Ngành thủy sản cần tạo được chuỗi liên kết giữa nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh |
Thứ nhất là Luật chống khai thác thủy bất hợp pháp của Liên minh châu Âu (IUU). Tuy nhiên, theo ông Hoè, vấn đề này cũng không quá lo, vì với sự chuẩn bị từ trước cũng như những hoạt động đã làm trong thời gian qua trong năm 2010, VASEP cơ bản có thể đáp ứng quy định IUU của EU. “Mặc dù có một số thách thức nhỏ về thủ tục, nhưng đây không phải là một trở lực quá lớn đối với các DN xuất khẩu thủy sản vào EU”, ông Hoè nói.
Thứ hai, về dài hạn, ngành thủy sản cần tập trung xuất khẩu ổn định trở lại mặt hàng cá tra, vì đây đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào EU. Trong năm qua, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tới 26% tổng giá trị xuất khẩu), trong khi thị trường Nhật Bản, Mỹ chỉ chiếm khoảng 18%.
“Năm 2010, đối với cá tra xuất khẩu vào EU, vấn đề đặt lên hàng đầu vẫn là chất lượng (khâu đóng gói... ), nhằm ổn định giá cả”, ông Hòe nói và cho rằng, chỉ có ổn định giá cả thì mới có thể ổn định thị trường xuất khẩu. Ông Hòe dự báo, trong năm 2010, xuất khẩu thủy sản vào EU vẫn phát triển, cho dù mức độ phục hồi kinh tế của các nước EU tương đối chậm.
“Chúng tôi đánh giá thị trường EU rất tiềm năng, vì hiện nay, chúng ta mới chỉ phát triển được mặt hàng cá tra vào EU, còn mặt hàng tôm mới bắt đầu. Dự kiến, trong năm nay, các DN thủy sản sẽ tập trung phát triển mặt hàng này”, ông Hòe cho biết thêm.
Năm 2010, ngành thủy sản đề ra mục tiêu xuất khẩu tăng 10% so với năm 2009 (tức là kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương, để đạt được mục tiêu này, ngành thủy sản cần tiếp tục đầu tư mạnh cho khâu sản xuất nguyên liệu. Điều này đòi hỏi phải có những chương trình, dự án cụ thể.
“Nếu không đủ nguồn nguyên liệu thì phải nhập khẩu, nhưng nhập khẩu cũng phải có tổ chức và kiểm soát chặt chất lượng, giá cả đầu vào”, Thứ trưởng Lương Lê Phương nói và nhấn mạnh, ngành thủy sản cần tạo được chuỗi liên kết giữa nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.
Ở góc độ DN, ông Huỳnh Văn Thiệu, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Minh Hải (chuyên xuất khẩu các mặt hàng tôm), cho biết, Công ty cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, song khó khăn nhất hiện nay là nguyên liệu đầu vào đang thiếu trầm trọng (chỉ đáp ứng được 30%).
“Năm nay, chúng tôi sẽ mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường mới như các nước Trung Đông... và tiếp tục đẩy mạnh phát triển tại 3 thị trường truyền thống là EU, Mỹ, Nhật Bản. Các nước nhập khẩu đều có những quy định ngày một chặt chẽ hơn về chất lượng. Vì vậy, để đảm bảo đáp ứng mọi điều kiện của khách hàng, Công ty sẽ tập trung kiểm soát chặt ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào”, ông Thiệu nói.
Còn theo các chuyên gia, thách thức lớn đối với DN xuất khẩu mặt hàng tôm trong năm 2010 là giá thành nuôi, vì thị trường xuất khẩu mặt hàng này hiện đã có, nhưng DN vẫn phải cạnh tranh với một số nước xuất khẩu khác như Thái Lan...
Do đó, ngoài vấn đề chất lượng, giá cả cạnh tranh cũng cần được quan tâm đặc biệt. “Nếu so với mức suy giảm xuất khẩu thủy sản trong năm 2009 là 7% thì việc tăng trưởng 10% đặt ra trong năm 2010 - tức sẽ tăng trưởng khoảng 17% là mức tương đối cao. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía DN”, ông Hòe nhấn mạnh.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com