Tháng 1/2010 xuất khẩu cá ngừ tăng155,9% về lượng và 172,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu đầu năm 2009, sự “vắng vẻ” bao trùm hầu hết các thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Việt Nam thì đầu năm nay EU là thị trường lớn duy nhất giảm cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu tháng 1/2010 - 15 ngày sau khi Quy định IUU có hiệu lực, cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và ngư dân đều bị động, trong giai đoạn này, các nhà máy chỉ nghe ngóng tình hình và chưa vội ký các hợp đồng xuất khẩu. Do đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU vốn đã tăng trưởng âm nay lại càng chững lại, tháng 1/2010, EU giảm 26,7% về khối lượng và 27,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái đạt 999 tấn tương đương 3,42 triệu USD. Kể từ những tháng đầu năm 2009, sự bất ổn tại thị trường EU đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ phải đảo chiều sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… Cũng trong tháng 1, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tiếp tục tăng đột biến với khối lượng 2.929 tấn với trị giá 14 triệu USD, tăng gần gấp đôi về giá trị so với tháng trước, tăng đến 573,5 về khối lượng và 978,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tháng 2/2010, nhu cầu về sản phẩm cá ngừ cao cấp tại Mỹ đang giảm khiến nhập khẩu cá ngừ vào thị trường này giảm, giá cá ngừ có xu hướng giảm theo. Nhưng cho đến nay, đây vẫn là thị trường ổn định của cá ngừ Việt Nam. Tương tự Mỹ, xuất khẩu cá ngừ tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Canađa cũng đang “thuận buồm xuôi gió” khi tăng ấn tượng ba con số cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước: Nhật Bản vẫn đứng vị trí thứ 3 (sau Mỹ và EU) tăng 129,3% về khối lượng, 137,4% về giá trị; Đài Loan tăng đến 1.440,3% về khối lượng, 846% về giá trị, Canađa tăng đến 1.710,1% về khối lượng, 6.123,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, tại thị trường tiềm năng Ixrael đang có sự tụt dốc. Nếu tháng 12/2009, thị trường này vẫn đứng thứ 4 (sau Nhật Bản) thì tháng 1/2010 bị đẩy xuống vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng kim ngạch, đồng thời giá trị xuất khẩu tại đây cũng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, một số thị trường mới: Bahamas, LiBi đang được các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam khai phá với khối lượng xuất khẩu tương đối lớn so với các thị trường truyền thống như Canađa, Ixrael… Tuy nhiên, giá xuất khẩu tại những thị trường này vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Khác với mọi năm, năm nay nhiều ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã tổ chức ra khơi ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch. Bước sang tháng 2/2010, thời tiết thuận lợi khiến nhiều địa phương trúng mùa, được giá, nhưng nhiều ngư dân vẫn chưa quan tâm đến việc ghi nhật ký đánh bắt theo quy định IUU việc xin Giấy chứng nhận khai thác của doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn. Các chuyên gia ngành cá ngừ trên thế giới cho biết, sản lượng khai thác cá ngừ trong những tháng tới sẽ giảm và đẩy giá cá ngừ lên cao. Trước quyết định liệt kê cá ngừ vây xanh vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), hạn ngạch khai thác cá ngừ vây xanh của miền Bắc và miền Nam trong các vụ khai thác của năm 2010 sẽ giảm đáng kể, cụ thể, hạn ngạch khai thác của miền Nam giảm 20%, miền Bắc giảm 38,5%. Nếu việc triển khai quy định IUU tại các địa phương nhanh hơn, sản lượng cá ngừ ổn định trong những tháng tới, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ còn lạc quan hơn…
Vinanet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com