Nắng hạn kéo dài và mặn xâm nhập đã làm cho gần 10.000 ha tôm nuôi trên nền đất lúa ở vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) bị thiệt hại nặng. Nhiều nông dân phải thu hoạch tôm non để bù vào các khoản chi phí bỏ ra đầu vụ. Nghề nuôi tôm ở Kiên Giang lại rơi vào cảnh "được giá, mất mùa".
Ao tôm bị thiệt hại nặng. |
Gần 10 nghìn ha tôm thiệt hại
Ðến thời điểm hiện tại, tỉnh Kiên Giang thả nuôi hơn 70 nghìn ha tôm, trong đó các huyện vùng U Minh Thượng hơn 65.000 ha. Trong bốn huyện vùng U Minh Thượng, huyện An Minh có diện tích thả nuôi tôm lớn nhất, với hơn 36.240 ha, trong đó có gần 32 nghìn ha tôm nuôi trên đất lúa. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các huyện vùng U Minh Thượng, hiện nay, tôm nuôi trong khu vực có độ tuổi bình quân từ 35 đến 75 ngày tuổi, nhưng do bệnh và nắng nóng đã làm tôm chết hàng loạt. Theo tính toán sơ bộ, diện tích tôm thiệt hại đã lên đến gần 10 nghìn ha, trong đó hai phần ba diện tích thiệt hại từ 30-80%. Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện An Minh cho biết, qua khảo sát ban đầu, đến nay huyện An Minh có 7.300 ha tôm bị thiệt hại, trong đó, hai phần ba diện tích thiệt hại 30 đến 80%. Diện tích bị thiệt hại tập trung nhiều ở các xã Ðông Hòa, Ðông Thạnh, Vân Khánh, Văn Khánh Tây, Thuận Hòa...
Tại huyện An Minh, xã bị thiệt hại nhiều nhất là Ðông Thạnh, có hơn 2.100 ha/4.250 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Chủ tịch UBND xã Ðông Thạnh Lê Văn Dần nói: "Trong tổng diện tích tôm bị thiệt hại, hơn một nửa thiệt hại 50%. Mặc dù, nông dân vẫn có thu nhập từ việc bán tôm non, nhưng nếu so với những hộ không bị thiệt hại thì sự chênh lệch về thu nhập quá lớn". Mặc dù nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng nhưng ít có hộ nào phải lỗ vốn. Vì đối với mô hình một tôm-một lúa tại U Minh Thượng, chi phí bỏ ra đầu vụ không lớn, chủ yếu là tiền tôm giống và cải tạo ao nuôi. Trong khi đó giá tôm nguyên liệu hiện nay tại vùng U Minh Thượng rất cao: Tôm 20 con/kg có giá 185 nghìn đồng; tôm 30 con/kg có giá 145 nghìn đồng/con và tôm cân sô cũng có giá 70 nghìn đồng/kg. Với giá tôm cao và để tránh xảy ra tình trạng tôm chết ráo, nhiều hộ nuôi tôm ở An Minh đã tiến hành thu hoạch tôm non. Anh Lê Trọng Ðạo ở ấp Thạnh Phong, xã Ðông Thạnh, huyện An Minh có hai ha tôm. Trước tình trạng tôm chết rải rác, anh quyết định thu hoạch tôm non để hoàn vốn. Anh cho biết: "Lúc đầu thấy tôm lội nhiều, có vài con bị chết trên ruộng, những ngày sau chết rất nhiều, nên đành phải thu hoạch để khỏi phải "trắng tay". Còn ông Ðổng Văn Kiệt, Trưởng ấp Thạnh Phong, xã Ðông Thạnh (huyện An Minh) nói: "Những năm qua, bà con trong ấp nuôi tôm đạt hiệu quả khá. Nhiều hộ có lợi nhuận đến vài trăm triệu đồng. Vụ tôm năm nay do nắng nóng kéo dài nên xuất hiện dịch bệnh trên phần lớn diện tích thả nuôi trong ấp. Ðể tránh thua lỗ, nhiều hộ tranh thủ thu hoạch tôm non. Nhưng do giá tôm cao nên các hộ nuôi tôm không đến nỗi lỗ vốn".
