Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện thần kỳ trên đảo Okinawa: Kỳ 2: 'Năng lượng đất trời' trên 'đảo bách niên'

"Năng lượng đất trời" ở đâu trên hành tinh này cũng có, nhưng với cư dân "đảo bách niên", nó là một điều thần kỳ. Bởi thế, cụ Matsu dặn chúng tôi: "Thức ăn mà cậu ăn hằng ngày phải mang theo năng lượng của đất trời và biển cả".

"Năng lượng đất trời"

"Thức ăn mà cậu ăn hằng ngày phải mang theo năng lượng của đất trời và biển cả" - cụ Matsu dặn.

h
Thức ăn là một "công thức" quan trọng trong cuộc sống trên đảo Okinawa.

Một trong những thực phẩm “thần kỳ” vốn được cư dân trên đảo Okinawa sử dụng từ lâu là rong biển. Người ta tính rằng, dân Okinawa ăn thực phẩm chế biến từ rong nhiều gấp 5 lần mức trung bình của nước Nhật, nhưng chỉ mình rong biển thì chưa đủ.

Sự đa dạng đến kinh ngạc trong cách chế biến cũng như các chủng loại hương liệu vốn là “công lao” của thương gia và người nhập cư đến từ khắp thế giới. Những phương cách và hương liệu này lại được địa phương hóa, được chọn lọc và tinh chế qua hàng trăm năm lịch sử.

Cụ Matsu bảo, ở Okinawa, cá và hải sản có đủ các loại, hoặc dùng để ăn sống như sushi Nhật, rán theo kiểu Hàn Quốc hay nướng hoặc chế biến theo kiểu tapas Tây Ban Nha. Tại Okinawa, khoai lang Trung Quốc được coi trọng như cơm. Ngoài ra, không thể thiếu được món hàng ngày “champuru”: đậu phụ rán qua, ăn cùng với cà rốt, cải củ, rau chân vịt và tất cả các loại rau sống có trên đời này. Và trà đương nhiên là thức uống không thể thiếu.

Sử dụng nhiều "năng lượng đất trời" nên dân đảo ăn ít muối, không ăn bánh mỳ, không dùng các sản phẩm từ sữa. Nhưng đặc biệt chú trọng các loại gia vị và rau xanh. Mỗi bữa, ớt, gừng, nghệ được sử dụng hàng thìa.

"Cây không phụ lòng người"

Khẩu vị ăn uống trên "đảo bách niên" có nhiều điều đặc biệt. Ngay cả thịt lợn, thứ thực phẩm du nhập từ Trung Quốc, lên đến đảo cũng được cho trải qua quy trình chế biến “không giống ai”. Thịt được ninh trong nồi đất có khi đến nửa ngày trời. Thỉnh thoảng, người dân lại vớt mỡ ra ngoài, cho đến khi nước luộc thật thanh. Thịt cũng thường chỉ được ăn trong các dịp lễ hội.

Cây cối trên đảo cũng được coi là "năng lượng đất trời" và là thứ tài sản quý, đặc biệt là những cây họ cam quýt. Nổi tiếng hơn phải kể đến biểu tượng ẩm thực của Okinawa,  thứ mướp đắng  “goya” được tôn vinh triền miên qua các cuộc thi thực phẩm giàu vitamin.  

”Cây cỏ là thuốc” - cụ Matsu bảo thế khi đang ngồi thụ phấn cho bí ngô trong bãi ruộng xanh mướt. Cụ ngắt những bông hoa đực, lấy nhụy hoa rồi lần lượt quết vào nhụy của hoa cái. Cả đời cụ trồng cây rồi lại thụ phấn cho cây như vậy. “Cây không phụ lòng người" - cụ dạy chúng tôi.

"Quy tắc 80%"

Bữa ăn nhiều màu sắc chính là bí quyết của những người cao tuổi Okinawa? Cụ Ushi cho rằng không đơn giản như thế. Cụ bảo: “Quan trọng hơn dinh dưỡng là tính kiềm chế “. Cụ Ushi dạy cô con gái 77 tuổi: “Nếu con cũng muốn sống lâu như mẹ, con phải ăn ít hơn. Không bao giờ được phép ăn quá no. Nghe mẹ này: "hara hachi bu”.

