Xuất khẩu thủy sản đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua, nhưng cũng là khu vực phải đương đầu với nhiều cuộc chiến thương mại nhất. Vì vậy, mục tiêu 2010 của thủy sản Việt Nam là chinh phục thị trường bằng chất lượng sản phẩm.
Thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu chinh phục thị trường banừg chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa |
Vượt “rào cản” ở các thị trường lớn
Khi xuất khẩu (XK) vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, hàng thủy sản bắt buộc phải bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ khâu nuôi trồng, chế biến đến vận chuyển và có đầy đủ các trang thiết bị kiểm dịch theo yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, nếu không xử lý tận gốc vấn đề quy hoạch vùng sản xuất, quy trình thu hoạch, chế biến thì các doanh nghiệp (DN) sẽ tự loại mình ra khỏi thị trường thủy sản thế giới. Ý thức sâu sắc vấn đề này, những năm qua ngành Thủy sản cùng với bà con nông dân đã có rất nhiều cố gắng trong các khâu quy hoạch, nuôi trồng và chế biến thủy sản đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ XK.
Cuối năm 2009, Bộ Y tế và Tiêu dùng Tây Ban Nha đã công nhận cá tra, cá ba sa XK của Việt Nam đáp ứng các quy định về ATVSTP Liên minh châu Âu. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Cục Y dược và Thực phẩm Nhật Bản đánh giá cao việc quản lý và kiểm soát về ATVS thủy sản của Việt Nam. Kể từ khi thực hiện Quyết định 06/2007/QĐ - BTS ngày 11/7/2007 về áp dụng những biện pháp cấp bách kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản XK vào Nhật Bản, tỷ lệ lô hàng của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng kháng sinh cấm tại thị trường này đã giảm đáng kể, từ 4,6% xuống còn 0,39% vào năm 2009. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, trên 86% hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế, trong đó các mặt hàng tôm đã được giảm thuế XK xuống 1-2%... Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN thủy sản Việt Nam khi XK vào thị trường này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2009, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 760 triệu USD, với sự tham gia của 39 DN.
Nhiều thách thức trong năm 2010
Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất cho XK thủy sản năm 2010, chủ yếu vẫn là xu hướng bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn về dư lượng kháng sinh và ATVSTP của các nước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang trong quá trình triển khai Dự luật Nông nghiệp 2008 (Farmbill), trong đó có điều khoản nhằm hạn chế việc nhập khẩu cá tra của Việt Nam dựa trên việc mở rộng định nghĩa “catfish” (cá da trơn) và đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách này để chuyển cho USDA quản lý, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới XK thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, XK thủy sản Việt Nam vào thị trường EU trở nên khó khăn hơn khi quy định chống đánh bắt thủy sản trái phép (IUU) bắt đầu được thực hiện từ 1/12010.
Đối với thị trường Australia, mới đây Cục Thanh tra và Kiểm dịch nước này (AQIS) cũng vừa ra quyết định tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng malachite green trong thủy sản nuôi nhập khẩu. Theo đó, tất cả thủy sản nuôi sẽ được lấy mẫu, kiểm tra malachite green và leucomalachite green với tỉ lệ kiểm tra là 5%...
Ngoài ra, năm 2010, các DN chế biến và XK thủy sản Việt Nam còn phải đứng trước khó khăn về thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng vẫn chưa về mức 0%. Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động được khoảng 40% công suất do thiếu nguyên liệu chế biến. Số nhà máy chế biến hải sản không ngừng tăng lên trong khi năng lực nuôi trồng, khai thác trong nước có hạn khiến cạnh tranh trở nên gay gắt.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2010, XK thủy sản đạt kim ngạch 628 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2009. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP dự báo, năm 2010 ngành Thủy sản Việt Nam có khả năng XK hơn 500.000 tấn cá tra và hơn 200.000 tấn tôm. Ngoài ra, các DN thủy sản trong nước có thể mở rộng thị trường sang các nước Đông Âu, Bắc Phi, Ấn Độ. Năm 2010, ngành Thủy sản phấn đấu XK đạt 4,5 tỷ USD |
Phải chinh phục thị trường bằng chất lượng
Năm 2010, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đạt tổng sản phẩm 4,8 triệu tấn thủy sản, trong đó khai thác hải sản đạt 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 2,6 triệu tấn, giá trị sản xuất thủy sản tăng 7%, giá trị kim ngạch XK tăng 11% so với năm 2009…
Để không đánh mất thị trường, vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu, chính là yếu tố chất lượng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT kiên quyết dừng việc cấp chứng thư cho những DN cố tình không tuân thủ các quy định về ATVSTP; đồng thời áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả đình chỉ XK, đối với các DN vi phạm nghiêm trọng…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương khẳng định: “Thuỷ sản XK của Việt Nam sẽ khó bứt phá nếu không nâng cao chất lượng”. Để đáp ứng các quy định quốc tế, cần có các chính sách đồng bộ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng sản xuất manh mún, công nghệ chế biến thô sơ, mối quan hệ phức tạp giữa sản xuất, thu mua, năng lực chế biến, khả năng cung ứng nguyên liệu, ý thức của DN và người sản xuất.
Trước yêu cầu bức thiết đó, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ NN&PTNT đặt ra trong năm 2010 là tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thủy sản XK, trong đó trọng tâm là thực hiện Chương trình ATVSTP phục vụ tiêu dùng và XK.
Về phía DN, trước những thách thức đang đặt ra, các DN, nhất là DN lớn như Bình An, Vĩnh Hoàn, Sao Mai An Giang, Minh Phú… đều đã chuẩn bị chu đáo, chú ý đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại, xây dựng thương hiệu, tăng cường sử dụng internet trong tiếp thị, tập trung sản xuất những mặt hàng chất lượng cao… nhằm đáp ứng mọi quy định ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com