Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep. Ảnh: Hồng Văn |
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 1 tháng thực hiện chương trình “Doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất” vào ngày 4-9 tại Bạc Liêu, nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để chuẩn bị triển khai rộng chương trình cho khắp các vùng nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL.
Nhân sự kiện này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trao đổi nhanh với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep xung quanh câu chuyện tôm bị bơm tạp chất diễn ra suốt hàng chục năm qua.
- TBKTSG Online: Thưa ông, tại sao nạn bơm tạp chất vào tôm đã diễn ra từ nhiều năm qua, mãi đến nay chương trình “nói không với tôm tạp chất” mới được phát động?
- Ông Trương Đình Hòe: Thực ra, vấn nạn tôm sú bơm tạp chất từ các khâu trước khi đưa vào chế biến đã xảy ra từ nhiều năm qua và tình trạng này đã được xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp lên tiếng, các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an cũng nghiêm khắc xử lý các trường hợp tôm bơm tạp chất bị phát hiện.
Vấn đề là thời gian gần đây, tình trạng bơm tạp chất vào tôm có vẻ gia tăng, nhất là tình trạng nhiều lô hàng tôm Việt Nam bị dồn ứ ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc do thương nhân Trung Quốc “bắt tay” với một số người thu mua tôm ở ĐBSCL.
Ngoài ra, nhiều thị trường nhập khẩu hiện nay cũng thắt chặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên không thể để xảy ra tình trạng một số người nào đó kiếm lợi bất chính từ việc bơm tạp chất vào tôm mà ảnh hưởng tới uy tín cả ngành thủy sản Việt Nam.
Hơn một tháng trước, chúng tôi phát động chương trình ở tỉnh Cà Mau, vùng nuôi tôm sú trọng điểm ở ĐBSCL, giờ là Bạc Liêu và sau đó là hai tỉnh nuôi tôm có diện tích, sản lượng tôm lớn còn lại là Sóc Trăng và Kiên Giang. Nói là phát động chương trình ở 4 tỉnh nhưng thực chất doanh nghiệp hội viên của Vasep ở các tỉnh ĐBSCL đều hưởng ứng, có nghĩa “nói không với tôm tạp chất” được triển khai ở cả vùng chứ không riêng tỉnh nào.
- Hiện tại, chương trình chỉ thực hiện ở doanh nghiệp, nơi chế biến tôm, còn từ việc nuôi của nông dân tới thu mua của đại lý được triển khai ra sao?
- Tôm bơm tạp chất trước khi đưa vào chế biến ở nhà máy là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về thương mại, nó làm ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào và dễ dàng bị mất uy tín với nhà nhập khẩu và thị trường tiêu thụ, vì một khi đưa tạp chất vào tôm, tôm sẽ bị nhiễm khuẩn, nhiễm chất độc hại bị cấm lưu hành.
Thiểu số người đưa tạp chất vào tôm để thu lợi bất chính nhưng các doanh nghiệp thì mất thị trường, mất bạn hàng, ngành thủy sản nói chung thì mất uy tín và suy cho cùng, nó quay lại tác động tới không chỉ doanh nghiệp, mà cả người nông dân, người thu mua trung gian. Đây là chương trình dài hơi của chúng tôi mà nòng cốt là doanh nghiệp phải làm mẫu để từ đó triển khai rộng ra cộng đồng, khắp tất cả các công đoạn của con tôm trước khi đưa vào nhà máy chế biến.
Chương trình này đầu tiên là phát động ở doanh nghiệp, sau đó vận động, tuyên truyền để chính quyền, người dân, nhất là người nuôi tôm và đại lý thu mua hiểu được tầm quan trọng của nó chứ bản thân doanh nghiệp thôi thì không đủ.
Hơn nữa, doanh nghiệp không đủ sức đủ lực để kiểm tra từng lô tôm, từng tấn tôm ngay tại cổng nhà máy trước khi đưa vào chế biến. Mà nếu có đủ lực đi nữa thì việc làm đó càng đội giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong thời gian gần đây, sau khi chương trình được phát động, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc “nói không với tôm tạp chất” rất cao.
-Xin cảm ơn ông!
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com