Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long

Nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi

Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là tôm sú đang phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Các vùng nước ngọt, ngập mặn, nước lợ ven biển được người dân sử dụng nuôi thủy sản, nuôi tôm với trồng lúa, trồng rừng đạt hiệu quả cao, trở thành vùng nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản chủ lực của cả nước, mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng triệu nông dân.

  Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, nghề nuôi tôm ở ÐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, nảy sinh nhiều bức xúc...

Nghề nuôi tôm phát triển nhanh

ÐBSCL có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề NTTS. Vài năm trở lại đây, các tỉnh trong khu vực này phát triển khá nhanh nghề NTTS. Trong NTTS ở ÐBSCL, con tôm sú là đối tượng nuôi được nông dân lựa chọn nhiều nhất đã trở thành nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế trong vùng; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn và làm thay đổi nhiều bộ mặt làng quê. Ðến nay, diện tích nuôi tôm của khu vực này chiếm 70% tổng diện tích và 80% sản lượng NTTS của vùng. Chỉ tính trong 5 năm (2005-2010), vùng ÐBSCL phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ từ 568.130 ha tăng lên 639.115 ha. Các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn như: Cà Mau đạt 265 nghìn ha; Bạc Liêu 125.623 ha; các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang có diện tích từ 20 nghìn ha đến 80 nghìn ha. Khoảng  80% số hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến. Sóc Trăng là địa phương dẫn đầu cả nước về mô hình nuôi tôm công nghiệp với hơn 26/48 nghìn ha diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2010, con tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam cạnh tranh được với một số thị trường thế giới; kim ngạch xuất khẩu tôm của vùng vượt mức hai tỷ USD, tăng 23,47% so năm 2009.

Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng cho 45 dự án phát triển NTTS; xây dựng hệ thống thủy lợi với hàng chục kênh tạo nguồn, hàng trăm km kênh dẫn kết hợp giao thông nông thôn, cùng với hàng chục công trình điện khí hóa nông thôn phục vụ các vùng nuôi tôm trọng điểm ở các huyện Long Phú, Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, đưa diện tích nuôi tôm tăng lên 48.148 ha. Các mô hình nuôi tôm ngày càng đa dạng, trong đó diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chiếm hơn 26 nghìn ha, còn lại theo hình thức quảng canh với số lượng thả nuôi hơn sáu tỷ con giống/năm. Toàn tỉnh có khoảng 80% số hộ nuôi tôm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vụ nuôi. Năm 2005 năng suất bình quân chỉ đạt 500 đến 600 kg/ha, năm 2010 tăng lên 800 đến 900 kg/ha, sau mỗi vụ nuôi có 70 đến 80% số hộ nuôi có lãi, nhiều ngư dân  lãi ròng từ 30 đến 40 triệu đồng/ha/vụ. Nuôi theo mô hình bán công nghiệp, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn đến 3 tấn/ha/vụ, lãi từ 120 đến 150 triệu đồng/ha/vụ; nuôi mô hình công nghiệp đạt năng suất rất cao, bình quân từ 8 tấn đến 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ nuôi đạt 12 tấn/ha/vụ, nhiều hộ lãi cả tỷ đồng. Năm 2010, tỉnh Sóc Trăng đạt sản lượng gần 55 nghìn tấn tôm.

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất cả nước, chiếm 40% diện tích nuôi tôm vùng ÐBSCL. Năm 2010, năng suất nuôi tôm của Cà Mau bình quân đạt 400 kg/ha/vụ, tổng sản lượng tôm nuôi đạt 103.900 tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tăng cao so năm 2009 và vượt xa chỉ tiêu kế hoạch tỉnh đề ra, đạt mức cao nhất từ năm 2003 đến nay. Riêng từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt hơn 54 triệu USD, tăng 13% so  cùng kỳ năm 2010. Tổng sản lượng thủy sản chế biến đạt 9.569 tấn. Năm 2011, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau phấn đấu đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu một tỷ USD.

Tuy nhiên, theo dự báo của các ngành chuyên môn, vụ nuôi tôm sú năm 2011 ở ÐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nguồn giống chất lượng, hạ tầng thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi, thời tiết diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất tăng...

