Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. |
Năm 2009, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng trong số 20 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) và Hà Nội (HNX), một số doanh nghiệp đã hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của số doanh nghiệp này lại từ các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành và hưởng khoản chênh lệch nhờ sự điều chỉnh tỷ giá cũng như chính sách hỗ trợ lãi suất 4%.
2009 - khó khăn và thách thức Theo phó tổng giám đốc một doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu niêm yết trên sàn HOSE, mặc dù trước đó doanh nghiệp đã lường trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu thủy sản trong năm 2009 nhưng không ngờ tình hình lại khó khăn hơn những gì đã được dự báo. Ông cho biết: dựa trên những dự báo, thông tin có được từ đối tác và nhu cầu thị trường, công ty đã đề ra chỉ tiêu cho năm 2009 tương đương với năm 2008 chứ không dám nghĩ tới kết quả khả quan hơn. Năm 2009, công ty xuất khẩu khoảng 11.000 tấn cá tra, đạt kim ngạch khoảng 24,5 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận sau thuế hơn 26 tỉ đồng. Đầu năm 2009, do tâm lý bi quan của nhiều người nuôi cá, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ khiến vốn đầu tư hạn hẹp, nuôi không có lời, nhiều hộ nuôi đã bỏ ao… khiến giá cá tra nguyên liệu cao, khoảng 15.500 đồng/ki lô gam, tăng 3,3%, trong khi giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 2,16 đô la Mỹ, giảm 5-7% so với năm 2008. Đó là chưa kể hai quí đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu của công ty đã giảm hơn 30%. Thị trường Nga, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của công ty, lại ngưng nhập khẩu, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, tính đến hết quí 2, tổng doanh thu của công ty giảm hơn 30% và lợi nhuận cũng giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy trong quí 3 và những tháng cuối năm tình hình có khả quan hơn do nhu cầu của thị trường tăng đáng kể, cộng với chính sách hỗ trợ lãi suất, sự điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã giúp công ty phần nào giảm bớt khó khăn. Nhưng với những khó khăn hồi đầu năm cộng lại, tổng sản lượng xuất khẩu cả năm 2009 của công ty giảm 13,6%, giá trị giảm 18,6% so với năm 2008, khiến lợi nhuận sau thuế trong năm 2009 chỉ đạt khoảng 85% kế hoạch, vị lãnh đạo trên cho biết. Khó khăn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đã được phản ánh phần nào thông qua kết quả kinh doanh chung của ngành thủy sản xuất khẩu trong năm 2009. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2009 ước đạt 4,2 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 0,7% so với năm 2008, tương đương 300 triệu đô la Mỹ. Tuy không đạt như dự kiến ban đầu là 4,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng ông Hòe cho rằng đây là nỗ lực lớn của ngành thủy sản trong tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới. Bên cạnh những doanh nghiệp không đạt kế hoạch đề ra, nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết vẫn làm ăn có lãi. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại đến từ các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành và hưởng khoản chênh lệch nhờ sự điều chỉnh tỷ giá cũng như chính sách hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ.Theo thống kê của VASEP, tính đến cuối tháng 11-2009, ba doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất là Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (MPC), Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) và Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC). Chỉ riêng ba doanh nghiệp trên đã đóng góp sản lượng xuất khẩu hơn phải hơn 110.000 tấn, tương đương 350 triệu đô la Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 20 doanh nghiệp ngành thủy sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán gần 758 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 20% tỷ trọng và hơn 18% kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam.
Đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) cho biết đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 350 tỉ đồng trong năm 2009. Theo tính toán sơ bộ, với kết quả xuất khẩu trong tháng cuối năm và phần thu hồi nợ từ khách hàng nước ngoài, chênh lệch tỷ giá dự kiến mang lại cho HVG khoảng 150 tỉ đồng lợi nhuận đột biến.
