Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng xuất khẩu thuỷ sản những tháng cuối năm

Mặc dù xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm nay giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt mức 2,65 tỉ đô la Mỹ, nhưng trong cả tháng 8 và đầu tháng 9, đã có nhiều tín hiệu mà theo các doanh nghiệp thủy sản là đang “vào vụ” thu hoạch cuối năm.

330 doanh nghiệp được xuất vào EU

Vào giữa tháng 8 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã chấp thuận bổ sung thêm 30 doanh nghiệp Việt Nam được cấp code (mã số đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản vào EU), điều chỉnh thông tin đối với 10 doanh nghiệp, nâng tổng số các doanh nghiệp thủy sản được phép chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường EU- một thị trường vốn khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm - lên 330 doanh nghiệp .Với kết quả này, Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều nhà máy thủy sản có code xuất khẩu vào thị trường EU trong khu vực châu Á, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường này trong những tháng cuối năm nay và các năm tới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EU hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm ngoái, thị trường này nhập của Việt Nam 350.000 tấn thủy sản với kim ngạch 1,14 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng ổn định 26%. Hiện nay, 26/27 quốc gia thuộc EU nhập thủy sản của Việt Nam.

Nafiqad cho rằng việc thủy sản Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào EU là một thế mạnh lớn, vì EU không chỉ là thị trường thủy sản lớn của Việt Nam, mà còn là thị trường “chuẩn” cho thủy sản thế giới, bởi các thị trường nhập khẩu thủy sản khác thường lấy tiêu chuẩn của EU ra làm chuẩn cho mình.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Tây Ban Nha là thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam trong EU và mới đây, trước những tranh cãi về chất lượng và tiêu chuẩn của cá tra ở thị trường này, Bộ Y tế và tiêu dùng Tây Ban Nha đã ban hành thông báo nhấn mạnh cá tra, cá ba sa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU. Thống kê sơ bộ thì mỗi năm chỉ riêng Tây Ban Nha nhập của Việt Nam khoảng 40.000 tấn sản phẩm cá tra, cá ba sa.

Vượt qua hàng rào thuế chống bán phá giá

Đầu tháng 9 này, sau khi xem xét hành chính, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm phi-lê cá tra đông lạnh của Việt Nam lần thứ 5 (giai đoạn từ 1-8-2007 đến 31-7-2008) với kết quả có thêm hai công ty mới là Cadovimex II và Samefico có biên độ phá giá bằng 0%.

Quyết định cuối cùng dự kiến ban hành vào tháng 12-2009 nhưng theo nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra thì trong các lần xem xét hành chính tới đây, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không bị áp thuế chống bán phá giá.

Trước đó, vào đầu năm nay, ba công ty chỉ chịu thuế suất là 0,52% gồm Công ty TNHH Thực phẩm QVD Đồng Tháp, Công ty cổ phần XNK thủy sản An Giang (Agifish) và Công ty cổ phần Việt An (Anvifish). Ngoài ra, hai công ty là South Vina và Bianfishco không bán phá giá cá tra sang thị trường Mỹ, nên có mức thuế chống bán phá giá bằng 0%.

Với kết quả này, cùng với Vĩnh Hoàn trước đó có thuế chống bán phá bằng 0%, Vasep cho biết Việt Nam có 6 doanh nghiệp gần như không bị áp thuế chống bán phá giá, tạo điều kiện tăng giá trị xuất khẩu cá vào thị trường Mỹ. Thực tế, trong năm nay, khi xuất khẩu cá sang nhiều thị trường sụt giảm thì riêng thị trường Mỹ lại khởi sắc.

Sau cá tra, tới lượt các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ cũng có cơ hội chứng minh mình không bán phá giá, bằng chứng là kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 1-2-2007 tới 31-1- 2008 của DOC công bố ngày 8-9, cả ba công ty là bị đơn bắt buộc có biên độ bán phá giá gần bằng 0%. Cụ thể là Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú có biên độ phá giá 0,43%, Camimex 0,08% và Phương Nam 0,21%.

Trước nhiều tín hiệu lạc quan cho ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong 4 tháng còn lại của năm nay có khả năng xuất khẩu thủy sản đạt 1,75 tỉ đô la Mỹ, nâng kim ngạch cả năm lên 4,4 tỉ đô la Mỹ, tương đương năm ngoái, trong khi các dự báo hồi đầu năm đều thấp hơn nhiều.

(Tin kinh tế hàng ngày)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container