Thu hoạch tôm sú ở xã Mỹ Long Nam. |
Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) là xã nuôi tôm sú đạt hiệu quả cao nhất tỉnh. Với vùng đất nhiễm phèn nặng chỉ sản xuất được 1 vụ lúa năng suất bấp bênh, người dân dù siêng năng nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Chỉ sau 5 năm chuyển đổi sang nuôi tôm sú, nơi đây đã được mệnh danh là xã… triệu phú.
Ông Nguyễn Văn Bền - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, cho biết: Để hình thành được vùng nuôi tôm như hiện nay, ngay từ những ngày đầu, chính quyền, địa phương đề xuất huyện và tỉnh đầu tư các công trình thủy lợi, nâng cấp bờ, kênh và đường giao thông, điện lưới… tạo nên một vùng nuôi tôm tập trung khép kín, chủ động cấp-thoát nước trong sản xuất.
Huyện chọn mô hình nuôi tôm công nghiệp “ao nổi” và khuyến khích người dân liên kết phát triển mô hình này. Cứ thế, mô hình hợp tác (liên kết, câu lạc bộ) nuôi tôm đua nhau hình thành theo phương châm “Người nghèo góp đất đai; người khá góp vốn; nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng”.
Toàn bộ quy trình nuôi, từ khâu chọn con giống đến chăm sóc và thu hoạch, có hẳn cán bộ chuyên môn theo dõi chặt chẽ, các câu lạc bộ, hộ nuôi trang trại mạnh dạn thuê kỹ sư trực tiếp tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn người nuôi. Năm 2010 toàn xã có trên 80% hộ nuôi tôm có lãi từ 10 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng; ngoài ra còn có 17 hộ nuôi thu lãi từ 1 tỷ đồng đến trên 3 tỷ đồng.
Toàn xã có trên 250 hộ gửi trên 40 tỷ đồng vào các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện Cầu Ngang. Anh Trần Hoàng Sơn, ấp 5 Mỹ Long Nam, sau 2 vụ trúng tôm đã gửi ngân hàng gần 1 tỷ đồng, hằng tháng thu lãi gần 9 triệu đồng; anh Lê Văn Ngoan, ở ấp Nhì, ngay năm đầu tiên gia đình trúng vụ tôm cũng đã gửi ngân hàng hơn 100 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sen, ở ấp Năm, xã Mỹ Long Nam - một trong những người trúng tiền tỷ ở vụ nuôi tôm này, cho biết: “Tôi nuôi tôm sú cách nay 10 năm, trước đây thu được vài chục triệu đồng là mừng rồi, nhưng sau bao năm được học hỏi kinh nghiệm để nuôi tôm đúng bài bản theo quy trình kỹ thuật giờ đã có hiệu quả cao. Vụ này trừ chi phí 1,6 tỷ đồng, tôi được lãi 1,6 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Vuông, ở ấp Tư, không chỉ nuôi tôm thắng lợi liên tục trong 5 năm qua mà năng suất nuôi tăng đáng kể, mấy năm qua, trung bình năng suất nuôi đạt 4,5 -6 tấn/ha. Riêng năm 2010 này, anh cũng thu hoạch 22,4 tấn tôm, trừ chi phí, thu lợi nhuận 2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Kết thả 370.000 con tôm giống trên 1,6 ha, sau 4,5 - 5,5 tháng nuôi thu hoạch 14,8 tấn, thu lãi 1,1 tỷ đồng.
Ông Dương Tấn Đởm - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang nhận xét: Kết quả đạt được là nhờ nông dân Mỹ Long Nam tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, ứng dụng có hiệu quả kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp do các nhà khoa học chuyển giao. Năm 2010 toàn xã có 834 lượt hộ thả nuôi, diện tích 850 ha, sản lượng 3.720 tấn. Kết quả có trên 90% số hộ nuôi có lãi.
Từ xã nghèo nhất, nhì của huyện Cầu Ngang, nhờ nuôi tôm sú theo kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường, diện mạo nông thôn Mỹ Long Nam ngày càng đổi mới, số hộ nghèo giảm từng năm, số trẻ em được đến trường mỗi năm đều tăng; đời sống người dân vùng nông thôn ven biển ngày càng sung túc.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com