Trong lần tiếp xúc với nhà đầu tư mới đây, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Hùng Vương, cho biết trên cơ sở quỹ đất hiện có, dự kiến đầu năm 2010 công ty sẽ triển khai các dự án bất động sản. Đây sẽ là mảng hoạt động mang lại lợi nhuận cho HVG trong những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 4 (TS4), cho biết tổng doanh thu năm 2009 của TS4 đạt khoảng 280 tỉ đồng, lợi nhuận ước đạt 31 tỉ đồng. So với năm 2008, doanh số của TS4 tăng khoảng 1,5 lần, lợi nhuận tăng 2,6 lần, trong đó tỷ lệ lợi nhuận xuất khẩu thủy sản chiếm 30% trong tổng lợi nhuận. Dự kiến trong năm 2010, tỷ lệ lợi nhuận trong xuất khẩu thủy sản của TS4 sẽ tăng 50-60% so với năm 2009, vì công ty vừa khánh thành nhà máy chế biến cá tra. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), cho rằng với những diễn biến đầy khó khăn hồi cuối năm 2008 đầu năm 2009, ít doanh nghiệp nào dám đề ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2009. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo trong việc phát triển thị trường, thị phần nên tổng sản lượng xuất khẩu của VHC trong năm 2009 ước tính đạt 44.000 tấn, tương đương 115 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 14% so với năm 2008. Còn đối với Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (MPC), ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc thường trực MPC, cho biết trong năm 2009 MPC gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sút, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Năm 2008, giá tôm thẻ nguyên liệu khoảng 100 con/ki lô gam dao động từ 40.000-45.000 đồng/ki lô gam, thì nay tăng lên 60.000 đồng/ki lô gam, làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của công ty. Tuy vậy, nhìn chung năm 2009 công ty có thể đạt lợi nhuận 256 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 160 triệu đô la Mỹ, vượt 27% so với kế hoạch. 2010 - lạc quan hơn Phần lớn doanh nghiệp đều nhận định triển vọng xuất khẩu thủy sản trong năm 2010 sẽ lạc quan hơn năm 2009. Doanh nghiệp cho rằng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã chạm đáy, vì vậy nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Điều đó mở ra triển vọng cho các doanh nghiệp trong ngành thủy sản của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản xuất khẩu nói riêng. Ông An cho biết cuối quí 4-2009, đơn hàng của MPC tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2008. Trong năm qua, công ty đã tuyển thêm gần 2.000 công nhân để phục vụ sản xuất, chứ không như năm 2008 công ty đã phải lên kế hoạch dự kiến cắt giảm gần 1.000 lao động. Tuy nhiên, ông An cũng cho biết hiện doanh nghiệp đang băn khoăn chưa dám ký hợp đồng mới do chưa biết xu hướng giá nguyên liệu trong năm 2010 sẽ diễn biến như thế nào, người dân có tiếp tục nuôi cá, tôm nữa hay không… Mặt khác, trong năm 2009 doanh nghiệp được hỗ trợ 4% lãi suất ưu đãi nhưng năm sau chỉ còn 2%, đây cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp. Theo bà Khanh, VHC đặt chỉ tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2010. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào chính sách thuế đối với mặt hàng nguyên liệu thức ăn gia súc năm 2010 có áp dụng hay không, nếu có sẽ ảnh hưởng cho người sản xuất và doanh nghiệp vì chi phí đầu vào sẽ tăng cao, doanh nghiệp khó đạt được kế hoạch như dự kiến. Qua tình hình thực tế của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của thị trường ông Lực ở TS4 dự báo ngành thủy sản Việt Nam sẽ phục hồi và khởi sắc trở lại trong năm 2010. Những thị trường chủ lực như châu Âu, Mỹ, Nhật sẽ được giữ vững và sẽ mở rộng thêm thị trường châu Phi và các nước Ảrập. Trên cơ sở đó, kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2010 của TS4 là kim ngạch xuất khẩu khoảng 15 triệu đô la Mỹ. Ông Hòe cho biết VASEP dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam năm 2010 đạt 5 tỉ đô la Mỹ và nằm trong top 4 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, cá tra 1,5 tỉ đô la, còn lại là những sản phẩm thủy sản khác.
(Theo Nguyễn Quân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com