Tuy nhiên không phải ai cũng có được cái may mắn không lỗ vốn. Tại huyện An Biên, mặc dù diện tích bị thiệt hại chỉ khoảng 600 ha, nhưng có gần 20 ha tôm chết trắng. Trưởng Phòng NN & PTNT huyện An Biên, Nguyễn Hữu Hoa cho biết, tôm ở An Biên có độ tuổi trung bình từ 25 đến 60 ngày tuổi. Số tôm đạt từ 40 ngày tuổi trở lên có thể thu hoạch bán tôm non nhưng tôm nhỏ giá thấp chỉ khoảng 40-50 nghìn đồng/kg. Còn số bị thiệt hại "trắng" và tuổi tôm còn nhỏ đành phải bỏ, cải tạo lại môi trường, tiếp tục thả lại tôm giống vì thời vụ vẫn còn. Tại huyện Vĩnh Thuận, mặc dù cùng chung số phận tôm nuôi bị thiệt hại nặng, nhưng ngành nông nghiệp huyện này vẫn bình chân như vại. Trưởng Phòng NN & PTNT Vĩnh Thuận, ông Nguyễn Văn Út cho biết, chưa thống kê và chưa nghe báo cáo cụ thể tình hình.
Tìm biện pháp khắc phục
Theo đánh giá ban đầu của ngành chuyên môn, tôm bị thiệt hại là do nắng nóng kéo dài, mực nước trên mặt ruộng xuống thấp. Những hộ nuôi tôm do không chủ động nguồn nước trữ trên ruộng, hoặc không chuẩn bị ao lắng, khi mực nước ruộng tôm xuống thấp thì bơm tiếp nước trực tiếp từ ngoài sông vào không qua lắng, lọc. Vì vậy, độ mặn nước sông rất cao, khi bơm vào ruộng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của tôm. Mặt khác, do chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm khiến môi trường nước thay đổi đột ngột, gây bệnh và chết hàng loạt cho tôm. "Ban ngày nắng nóng nhưng về đêm lại quá lạnh nên con tôm không thích nghi. Hầu hết, tôm mắc bệnh đốm trắng, đỏ thân. Tôm lội từng đàn và tự đâm đầu vào mé ruộng chết" - ông Võ Hoàng Việt nói. Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang: "Số diện tích tôm bị sóc nắng, nông dân có thể thu hoạch tôm non, cải tạo lại ao nuôi và tiếp tục thả vụ tôm chính vụ. Vì hầu hết diện tích bị thiệt hại là do nông dân thả trước lịch vụ thời vụ. Từ đây đến tháng 8 mới chính là vụ tôm chính vụ" - kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng nói. Tình trạng nắng nóng dẫn đến dịch bệnh trên tôm xuất hiện nhiều năm qua. Vụ tôm năm 2008, toàn vùng có đến hàng chục nghìn ha tôm bị thiệt hại, tổn thất còn nặng nề hơn năm nay. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho vùng tôm - lúa U Minh Thượng là làm thế nào để khắc phục triệt để tình hình này mới là quan trọng, chứ không phải đợi đến lúc xảy ra thiệt hại mới loay hoay tìm biện pháp khắc phục. Ngoài ra, việc tôm chết tràn lan một phần do người dân không tuân thủ lịch thời vụ. Thả nuôi trước lịch thời vụ nhưng lại không chủ động các điều kiện ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Việc người dân bơm nước vào ruộng cứu tôm trong tình trạng dịch bệnh tràn lan như hiện nay chỉ là biện pháp tình thế. Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại vùng này, tỉnh Kiên Giang chưa tính đến các yếu tố gây bất lợi cho sản xuất nên chưa có biện pháp căn cơ. Trước tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, nhất là vụ tôm chính vụ, tại vùng U Minh Thượng, Sở NN & PTNT Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, nắm tình hình, tìm rõ nguyên nhân, phân tích dịch bệnh; kêu gọi nông dân nên bắt tay vào việc kiến tạo ruộng nuôi, gia cố lại bờ bao; kêu gọi những hộ thu hoạch tôm non thả con giống lại nên tuân thủ quy trình sản xuất, nhất là việc xử lý ao nuôi...
Người nông dân U Minh Thượng đang cần những giải pháp mang tính khả thi hơn từ các cơ quan chuyên môn, để mô hình tôm - lúa phát triển bền vững tại vùng sinh thái đặc thù này.
(Theo VIỆT TIẾN // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com