Như một câu thần chú, “hara hachi bu” có nghĩa nôm na là "chỉ ăn đủ tám mươi phần trăm dạ dày”. Cô con gáicụ, một người đàn bà trông không già quá 50 tuổi, cẩn thận rót trà vào ấm sứ và chớp mắt khiêm nhường. Không biết bà đã được nghe mẹ dạy thế bao nhiều lần?

Đối với nhiều người trên "đảo bách niên", điều độ và tự chế chính là hai yếu tố quan trọng nhất của “bí mật Okinawa”. Hai yếu tố này cũng được coi ngang như các giá trị văn hóa. Không bao giờ được phép làm các cơ quan tiêu hóa quá tải. Sau bữa ăn, tuyệt đối ko ăn vặt thêm, để cơ thể được hoạt động đúng trình tự. Tập các thói quen hoạt động, như đi bộ chẳng hạn. Ở Naha, thủ phủ của quần đảo, người già đi bộ nhiều gấp đôi người trẻ.

Nhiều cụ chọn cho mình một môn võ – Okinawa còn là quê hương của Karate, hoặc hẹn nhau chiều chiều đi chơi "bóng cổng”, môn bóng giống cricket, hoặc tụ tập hát hò nhảy múa. “Sanshin”, giai điệu nhạc cổ truyền Nhật Bản luôn vang lên trong mỗi căn nhà.

Cụ Ushi và cô con gái là thành viên của một câu lạc bộ vũ có ông giám đốc 94 tuổi, trước vốn là công chức. Cứ vào đến sàn, hai mẹ con lại chìm vào điệu nhạc và say mê theo từng bước chân.

Nhưng "công thức trường sinh" chưa dừng lại ở đó, còn phải nhắc đến “yuimaru” nữa. Câu thần chú này có nghĩa là “gắn bó với xã hội”. Nghĩa là “còn dùng được”, là  “hữu ích”, là “thuộc về nó”, các cụ giảng giải như vậy.

Cô bạn nhỏ

Ở Okinawa, người ta thấy những người già trăm tuổi ở sau mọi gian hàng, xếp chỗ, sắp rau củ quả. “Nghỉ hưu” là từ không có trong ngôn ngữ của hòn đảo xinh đẹp này. Ngoài ra, việc các cụ tham gia kinh doanh cũng là một nhân tố hút khách cực kì hiệu quả.     

g
“Nghỉ hưu” là từ không có trong ngôn ngữ của hòn đảo xinh đẹp này.

Các cụ già bảo rằng, nguyên tắc nằm lòng “giúp đỡ hàng xóm” từ lâu đã là chiến lược sống còn và là một tính cách ăn sâu trong nếp sống dân đảo Okinawa. Họ sống cùng nhau, quan tâm lẫn nhau. Bởi con cái các cụ, vì công việc hay học hành, đều sống ở xa cả. Và ở làng Ogimi, đa số người già sống một mình.

Trên đảo, một người già cả không chỉ cần có gia đình, mà quan trọng hơn là bạn bè. Cụ Matsu thường bán rau xanh cho "cô bạn gái nhỏ" Emiko Kinjo. Cô chủ nhà hàng 57 tuổi thường xuyên mua trọn toàn bộ vườn rau xanh của cụ. Vì thế, sáng nào cụ cũng thích dậy thật sớm. 

Còn "cô bạn nhỏ" Emiko cũng tỉnh dậy vào sáng sớm và điều đầu tiên sau khi cô mở cửa nhà hàng, cô ngó về cuối phố. Nếu cửa nhà cụ Matsu vẫn chưa mở, cô sẽ chạy lại ngay để xem, liệu cụ có ổn không, vì họ là bạn của nhau.

(Theo vietnamnet)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Tháng tư về ở Amsterdam
  • Có một phố Âu bên dòng Mê Kông
  • Bảo tàng chiến tranh đế quốc
  • Bảo tàng Guggenheim Bilbao -Bông hoa xứ Basque
  • Vàng óng hoa cải dầu Trung Quốc
  • 10 cổ trấn đẹp như mơ của Trung Quốc
  • Khuôn cửa, ánh mắt và sắc màu Venice
  • 10 thành phố "nặng hầu bao" nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com