Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện thần kỳ trên đảo Okinawa: Kỳ 1: Sống ở 'đảo bách niên'

Không ở đâu trên thế giới con người lại đạt tuổi thọ cao như ở trên đảo Okinawa. Có những công thức thần bí đem lại sức khỏe và niềm vui sống cho người dân đảo. Đó là một câu chuyện thần kỳ...

Cuộc sống không phiền muộn

Cụ Matsu Taira năm nay 99 tuổi. Cụ sống một mình trong ngôi nhà gỗ nhỏ ở Ogimi, ngôi làng nhỏ nằm bên bờ biển phía tây Okinawa, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo cùng tên nằm phía nam Nhật Bản. Bên cạnh nhà cụ Taira, là nhà cụ Ushi Okushima. Năm nay cụ Okushima tròn 103 tuổi và sống cùng cô con gái 77 tuổi, ở ngay kế bên.

g
"Thuốc trường sinh của tôi ở trong vườn!" – cụ Matsu 99 tuổi.

Ngoài trời mưa bụi lất phất rơi, khói bay mang theo mùi của đất trong ngôi làng. Một khung cảnh êm đềm hiện ra. Trên chõng tre, hai người phụ nữ già nằm vô tư như... con trẻ. Bình thản tưởng như không có bất cứ ai hay bất cứ điều gì có thể làm phiền muộn các cụ.

Cụ Matsu Taira và Ushi Okushima là đôi bạn gái. Cả hai đều là con nhà nông, là vợ của những người dân chài. Cả hai đều là cụ bà, kỵ bà của nhiều cháu chắt, chút chít.

Hai cụ sinh ra vào cái thời Thiên hoàng vẫn còn là "đấng tối cao" và nông dân là những người cơ cực nhất trong xã hội. Cả hai cụ đều mất chồng trong thế chiến thứ hai. Hai người đàn ông ra đi cùng với 200 ngàn người khác, trong trận chiến tàn khốc trên đảo Okinawa thuở ấy.

Mãi đến tận năm 1972, quần đảo được trao trả cho Chính phủ Nhật. 25 năm sau chiến tranh, Matsu và Ushi mới được trở về làm công dân Nhật một cách trọn vẹn.

Bản thân hai cụ chưa một lần rời khỏi hòn đảo cận nhiệt đới quê hương. Tại sao ư? “Bởi nơi đây cuộc sống đặc biệt ưu đãi, và bởi chúng tôi thực ra cũng "không được Nhật" lắm. Chúng tôi thích những điều mới mẻ và không bao giờ ngượng ngùng" - các cụ nói.

Khi nghĩ về cội nguồn, các cụ vẫn còn cảm giác mình là hậu duệ của thần dân đảo quốc Ryukyu, với một nền văn hóa riêng biệt – một xứ sở xa lắc lơ, được biết đến nhờ luyện kim và nhờ mối giao thương với các xứ Lưỡng Hà, Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên.

Mãi đến tận năm 1879, Okinawa mới chính thức trở thành một tỉnh của Nhật Bản, một trong những tỉnh nghèo nhất. Ngày xưa, dân gian vẫn hay lưu truyền những giai thoại kể về các ngôi làng nghèo rớt mồng tơi, với những cụ già khắc khoải chờ... chết đói trên quần đảo nằm xa tít phía Nam này.

Nhưng những câu chuyện đó bây giờ không mấy ai nhớ tới nữa.

Một thiên đường nhỏ

Không có nước nào trên thế giới có tỉ lệ dân số trên 100 tuổi cao như Nhật Bản. Người dân Nhật cũng có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới: nam 79, nữ 86. Trung bình, cứ 100 ngàn người thì có 18 người vượt qua ngưỡng bách niên.

Ở Okinawa, tỉ lệ người cao tuổi lại vượt xa mức trung bình của toàn nước Nhật. Trong tổng số 1,3 triệu dân đảo, có tới 600 người (85% là phụ nữ) vượt qua được ngưỡng 100 tuổi "thần thánh", quy tỷ lệ ra, 45 người trên 100 ngàn dân.

