Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình xuất khẩu thủy sản đang có tín hiệu tích cực. Từ đầu năm đến giữa tháng 3-2010, các doanh nghiệp xuất được 208.000 tấn sản phẩm các loại, đạt kim ngạch 698 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và 18,6% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tăng rất đáng mừng, tuy nhiên để đạt mục tiêu 4,5 tỷ USD trong năm nay, ngành thủy sản cần vượt qua rất nhiều thách thức phía trước.
Dẫn đầu giá trị xuất khẩu thủy sản là mặt hàng cá tra, khi các doanh nghiệp ngành này xuất trên 111.700 tấn sản phẩm, thu về 236 triệu USD, chiếm 33,8% tổng giá trị. Kế đó là mặt hàng tôm, xuất được 27.500 tấn, đạt 229 triệu USD, chiếm 32,8%; cá ngừ được 67 triệu USD, hàng nhuyễn thể được 58 triệu USD…
Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), cho biết so với năm 2009, tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm 2010 cải thiện rõ rệt. Nhất là sau hội chợ quốc tế thủy sản Boston (Hoa Kỳ) diễn ra vào giữa tháng 3-2010, các nhà nhập khẩu đặt hàng tăng cao, nhiều hợp đồng mới được ký kết. Nhờ đó mà lợi nhuận 3 tháng đầu năm của Bianfishco trên 16 tỷ đồng.
Cùng lạc quan trên, lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Nam Việt (An Giang), cho biết do mở được các thị trường mới nên 3 tháng qua công ty xuất được 20 triệu USD, lợi nhuận trên 20 tỷ đồng. Với tình hình này, mục tiêu xuất khẩu năm nay khoảng 110 triệu USD, lợi nhuận 94 tỷ đồng là có thể đạt được. Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước khoảng 90 triệu USD, sở đang hối thúc doanh nghiệp tận dụng thời cơ để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, sớm hoàn thành kế hoạch 265 triệu USD trong năm nay.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở CTCP Thủy sản Bianfishco. |
Điều nghịch lý là trong lúc các doanh nghiệp phấn chấn thì hàng loạt hộ nuôi thủy sản “mặt ủ mày ê”. Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, giá tôm nguyên liệu hiện cao chót vót. Tôm loại 20 con/kg giá 180.000 - 200.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 140.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 120.000 – 130.000 đồng/kg nhưng người nuôi không còn tôm để bán.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… đang “kêu trời” vì tình trạng thua lỗ kéo dài. Vài ngày nay, giá cá tra nguyên liệu sụt xuống còn 16.200 đồng/kg, trong khi thức ăn nhảy vọt lên 8.200 - 8.500 đồng/kg. Ông Tư Chảnh, người nuôi cá ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp), thừa nhận tình hình này ai nuôi giỏi mới mong huề vốn, bằng không sẽ lỗ thắt họng (!).
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang, cho rằng sau 2 năm (2008 - 2009) thua lỗ kéo dài, đầu năm 2010 giá cá nguyên liệu nhích lên, người nuôi chưa kịp mừng thì giá thức ăn đã “tăng tốc” qua mặt, làm cho tình hình nuôi cá trở lại trạng thái cũ. Thêm khó khăn đè nặng hiện nay là hầu hết người nuôi cá ở ĐBSCL cạn vốn, nợ trong - nợ ngoài đều “vướng”, nhưng các ngân hàng “đóng cửa” không cho vay, đẩy hàng loạt hộ lâm vào thế bí.
Ông Võ Văn Năm, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), chua chát: “Vụ rồi nuôi 2 hầm cá lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện thời vốn đã hết, nợ vẫn còn, trong khi ao hầm bỏ phế vì không khả năng nuôi lại”. Theo báo cáo của hội nghề cá các tỉnh ĐBSCL, tình trạng “treo ao” ở các địa phương rất lớn, không dưới 30% - 50%. Nếu vấn đề này không sớm cải thiện thì số hộ bỏ nghề tiếp tục tăng, sản lượng cá thiếu hụt, ảnh hưởng tiến độ xuất khẩu trầm trọng.
Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến tôm chết tràn lan trên diện rộng. Tại Bạc Liêu, dù mới đầu vụ nuôi nhưng diện tích tôm thiệt hại đã vượt 9.000 ha. Ở Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh… tình hình cũng tương tự. Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau lo lắng 32 nhà máy thủy sản trong tỉnh chỉ hoạt động khoảng 40% - 50% công suất. Vấn đề thiếu nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài, do đó các doanh nghiệp dù muốn tăng tốc xuất khẩu cũng không thể được, bởi chẳng đủ tôm.
Giải quyết những khó khăn trên, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng giám đốc Bianfishco, kiến nghị các ngành chức năng cần nhanh chóng ra tay “cứu” người nuôi cá. Song hành cùng các biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi thì ngân hàng nên chủ động vào cuộc, tìm cách cho người nuôi đáo nợ hoặc vay lại để duy trì sản xuất. Đây là cách vừa “cứu” họ khỏi cảnh phá sản, vừa có điều kiện làm ăn để trả nợ ngân hàng, đồng thời phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Theo bà Diệu Hiền, mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu cũng là để góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định an sinh xã hội. Cho dù ngành thủy sản có xuất vượt 4,5 tỷ USD theo kế hoạch nhưng nếu để người dân làm ra nguyên liệu bị lỗ thì niềm vui không trọn vẹn. Do đó phải làm sao cho đời sống công nhân khá, người nuôi cá giàu thì doanh nghiệp mới mạnh. Và khi đó ngành thủy sản mới bền vững.
(Theo HUỲNH PHƯỚC LỢI/SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com