Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng khi những khó khăn nói trên được giải quyết phần nào, thì các doanh nghiệp thủy sản đã gặp một cú “sốc” lớn, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 6 và mức thuế chống bán phá giá đối với một số doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên trên 100%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức áp đặt vô lý này là chủ ý của Hoa Kỳ, khi Bộ Thương mại nước này lựa chọn Philippines là nước làm cơ sở tính toán biên độ phá giá và chỉ dựa trên 36 mẫu trả lời với sản lượng cá tra là 12 tấn và Philippines không có hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất mặt hàng này, với sản lượng hơn 1,2 triệu tấn.
Theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ, đến tháng 3/2011, Bộ Thương mại nước này sẽ phải có quyết định cuối cùng về mức thuế đối với mặt hàng thủy sản quan trọng này của Việt Nam.
Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên mức thuế mới thì sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ, trực tiếp ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, bởi Hoa Kỳ chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam
Với thị trường Liên minh châu Âu (EU), giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thủy sản cũng đang làm khó các doanh nghiệp trong nước, khi một số thông tin được yêu cầu ghi bổ sung. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP nhận định, từ quy định này của EU, mối quan hệ “nhạy cảm” giữa cơ quan thú y và doanh nghiệp phát sinh thêm thủ tục hành chính và vô hình trung tạo cơ chế xin - cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. “Nếu không tháo gỡ khó khăn này, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó khăn hơn”, ông Nam khẳng định.
Một vấn đề nữa đang gây ra lo ngại cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam là nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo quy định mới hiện nay, các nước phải gửi danh sách đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam. Đại diện VASEP cho biết, hiện tại, số lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu này chưa nhiều, nên sẽ tác động tới việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của một loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến đầu tháng 9/2010, mới có 10 nước đăng ký với cơ quan quản lý của Việt Nam, trong đó chỉ có 4 nước được công nhận.
“Các quốc gia đã gửi đăng ký, chấp nhận yêu cầu của Việt Nam là những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam khá lớn, như Canada, Australia, Đan Mạch, Nhật Bản. Những nước này từng phản ứng mạnh nhất với quy định của Việt Nam, thì nay lại nhanh chóng thừa nhận rằng, các tiêu chí mà Việt Nam đưa ra là phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Hào nói.
Tuy nhiên, một số nước đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam trong xuất khẩu mặt hàng này lại không mặn mà với việc đăng ký danh sách doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu vào Việt Nam
Cũng theo lãnh đạo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, một bộ phim giới thiệu về cá tra Việt Nam sẽ được gửi cho các thương vụ Việt Nam tại các nước để giải thích cho các nhà nhập khẩu biết sự thật về cá tra Việt Nam, nhằm tránh những lời đồn ác ý, gây thiệt hại cho xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những động thái của một số thị trường xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn mới. Các yếu tố phát triển bền vững ngành sản xuất xuất khẩu thủy sản lại một lần nữa được đặt ra cho các doanh nghiệp.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com