Năm nay, ngành thủy sản có thể xuất khẩu 4,5 tỷ USD, đó là tin mừng. Bên cạnh đó có một tin không vui, khi bài toán nguyên liệu chế biến ngày càng càng trở nên khó giải. Đầu năm 2010, Bộ NN-PTNT đã dự báo khả năng thiếu nguồn nguyên liệu kéo dài hết năm 2010, nhưng không ai nghĩ lại trầm trọng đến vậy, đặc biệt với một số loại thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra...
Chuyện thiếu nguyên liệu của các nhà máy chế biến thủy sản đã xảy ra từ nhiều năm qua. Khi thủy sản được xuất khẩu, nhiều nhà máy chế biến thủy sản ra đời, nguyên liệu trong nước nhanh chóng không đáp ứng kịp nhu cầu chế biến.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản số 1. Ảnh: CAO THĂNG |
Ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết, mùa bão lụt ở miền Trung khoảng 5-6 tháng, doanh nghiệp (DN) thường rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu nên phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì hoạt động và việc làm cho hơn 2.000 công nhân. Nguyên liệu trong nước thiếu triền miên thường do nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt và khai thác xa bờ kém hiệu quả, lại phụ thuộc vào mùa vụ.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng khai thác hải sản những năm tới khó vượt qua 2,1 triệu tấn/năm, trong khi chỉ riêng công suất cấp đông của các nhà máy chế biến đã trên 1,5-1,7 triệu tấn, tương đương 4,5 đến trên 5 triệu tấn nguyên liệu thủy sản, vượt xa mức 3,2 triệu tấn tổng sản lượng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm.
Do vậy, nhiều năm qua, các DN chế biến phải nhập khẩu khoảng 140.000 - 150.000 tấn thủy hải sản các loại, trị giá 300 - 320 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản, nước nhập khẩu hàng thủy sản chế biến nước ta rất nhiều, cũng là nước cung cấp nguyên liệu thủy sản nhiều nhất trong số hơn 72 quốc gia cung cấp cho Việt Nam.
VASEP cho rằng, nếu dựa vào nguyên liệu trong nước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ có thể đạt tối đa 4 tỷ USD/năm. Những năm tới, các DN cần phải nhập khẩu khoảng 650.000 tấn nguyên liệu thủy sản các loại, tăng hơn 4 lần so với năm 2010. Năm 2020, để nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 7,5-8 tỷ USD, các DN cần nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD nguyên liệu thủy sản.
Nhưng điều đáng lo chính là tình trạng khan hiếm nguyên liệu hiện lan rộng sang các đối tượng nuôi trồng, đặc biệt tôm và cá tra, 2 mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Những năm qua, dịch bệnh tôm xuất hiện liên tục, sản lượng tôm sú giảm mạnh trong lúc nhà máy chế biến được xây dựng nhiều hơn ở nhiều địa phương, người dân chuyển sang nuôi cá chình, cá bống tượng và loài thủy sản khác khiến diện tích nuôi tôm giảm mạnh.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, do khan hiếm tôm nguyên liệu nên 26 nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, thậm chí có lúc công nhân tạm nghỉ. Trong khi đó, gần 3 năm qua, nghề nuôi cá tra không còn dễ ăn như trước. Tình trạng phát triển nóng khiến sản lượng có dư thừa, nhà máy ép giá. Dù Việt Nam gần như độc quyền về xuất khẩu cá tra, nhưng do các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, đặc biệt những DN thương mại, muốn giành khách hàng đã giảm giá bán, nhà nhập khẩu được dịp ép giá. DN ép lại giá mua với bà con. Năm nay, trừ thị trường Nga, hầu hết những thị trường khác như EU, Mỹ… đều giảm giá xuất. Tình trạng treo ao tăng lên. Tại An Giang có 23 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, hầu hết chỉ hoạt động 50% - 60% công suất thiết kế. Có đến 30% - 40%, thậm chí 60% ao hầm nuôi cá bỏ trống vì người nuôi liên tục bị thua lỗ, không còn vốn tái đầu tư.
Điều lạ, thông thường khi giá mua cá nguyên liệu tăng bà con sẽ ùn ùn quay lại nuôi cá tra, nhưng hiện nay, dù giá cá tra đã lên 20.000 đồng/kg, vẫn chưa khiến người nuôi thả cá giống. Họ đã quá kiệt sức và chưa an tâm với quá nhiều bất trắc đã từng xảy ra với họ. Sự thờ ơ của người nuôi cá đã đẩy tình trạng khan hiếm nguyên liệu của các nhà máy lên đỉnh điểm và kéo dài.
Tại hội thảo chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2015 và hướng đến 2020, ông Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (khi chưa nhập vào Bộ NN-PTNT) cho rằng, đến lúc phải ngồi lại và phân tích những được và mất khi áp dụng mức thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cao như hiện nay và về lâu dài sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến lược phát triển của ngành thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết, rất nhiều nhà máy trong số 125 nhà máy chế biến thủy hải sản hiện nay chỉ hoạt động 50% - 70% công suất, vì một phần do thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đang ở mức cao. Đã đến lúc nên giảm mức thuế này để các DN giải quyết bài toán lao động và xuất khẩu. Các nước đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia... cũng đồng thời là những nước nhập khẩu nguyên liệu rất mạnh, với mức thuế nhập khẩu 0% - 0,5% đối với nguyên liệu thủy sản.
Để giữ nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu 8%-10%/năm, cần xem việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu là một chủ trương nhất quán, biện pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả năng lực ngành công nghiệp chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm. Theo các DN chế biến, Nhà nước cần tạo cơ hội, giúp DN nhập khẩu nguyên liệu để trở thành một trung tâm tái chế và sản xuất sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao hàng đầu trong khu vực. Do vậy, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh, giảm thuế nhập khẩu thủy sản xuống 0% như nhiều nước trong khu vực. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên thông quan đối với các lô hàng thủy sản đông lạnh…
(Theo CÔNG PHIÊN/sggp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com