Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siết nhập khẩu thủy sản, doanh nghiệp khóc ròng

Hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu đang đứng trước nguy cơ phá sản  - Ảnh: Diệp Đức Minh

Quy định của Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ sở nhập khẩu thủy sản của nước ngoài vào VN phải thực hiện đăng ký và chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng VN. Từ đó, hàng chục doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thủy sản đang đứng trước bờ vực phá sản vì không còn nguyên liệu chế biến. 

Bỗng dưng... khó tính

Gần đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT về việc quy định trình tự thủ tục kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn và

sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm, tiếp theo đó là Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng hóa động vật, thủy sản nhập khẩu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu vào VN phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của VN công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định của VN. Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về VSATTP do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và chỉ được đưa vào sản xuất hoặc tiêu thụ tại VN sau khi được cơ quan kiểm tra của VN thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu hoặc nơi tập kết và cấp giấy chứng nhận hoặc thông báo đạt yêu cầu VSATTP. Trong trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ xuất khẩu vào VN đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có kết quả kiểm tra giám sát điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở sản xuất kinh doanh không đáp ứng đầy đủ các quy định; đình chỉ nhập khẩu sản phẩm của nước xuất khẩu trong trường hợp kết quả kiểm tra giám sát cho thấy hệ thống kiểm soát VSATTP của nước xuất khẩu không tuân thủ các quy định của VN.

Quy định nói trên có thể được hiểu là nhằm hạn chế sản phẩm động vật phế thải tràn về VN như thời gian trước, ngoài ra còn góp phần làm giảm nhập siêu. Thế nhưng nếu chỉ áp dụng riêng cho sản phẩm động vật, hoặc thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ nội địa thì còn có lý, đằng này thông tư 06 và 25 đã máy móc áp dụng luôn cho các mặt hàng thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để chế biến, tái xuất, từ đó vô tình đã làm ảnh hưởng đến hàng chục DN cùng với hàng trăm ngàn công nhân. Thời hạn áp dụng quy định này từ ngày 1.7, sau đó được gia hạn đến ngày 1.9, nhưng đáp lại chỉ là sự bức xúc tột cùng của DN nhập khẩu thủy sản và sự tham gia miễn cưỡng của các nước khác.

Gần 3.000 công nhân của chúng tôi sắp phải thất nghiệp. Chúng tôi không thể giải thích được với công ty mẹ, với đối tác của chúng tôi điều gì đang xảy ra ở VN. 

Ông Nguyễn Phạm Thanh, Tổng giám đốc Công ty Highland Dragon Enterprise

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đến nay chỉ gửi công hàm đến được 30 quốc gia và vùng lãnh thổ để yêu cầu việc đăng ký. Còn trên 40 thị trường khác Nafiqad không gửi được vì họ không có đại sứ quán tại VN, trong đó lại có những nơi cung cấp thủy sản lớn cho VN như đảo Vanuatu, Fiji, Solomon...

Trong số gần 80 thị trường nhập khẩu thủy sản vào VN, đến nay chỉ có 10 nước thực hiện việc đăng ký này.

Mất nguồn nguyên liệu, mất khách hàng

Thông tư 25 cho thời hạn áp dụng quá gấp, trong khi các thị trường nhập khẩu vẫn chưa nhận được thông tin gì từ cơ quan chức năng VN. Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty hải sản Hải Vương (Khánh Hòa), bức xúc: “Chúng tôi mỗi năm thu về kim ngạch trên 110 triệu USD nhờ nhập khẩu cá ngừ đại dương, sau đó chế biến tái xuất. Ai cũng biết nguồn hải sản ở VN đang cạn kiệt vì khai thác quá mức, trong khi do khả năng hạn chế, tàu cá VN rất khó đánh bắt được cá ngừ đại dương. Việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến đã giúp chúng tôi có được thêm thu nhập, giải quyết công việc ổn định cho công nhân. Nhưng với Thông tư 25, nhiều nước cung cấp nguyên liệu đã phản đối, một số nước thì thẳng thừng từ chối đăng ký, có nước cũng đồng ý đăng ký nhưng họ nói không biết đăng ký cái gì. Vì vậy chúng tôi đang mất đi nguồn nguyên liệu, mất khách hàng, hơn 2.000 công nhân nhà máy sẽ phải nghỉ việc”.

Ông Nguyễn Phạm Thanh, Tổng giám đốc Công ty Highland Dragon Enterprise, đại diện cho 4 nhà đầu tư nước ngoài khác tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương), nói gần như khóc: “Tôi và nhiều DN khác đầu tư vào VN chế biến cá ngừ đóng hộp, mỗi năm nhập khẩu khoảng 4.000-5.000 tấn cá từ nước ngoài để chế biến. Chỉ riêng lĩnh vực này mỗi năm các DN đã mang về gần 500 triệu USD. Nhưng Thông tư 25 ra đời gần như làm ách tắc tất cả. Nguyên liệu dự trữ của chúng tôi chỉ đến giữa tháng 9 là hết, nhưng hiện nay chúng tôi không thể ký thêm hợp đồng mới. Gần 3.000 công nhân của chúng tôi sắp phải thất nghiệp. Chúng tôi không thể giải thích được với công ty mẹ, với đối tác của chúng tôi điều gì đang xảy ra ở VN. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao Bộ NN-PTNT lại có thể quy định như vậy?”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết: “Từ tháng 5.2010, VASEP đã liên tiếp có công văn kiến nghị Bộ NN-PTNT và có cả những buổi làm việc trực tiếp với Cục Thú y, Nafiqad... về những điều vô lý của Thông tư 25, nhưng cho đến nay, khi các DN đã bắt đầu nhìn thấy cảnh phá sản, những quy định này vẫn không được dỡ bỏ. Theo tôi, không cần thiết phải siết chặt các quy định nhập khẩu đối với hàng thủy sản nhập khẩu, bởi thực tế 90% nguồn hàng này được tạm nhập, chế biến và tái xuất, còn tiêu thụ nội địa rất ít”.

Tiếp xúc với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, bức xúc: “Ở thị trường tiêu thụ phát triển nhất thế giới như EU, khi yêu cầu các nước xuất khẩu thực hiện việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc, họ vẫn phải thông báo trước hơn 1 năm, sau đó gỡ bỏ dần dần các rào cản khi áp dụng thực tế. Còn ở VN chúng ta kém phát triển hơn, lại có những đòi hỏi hết sức vô lý. Một quyết định chỉ vừa ban hành vài tháng đã vội vàng áp đặt ngay, mặc kệ các DN và đối tác. Đó là một điều không thể chấp nhận được”.

(Theo Quang Thuần // Thanhnien Online)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container