Ông Nguyễn Hữu Dũng |
Vì sao VASEP lại tỏ ra bất ngờ trước việc DOC đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 6 với thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, thưa ông?
DOC đã áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam khi dựa trên những cơ sở rất vô lý. Chúng tôi bất ngờ vì DOC đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam từ Bangladesh thành Philippines. Khi rà soát hành chính lần thứ 6, DOC chỉ dựa trên số liệu được thu thập từ 36 bảng trả lời với tổng sản lượng chỉ vỏn vẹn 12 tấn cá nuôi ở Philippines để tính toán giá cá tra nguyên liệu. Sử dụng kết quả này để tính toán biên độ chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam là bất hợp lý, vì Việt Nam có ngành sản xuất công nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, với khối lượng trên 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Ông vừa nhắc tới cụm từ “ngành công nghiệp sản xuất chế biến cá tra của Việt Nam
Đúng thế! Chúng ta có ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới, nên có công nghệ thâm canh tốt và giá thành rẻ. Nếu cách đây 5-6 năm, các nhà máy chế biến xuất khẩu phải mua tới trên 70% nguyên liệu từ các hộ gia đình nuôi độc lập, thì nay, tỷ lệ này đã đổi thành trên 70% nhà máy sản xuất khép kín từ nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến. Đây chính là yếu tố đảm bảo chất lượng, năng suất cao và giá thành rẻ cho sản phẩm của Việt Nam hơn các quốc gia khác.
Khi có kết quả sơ bộ của DOC, VASEP đã có những phản ứng nào để đấu tranh với những quyết định bất hợp lý của phía Hoa Kỳ?
VASEP đã gửi thư cho DOC phản đối quyết định của cơ quan này, vì mức thuế áp đặt rất cao (hơn 100%) và vượt xa các kết quả trước đó trong vụ kiện chống bán phá giá đã kéo dài trong 8 năm nay và thực chất là mang tính trừng phạt với các tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Quyết định sơ bộ này đã vi phạm các nguyên tắc khung về luật pháp và chính sách của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Đằng sau quyết định này là những động cơ chính trị không minh bạch, nhằm phục vụ những vận động của Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Hoa Kỳ (CFA).
Ngày 16/9 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mời Đại sứ Hoa Kỳ tới thảo luận và trao thư của VASEP cho Đại sứ. Đại sứ Hoa Kỳ đã nhận thư và sẽ chuyển về Hoa Kỳ. Ngày 17/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng có buổi làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ về vấn đề này. Trước đó, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã trao đổi với đại diện của DOC về vấn đề trên.
Cũng trong ngày 16/9, hai doanh nghiệp của VASEP là Công ty Vĩnh Hoàn và Hùng Vương đã tới Hoa Kỳ, gặp Đại sứ Việt Nam, tham tán thương mại tại Hoa Kỳ, cũng như các luật sư của phía Mỹ. Những động thái tích cực của VASEP, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp Việt Nam có thể giúp DOC xem xét kỹ lưỡng vấn đề trước khi đưa ra quyết định cuối cùng hợp lý.
Trong trường hợp DOC vẫn giữ nguyên kết luận, thì ngành sản xuất cá tra của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Theo quy định của Hoa Kỳ, thì ngày 5/10 là hạn cuối nộp các số liệu, tư liệu về doanh nghiệp; ngày 20/10 là hạn cuối các bên nộp bản bình luận, ý kiến. Và kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 3/2011. Hiện cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Khi mức thuế cao được áp dụng, đặc biệt là một chính sách bất công, đi ngược lại tinh thần các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thì các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại rất lớn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các doanh nghiệp đấu tranh với kết luận vô lý này của DOC, tạo sự thấu hiểu của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thế giới về sự bất công trong chính sách thương mại đang được áp dụng với sản phẩm này của Việt Nam.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com