Vụ trưởng Vụ thị trường Châu âu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình xuất khẩu thuỷ sản sang Nga trong 3 năm gần đây đã tăng trưởng rất tốt, trong đó một số sản phẩm của Việt Nam sẽ có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường Nga nếu các DNXK trong nước coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hơn nữa.
Trong năm 2008, xuất khẩu thuỷ sản vào Nga đạt 216,39 triệu USD, đứng thứ 4 trong các thị trường xuất khẩu chỉ sau Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Nếu xét riêng về sản phẩm cá basa, cá tra thì thị trường Nga chiếm đến 14,4% kim ngạch xuất khẩu (chỉ sau EU). Song, cùng với sự tăng trưởng mạnh của cán cân xuất khẩu thuỷ sản sang Nga, một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu mặt hàng này có tâm lý, đây là một thị trường dễ tính nên đã lơ là khâu đảm bảo chất lượng VSATTP , kiểm dịch… dẫn đến những lô hàng không đạt yêu cầu cũng được xuất đi. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến cho thị trường Nga tạm thời đóng cửa đối với mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2008.
Điều này đã khiến không ít DNXK thuỷ sản điêu đứng, đồng thời kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm đáng kể.
Để xử lý vấn đề này, cơ quan chức năng của hai bên đã có những động thái tích cực nhằm tháo gỡ kó khăn còn tồn tại. Cụ thể, Cục Quản lý chất lượng Vệ sinh An toàn và Thú y Thuỷ sản (NAFIQAD) và Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã thống nhất tạm thời giảm số lượng DNXK mặt hàng thuỷ sản sang Nga xuống mức thích hợp. Đồng thời, các DNXK Việt Nam cũng chủ động chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất và đáp ứng tối đa các yêu cầu của nhà nhập khẩu về tiêu chí VSATTP. Với sự nỗ lực này, sau thời gian bị gián đoạn, thị trườngNga đã được khai thông trở lại (tháng 5/2009). Tuy nhiên, theo danh sách của Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) mới chỉ có 39 doanh nghiệp xuất khẩu đạt yêu cầu xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga trong tổng số vài trăm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. Những doanh nghiệp này, khi xuất khẩu hàng hoá sang Nga sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định do VPSS đề ra. Điều này cho thấy, mặc dù cánh cửa vào thị trường Nga đã mở nhưng vẫn còn khá hẹp và không phải dễ đặt chân vào như trước nếu các DNXK không tự nâng cao năng lực để vượt qua những rào cản kỹ thuật mà nước bạn đề ra. Thực tế cho thấy, xuất khẩu thuỷ sản vàoNga sau khi thị trường này mở cửa trở lại tính đến giữa tháng 7/2009 mới chỉ đạt 24 triệu USD, bằng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ NN & PTNT, khó khăn trước mắt đối với các DNXK thuỷ sản vào Nga không chỉ là các hàng rào kỹ thuật mà thị trường này đặt ra mà chính là ở ý thức thực hiện các tiêu chí của các DNXK thuỷ sản trong nước. Bởi lâu nay khi đưa hàng hoá vào thị trường này, nhiều DNXK đã quen với tâm lý của một thị trường dễ tính nên không tự đặt ra yêu cầu khắt khe, chuẩn mực với chính mặt hàng của doanh nghiệp mình. Nên khi hành lang khép lại, các DN sẽ khó đi lọt. NAFIQAD vừa cho biết, một số lô hàng thuỷ sản của DN trong nước xuất khẩu sang Nga vẫn tiếp tục bị cảnh báo về vấn đề chất lượng, VSATTP. Mặc dù vậy, thị trường Nga vẫn luôn được đánh giá là nhiều tiềm năng, hứa hẹn có nhiều bước tăng trưởng cao trong thời gian tới. Các DNXK trong ngành thuỷ sản còn nhiều cơ hội để xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm từ cá tra, basa. Tuy nhiên để làm được điều này bản thân các doanh nghiệp phải tự nỗ lực trước tiên.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com