Tượng đức thần Murugan cao khoảng 43m là biểu tượng của động Batu. Ảnh: Tường Vi |
Nằm trong hệ thống núi đá vôi cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khoảng 13km về phía bắc, tại đây hang động lớn Batu (động đá) là nơi thờ phụng các vị thần Hindu giáo của người dân Ấn Độ sinh sống trên đất nước này và cũng là nơi du khách không thể bỏ qua món “trà kéo” đặc trưng ở nơi đây.
Tham quan động Batu
Động Batu, hang động thờ thần linh Shiva, được nhà tự nhiên học người Mỹ Whornarry cùng bạn đồng hành của ông là sĩ quan Anh H.Csyhress phát hiện vào năm 1878. Phía trước hang động là tượng đức thần Murugan cao khoảng 43m. Bên trong có nhiều hang thờ phụng các vị thần của đạo giáo này. Đường lên động Batu có rất nhiều con khỉ được thả tự do, luôn bám theo chân du khách. Hệ thống động Batu gồm ba hang lớn, nhiều hang nhỏ rải rác trên hệ thống núi đá vôi. Hang đền thờ có chiều dài khoảng 200m, cao gần 100m. Cuối hang là ngôi đền thờ cổ kính với kiến trúc đặc trưng gồm nhiều bức phù điêu sơn phết sặc sỡ kể lại các câu chuyện truyền thuyết về vị thần Shiva. Phía sau đền thờ là cửa vào hang tối dài khoảng 2km, là nơi trú ngụ của các đàn dơi từ nhiều đời nay. Động Batu là nơi diễn ra các nghi lễ đạo Hindu của cộng đồng người Ấn Độ tại Malaysia như lễ hội truyền thống Thai Pu Sam (lễ hội bày tỏ lòng thành kính với đức Muruga - đấng tối cao) được tổ chức tháng mười lịch Ấn Độ giáo (nhằm giữa tháng giêng và tháng hai âm lịch). Trong tiếng Malaysia, Thai nghĩa là tháng, Pu Sam là tên gọi của một ngôi sao thuộc dải ngân hà. Truyền thuyết kể rằng xưa kia đất trời vừa hình thành, các vị thần sao ở thượng giới luôn bị ánh trăng chế ngự nên không thể tỏa sáng. Vì muốn cứu sao Pu Sam, thần Shiva đã dùng cây đinh ba phóng vào mặt trăng làm tiêu hao ánh sáng để sao Pu Sam rực sáng hơn. Vì thế ngày nay mà người ta còn gọi lễ hội Thai Phu Sam là lễ hội ngôi sao tỏa sáng. Theo nghi thức, người tự nguyện thành tâm sám hối tội lỗi phải mang trên người trang thờ làm bằng những que kim loại gọi là kavati xiên thủng da thịt, cổ, lưỡi, mũi, môi rồi đi theo đám rước vượt qua 272 bậc thang ở động Batu, tiến tới đền thờ. Khi vị chủ lễ vừa đọc kinh vừa tháo kavati ra khỏi da thịt, rồi xoa thuốc cầm máu thì mọi tội lỗi mới được rửa sạch.Vượt qua 272 bậc thang ở động Batu, những người theo đạo Hindu làm lễ Thai Pu Sam để sám hối. Ảnh: Tường Vi Đến thăm động Batu, du khách có dịp thưởng thức trà kéo. Ảnh: Tường Vi
Thưởng thức trà kéo
Trà kéo (tea tarek hay teh tarik) trong tiếng Malaysia có nghĩa là “uống một hơi”, là một loại trà truyền thống của người dân tại đây. Công thức pha chế trà cũng gần giống như trà sữa có bán tại Việt Nam, gồm trà xanh hoặc trà ô-long với sữa đặc và đường. Nhưng tất nhiên trà kéo luôn có bí quyết pha chế riêng và bên cạnh đó là nghệ thuật biểu diễn đặc trưng thu hút sự tò mò của khách. Người ta pha trà nóng với sữa đặc nhưng thay vì khuấy đều tay thì họ kéo cốc trà từ trên cao rồi đổ sang cốc trà khác. Trong tiếng vỗ tay trầm trồ tán thưởng của du khách, cứ như thế mà những người phục vụ biểu diễn kéo trà ở mọi tư thế, phía trước mặt, luồn sau lưng hay qua chân… cho đến khi trà hòa tan vào sữa sôi. Trà kéo là loại thức uống dùng nóng được phục vụ tại các quán cà phê hay nhà hàng ở Malaysia, Singapore và Brunei. Tại Malaysia còn có các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật pha chế trà kéo.
(Theo Tường Vi // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com