Và ngôi làng 3.500 nhân khẩu Ogimi nằm ở phía bắc Okinawa là nơi có tỉ lệ người cao tuổi cao nhất so với các vùng còn lại trên đảo: 430 cụ trên 80 tuổi, 12 cụ trên 100 tuổi.

Sáng sáng, những bàn tay gầy guộc lại đẩy nhẹ những cửa chính, cửa sổ hay những bức tường bằng giấy sáp qua một bên, đón không khí và ánh sáng vào nhà. Ban ngày, họ sống ở ngoài trời hết. Các cụ ông cụ bà trong những bộ trang phục gọn nhẹ làm công việc tưới hoa hay tán chuyện với hàng xóm.

Nhiều cụ khác tay xách túi đi chợ, thong dong trên đường xuống núi, đạp xe qua từng ngõ nhỏ hay nằm sưởi nắng trên bãi biển. Không gian ở đây mang màu ngọc lam của trời và nước biển, ấm như thân thể con người.

Có người gọi nơi đây là "một thiên đường nhỏ", nhưng nó là mảnh đất đầy bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu tuổi thọ con người.

Điều thần kỳ không nằm trong gen!

Người phương Tây xuất hiện ở đảo Okinawa không chỉ mang theo giấc mơ "trẻ mãi không già" mà còn kéo theo cả nhịp sống nhộn nhịp và hào nhoáng. Ở những đất nước văn minh xa xôi ấy, càng ngày càng có thêm nhiều người đạt đến độ tuổi “cổ thụ”, nhưng đa số đều “già trăm thứ bệnh” và sống hàng năm trời lệ thuộc vào máy móc, thuốc men.

a
Làm bạn với cỏ cây là nguyên tắc sống của nhiều người già Okinawa, như người cụ bà 92 tuổi này 

Sẽ hạnh phúc biết bao cho từng cá nhân và cho cả cộng đồng nếu như kéo dài được quãng đời trung niên dai sức cũng như rút ngắn được những năm tháng cuối đời chịu đau chịu khổ dai dẳng cho người già?

Sau nhiều nghiên cứu, thì lời "thần chú bí ẩn" trên hòn đảo Okinawa cũng được khám phá. Cái giá nào đánh đổi cho mỗi tích tắc cuộc đời mà từng tế bào trong cơ thể bền bỉ kéo lại? Có thể là vô giá, có thể lại rất bình dị và giản đơn.

Những người trẻ tuổi biết chắc chắn rằng: yếu tố di truyền không ảnh hưởng đến khả năng sống lâu của các công dân trên đảo. Bởi lẽ, những người đã di cư khỏi đảo, như sang Braxin chẳng hạn, khi đã thay đổi các nếp sống truyền thống thì tuổi thọ của họ giảm sút một cách không tưởng.

Ở ngay trên phần phía Nam bị “Mỹ hóa” của hòn đảo, người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự khác biệt. Lối ăn uống kết hợp giữa Hamburger và khoai tây chiên đã khiến thế hệ trẻ trên đảo trở thành nhóm người béo nhất của nước Nhật và chắc chắn, họ không tránh khỏi một cuộc sống ngắn ngủi cũng như một tuổi già nhiều đau đớn.

Ở đâu, nếu không phải là ở trong gen, cất giấu bí kíp cho sự trường tồn? Nói với chúng tôi, 2 cụ Ushi và Matsu đưa ra câu trả lời rất rõ ràng: "Hãy để ý tới những thứ đi vào cơ thể cậu hàng ngày ấy!”

(Theo vietnamnet)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Moscow đang "biến thành New York": Kỳ 1: 'Thành phố đế vương'
  • Rực rỡ sắc hoa anh đào Hoa Kỳ - Nhật Bản
  • 10 tòa nhà hàng đầu thế giới
  • Thăm động Batu, thưởng thức trà kéo
  • 10 thành phố thân thiện xe đạp nhất thế giới
  • Đường sang Tây vực
  • Đêm Paris!
  • Tokyo: thủ đô nghệ thuật ẩm thực?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com