Thiếu quy hoạch tổng thể

Ðồng bằng sông Cửu Long có lợi thế phát triển NTTS nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng sẵn có. Sự tăng nhanh về diện tích và sản lượng NTTS các tỉnh ÐBSCL trong những năm qua chủ yếu theo chiều rộng, chưa có tính ổn định và bền vững. Ðến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL đạt hơn một triệu ha, trong đó có hơn 600 nghìn ha nuôi tôm nước lợ (chủ yếu là nuôi tôm sú). Chỉ riêng diện tích nuôi tôm nước lợ đã tăng gấp hai lần so năm 2000. Việc chuyển dịch diễn ra khá nhanh đã vượt các dự tính quy hoạch, khả năng về cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật hiện có và trình độ quản lý. Công tác quy hoạch và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa gắn kết giữa các ngành kinh tế. Thực tế hiện nay, vẫn có địa phương chưa có quy hoạch tổng thể hoặc chưa có quy hoạch chi tiết ở từng vùng nuôi tôm. Nơi đã có quy hoạch thì việc thực hiện còn lúng túng. Cùng với quy hoạch diện tích nuôi ở các địa phương là quy hoạch sản xuất giống thủy sản, hệ thống dịch vụ, hậu cần cho nuôi thủy sản. Ở một số tỉnh, mặc dù diện tích nuôi tôm tăng nhanh, nhưng công tác kiểm dịch, kiểm tra giống còn nhiều bất cập, chưa chủ động sản xuất được các giống sạch bệnh, thiếu công nghệ quản lý môi trường theo hướng bền vững. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về cấp nước, thoát nước. Sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa yêu cầu thủy lợi nông nghiệp với thủy lợi thủy sản, bảo vệ rừng ngập mặn với NTTS, giữa ngành thủy sản với các ngành khác chưa chặt chẽ, dẫn đến tranh chấp mặn - ngọt phục vụ nuôi tôm, sản xuất lúa. Công nghệ nuôi nhìn chung còn lạc hậu, nuôi quảng canh truyền thống vẫn là chủ yếu, năng suất đạt thấp, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm

Ðể nghề nuôi tôm ở ÐBSCL phát triển bền vững, các địa phương trong khu vực đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng hoàn thiện quy hoạch phát triển thủy sản một cách đồng bộ, nhất là quy hoạch thủy lợi phục vụ cho NTTS; đầu tư các trại sản xuất con giống có quy mô lớn, bảo đảm chất lượng; mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, xem đây là mặt hàng công nghiệp để có mức đầu tư thỏa đáng; tổ chức hệ thống đại lý cung cấp thức ăn, thú y thủy sản; tăng cường công tác khuyến ngư nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi; chủ động tìm các giải pháp vượt qua khó khăn, nhất là các rào cản thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm.  Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, năm 2011 vùng ÐBSCL đề ra kế hoạch nuôi 640 nghìn ha tôm, chủ yếu là tôm sú. Ðể nghề nuôi tôm tiếp tục giành thắng lợi, việc quy hoạch vùng nuôi thủy sản phải dựa vào điều kiện sinh thái, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có; cải tạo, đầu tư các công trình thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu của nuôi thủy sản là cần thiết. Năm nay, Bộ sẽ ban hành tiêu chí cho vùng nuôi và đánh số 50% cơ sở nuôi tôm nhằm thực hiện truy xuất nguồn gốc để nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Cà Mau đang tiến hành quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở những nơi có điều kiện phù hợp để mở rộng diện tích, phấn đấu đến năm 2015 nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 10 nghìn ha. Triển khai thực hiện các dự án, mô hình sản xuất thí điểm về nuôi tôm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu cho biết, phát huy lợi thế NTTS trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm, thu nhập cho người dân, tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 đạt tổng sản lượng 97,5 nghìn tấn tôm nguyên liệu, 90 nghìn ha nuôi thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm một cách đồng bộ; mở rộng diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp trên cơ sở quy hoạch 35 nghìn ha, hình thành vùng nuôi tôm tập trung theo công nghệ cao. Ðầu tư con giống, xử lý bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Ngoài việc thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với người sản xuất tôm, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

(Theo Đỗ Nam/nhandan)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt
  • Hiệu quả nuôi tôm càng xanh trên ruộng nước nổi ở Ðồng Tháp
  • Phòng, chống dịch bệnh thủy sản: Chưa được coi trọng đúng mức
  • Giá cá tra tăng cao kỷ lục
  • 40.000 tỉ đồng phát triển thủy sản
  • Một ngư dân trúng 4 tấn cá lụ, bán được 1 tỉ đồng
  • Doanh nghiệp thủy sản chới với vì giá
  • Ngư dân lập ngư đội chống... "bão giá"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container