Do nắng nóng kéo dài khiến nghêu nuôi tại ĐBSCL chết hàng loạt nhưng người dân vẫn tiếp tục nuôi vì lợi nhuận khá cao. Trong ảnh, người dân Bến Tre đang thu hoach nghêu. Ảnh: Nguyễn Văn Tạo. |
Nắng nóng đang kéo dài khiến tỷ lệ nghêu chết tại các bãi nuôi dao động từ 30-50%, nhưng nhiều người dân ĐBSCL cho biết họ vẫn tiếp tục nuôi khi mùa mưa đến vì hiệu quả kinh tế từ nuôi nghêu khá cao với "một vốn bốn lời”. Chính vì vậy, việc thiếu nghêu giống cứ như "đến hẹn lại lên".
Nghêu chết vẫn nuôi Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Tiền Giang, đợt nắng nóng năm nay làm nhiều vùng bị nhiễm mặn cao, có nơi lên đến 35-40 phần ngàn khiến nghêu nuôi bị chết rất nhiều. Tỷ lệ nghêu chết có nơi lên đến 30-50% như các xã Thuận Phong, Thuận Hải thuộc huyện Thạch Phú (Bến Tre); thậm chí tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có những nơi lượng nghêu chết đến 70%, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây cho biết là họ sẽ tiếp tục nuôi lại trên những diện tích bị thiệt hại khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5 này. Lý giải cho vấn đề này, ông Võ Đình Linh, Giám đốc Trung tâm giống thủy sản Bến Tre, cho biết khác với các loại thủy sản khác, nuôi nghêu tốn rất ít công chăm sóc, chỉ tốn tiền mua nghêu giống; sau đó để nghêu sống ngoài tự nhiên, người dân cắm chòi và chờ ngày thu hoạch. Tính trung bình, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ 1 héc ta thu về cả trăm triệu đồng. Lợi nhuận khá cao nên người dân đổ xô nuôi nghêu, bất chấp nghêu bị chết hàng loạt như năm nay. “Khoảng 1-2 tháng nữa là mùa mưa đến, người dân sẽ bắt đầu nuôi nghêu trở lại nên việc thiếu nghêu giống là chuyện thường tình, năm nào chẳng vậy”, ông Linh nói. Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho biết chỉ riêng huyện Gò Công Đông, trong số 2.00 héc ta nuôi nghêu tại những bãi bồi tự nhiên, trong đợt nắng nóng vừa qua, gần 50% số lượng nghêu nuôi bị chết, ước khoảng 3.000 tấn (khoảng 60 tỉ đồng). Nhưng hiện tại, giá nghêu thương phẩm khá cao, khoảng 18.000-20.000 đồng/kg nên người nuôi nghêu không vì thiệt hại trước mắt mà bỏ rơi con nghêu. “Việc người dân bị thiệt hại trong đợt nắng nóng vừa qua là rất lớn nhưng chỉ cần thu hoạch 10% sản lượng là có thể hòa vốn, nên nuôi nghêu vẫn là nghề thu hút rất nhiều hộ nông dân ven biển”, ông Cẩn cho biết. Hiện tại, nguồn nghêu giống đều được khai thác ngoài tự nhiên. Nhu cầu nghêu giống của người dân các tỉnh như Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tra, Tiền Giang là rất lớn, lên đến hàng tỉ con nhưng khả năng cung cấp của tự nhiên là có giới hạn. Vì thế, giá nghêu giống luôn ở mức cao, 10-12 triệu đồng/kg nhưng người dân vẫn nuôi nghêu vì chi phí nuôi rất thấp, có lãi cao. Lập sàn đấu giá nghêu giống Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, nhu cầu nghêu giống cỡ lớn bằng ngón tay út của tỉnh trong năm nay vào khoảng 400-500 tấn, chủ yếu tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành với diện tích 2.500 héc ta đất bãi bồi ven biển, cung cấp hàng ngàn tấn nghêu thương phẩm cho thị trường. Bến Tre là tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn nhất ĐBSCL với trên 3.000 héc ta, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 tấn nghêu thương phẩm. Diện tích khai thác nghêu giống tự nhiên của Bến Tre cũng trên 480 héc ta, cung cấp khoảng 1.000 tấn nghêu giống cỡ lớn mỗi năm nhưng cũng chỉ đáp ứng chỉ 70% nhu cầu của tỉnh. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, nhu cầu nghêu giống của huyện Gò Công Đông vào khoảng 500 tấn cỡ lớn nhưng nguồn khai thác ngoài tự nhiên chỉ đáp ứng trên 50%. Ngoài ra, trong những năm qua diện tích nuôi nghêu ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng phát triển mạnh nhưng nguồn nghêu giống cung cấp chủ yếu vẫn từ các tỉnh ĐBSCL. Chính vì sự khan hiếm giống nên ở các tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn nên nghêu giống được bán theo kiểu lập sàn đấu giá, ai trả giá cao nhất thì bán. Theo ông Linh, vụ nghêu 2009 vào thời điểm không đủ giống cung cấp cho thị trường, những người có con giống thay vì chào bán với giá cố định, họ đã lập sàn đấu giá nghêu giống. “Ban đầu 1 kg nghêu giống được người bán định giá vài trăm ngàn đồng, sau đó người mua bắt đầu đấu giá, đẩy giá lên. Vì vậy, giá 1 kg nghêu giống cám (khoảng 400.000-500.000 con/kg) hay nghêu cỡ lớn bằng đầu ngón tay út (khoảng 100.000 -200.000 con/kg) được bán với giá 10-12 triệu đồng/kg là chuyện bình thường”, ông Linh cho biết. Cũng theo ông này, mùa nghêu năm nay, giá nghêu giống có thể lên đến 15 triệu đồng/kg. Theo ông Cẩn, hiện Trung tâm giống thủy sản Tiền Giang mỗi năm sản xuất được 300-400 triệu con giống/mùa, (khoảng 300 tấn), một con số quá nhỏ so với nhu cầu hiện nay. Còn Trung tâm giống thủy sản Bến Tre năng lực sản xuất vào khoảng 100 triệu con giống/mùa (khoảng 80-90 tấn). Ông Trịnh Biên, Phòng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TPHCM cho biết hiện diện tích nuôi nghêu tại Cần Giờ còn khoảng 200 héc ta, tương đương 10% so với cách đây vài năm. Nguyên nhân là ngoài việc môi trường nước bị ô nhiễm, giá nghêu giống ngày càng cao nên người dân Cần Thạnh, Long Hòa bỏ bãi trống để nghêu ngoài tự nhiên tự phát triển, đến mùa thì khai thác nghêu giống bán cho các tỉnh có nhu cầu.
(Theo Ngọc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com