Bộ Công thương mới ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính xây dựng nhập khẩu, trên cơ sở đơn đề nghị của hai doanh nghiệp (DN) sản xuất kính nổi.
Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thái, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thuỷ tinh Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, thời gian qua, nhiều DN sản xuất kính trong nước đã buộc phải tạm dừng sản xuất do lượng kính tồn kho lớn và không thể cạnh tranh được về giá với kính nhập khẩu. Vậy các DN sản xuất kính trong nước có thể hy vọng gì ở quyết định mới của Bộ Công thương?
Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO chưa lâu, tôi cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ để duy trì sản xuất trong nước vừa hợp pháp, vừa hợp lý. Hơn nữa, đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, bất kỳ chính phủ nào cũng đều có biện pháp hỗ trợ các ngành sản xuất nội địa then chốt để nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Với quyết định điều tra này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ khởi động và tiến hành các thủ tục, biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật. Việc này không chỉ hướng đến các biện pháp tự vệ hợp lý nào đó đối với hàng hóa nhập khẩu, mà quan trọng hơn, qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm bắt được cụ thể hơn những khó khăn mà các DN sản xuất kính trong nước đang phải đối mặt, những nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, cũng như bức tranh chung về tình trạng nhập khẩu kính gia tăng mạnh hiện nay.
Đến thời điểm này, đã có bao nhiêu DN sản xuất kính trong nước phải tạm dừng toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất, thưa ông?
Đến nay, đã có 5 dây chuyền sản xuất của các DN trong Hiệp hội phải dừng lò. Lượng hàng tồn kho tại thời điểm đầu năm 2009 đã lên tới 34 triệu m2. Thông thường, sản phẩm kính chỉ cho phép lưu kho khoảng 3 tháng, nếu kéo dài hơn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, nhưng đến nay, có tình trạng hàng tồn kho tới 8 tháng.
Có thời điểm, kính tồn kho phải xếp bên ngoài nhà kho (không có mái che), hoặc DN phải thuê thêm diện tích cho việc lưu kho thành phẩm. Để giảm mức tồn kho và giảm chi phí đầu vào, với đặc thù hoạt động của lò nấu kính là không thể dừng được, có DN đã phải đập kính thành phẩm để đưa vào nấu lại với một khối lượng không nhỏ.
Ông đánh giá thể nào về tác động của việc nhập khẩu kính tràn lan đối với hoạt động của DN sản xuất kính trong nước?
Việc kính nhập khẩu tràn lan vào thị trường đã gây thiệt hại cho các DN sản xuất trong nước về mọi mặt. Đương nhiên, khi ngừng sản xuất thì hàng nghìn người lao động bị mất việc làm. Bên cạnh đó, chi phí cho việc dừng sản xuất rất lớn, vì phải tháo dỡ thủy tinh, bảo dưỡng thiết bị, trả lương cho công nhân chờ việc, chi phí khôi phục sản xuất. Theo ước tính, việc ngừng sản xuất làm DN thiệt hại bình quân 20 - 30 tỷ đồng. Những thiệt hại khác có thể kể đến như giảm sản lượng tiêu thụ và giảm lợi nhuận.
Pháp lệnh về cạnh tranh, tự vệ, chống bán phá giá đã có từ năm 2002, nhưng đây là lần đầu tiên DN sản xuất áp dụng để tự vệ. Biện pháp này liệu có giúp các DN sản xuất kính trong nước thực sự thoát khỏi khó khăn hiện tại, thưa ông?
Thật ra, các DN luôn luôn chủ động tìm cách bảo vệ sản xuất trước những khó khăn xảy ra. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, sau khi đánh giá toàn diện và đủ căn cứ, các DN sản xuất kính mới nộp đơn đề nghị.
DN là người đứng đơn yêu cầu, nhưng việc quyết định điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi tin rằng, biện pháp này, nếu được áp dụng, sẽ góp phần rất lớn giúp các DN sản xuất kính trong nước thoát khỏi khó khăn hiện tại. Việc này sẽ có tác động cộng hưởng với những nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện các điều kiện bán hàng và thanh toán...
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com