợp lý từ phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất đang khiến người nuôi cá tra mất động lực để chinh phục các thị trường lớn ở hải ngoại.
Theo kết quả điều tra 431 cá nhân, đơn vị tại khu vực đồng băng sông Cửu Long của Viện Nghiên cứu phát triển đồng băng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ), trong tổng số lợi nhuận thu được, công ty chế biến chiếm 78,5%, người nuôi 19,4%, và thương lái 2,1%.
Như vậy, trong khi chịu rủi ro lớn hơn, chi phí nhiều hơn, người nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long có thu nhập thấp hơn rất xa so với các doanh nghiệp chế biến và bán lẻ. “Rõ ràng, tỷ trọng lợi nhuận mất cân đối giữa các tác nhân cho thấy sự kém bền vững trong chuỗi giá trị”, TS. Mai Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang nhận xét.
Nhưng đó mới là kết quả từ những số liệu thu thập chủ yếu trong năm 2007 và đầu năm 2008, lúc đó giá cá tra nguyên liệu cao hơn giá thành sản xuất, người nuôi có lãi. Có lý do để cho rằng, từ khoảng cuối quý 1/2008 đến nay, hầu hết thời gian, người nuôi cá tra bán dưới giá thành.
Từ đầu năm 2009, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục đã giáng thêm một đòn khá mạnh đối với người nuôi các tra tại vựa thủy sản lớn nhất Việt Nam này. Với chi phí thức ăn thường chiếm gần 76% chi phí sản xuất, việc tăng thêm 500-600đồng/kg thức ăn đã làm nâng giá thành sản xuất bình quân khoảng 15.000-15.300đồng/kg cá thịt. Trong khi đó, giá bán bình quân trên thị trường chỉ có 14,400-14,480đồng/kg.
Theo khảo sát mới nhất về thực trạng người nuôi cá tra tại An Giang cho thấy từ 70% - 80% người nuôi cá tra xuất khẩu đang chịu lỗ. Toàn tỉnh An Giang hiện có 2.854 hộ vay nuôi cá tra với tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng. Trong số này có 152 hộ nợ quá hạn với số vốn 52 tỷ đồng. Hầu hết người nuôi đều không còn tài sản thế chấp để các ngân hàng hỗ trợ vay các khoản vay mới.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho thấy, ở thời điểm này có tới 25 đến 30% số hộ nuôi bị phá sản; 40-50% số hộ mất vốn và nợ ngân hàng. Chuyện người nuôi cá tra ở An Giang ở nhà của ngân hàng, ao của ngân hàng đã trở thành phổ biến, bởi vì có tới 90% hộ nuôi cá đang là con nợ của các ngân hàng.
“Người nuôi cá tiếp tục thua lỗ nên một số hộ nuôi đã bỏ trống ao hầm không sản xuất tiếp”, vị lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ này nói.
Năm 2009, diện tích nuôi cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 30% so với năm 2008. Riêng tại tỉnh An Giang, diện tích nuôi đến nay chỉ bằng 80%, sản lượng giảm 20 ngàn tấn so cùng kỳ, còn khoảng 180 ngàn tấn. Tính đến cuối tháng 6/2009, số hộ treo ao, hầm là 2.036 hộ, tương đương với diện tích là 297 ha chiếm 20% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh này.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh An Giang, bà Ánh Tuyết nhận định, với xu thế giảm mạnh diện tích nuôi các tra như hiện nay, việc tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản vào những tháng cuối năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chế biến và xuất khẩu đến nay chỉ đạt 66%, ước cả năm 2009 xuất khẩu cá tra của An Giang chỉ có thể đạt 150.000 tấn, bằng 80% so với năm 2008.
Tình trạng thiếu cá nguyên liệu lần này trầm trọng hơn những lần trước nhiều, bởi vì số người nuôi cá tra treo ao hầm ngày càng tăng do thua lỗ, không còn vốn để nuôi, Phó giám đốc Tuyết cho hay. Bà cũng cảnh báo: “Đây sẽ là một bài học đắt giá cho việc phát triển sản xuất không gắn với việc tạo nguồn nguyên liệu ổn định của doanh nghiệp chế biến”.
17 nhà máy chế biến thủy sản tại An Giang phải hoạt động cầm chừng. Hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhìn rộng ra, gần 100 nhà máy chế biến trong toàn vùng hiện có công suất thiết kế 2,5 triệu tấn cá nguyên liệu/năm. Với sản lượng thu hoạch như hiện nay, các nhà máy hoạt động chỉ đạt 50% công suất thiết kế, bà Tuyết lo lắng.
(Theo Anh Quân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com