Hoàng hôn ở Bagan. |
Năm giờ chiều một ngày cuối tháng 3, chúng tôi bỏ qua một điểm tham quan để kịp đến đền Mingalazedi, đền cao nhất trong số hơn 2.000 ngôi đền bằng đất nung ở đất Bagan, kịp ngắm hoàng hôn từ từ xuyên qua mái những ngôi đền, ngọn cây và “đi ” xuống dòng sông Ayeyarwaddy.
Năm giờ bốn mươi phút hàng ngày là khoảnh khắc mà tất cả khách du lịch mong ngóng. Hôm ấy, “điểm nhấn” trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và kỳ lạ ở nơi này bị mây mù che bớt nhưng những du khách đến Bagan không vì thế mà bị mất đi những cảm giác thật sự kỳ lạ, như được đưa từ hiện tại về miền cổ tích xứ sở Bagan. Để đến được Bagan, vùng đất được mệnh danh là xứ sở của các ngôi đền, bạn thật sự phải bỏ lại hiện tại ở phía sau. Tiếng là có ba hãng hàng không nội địa của Myanmar đưa khách đến mảnh đất này nhưng kể cả hãng hàng không lớn nhất là Yangon Airlines, nối chuyến của Vietnam Airlines từ Yangon đưa khách đến Bagan thì cũng chỉ có khả năng chở khách đến Bagan trên chiếc máy bay cánh quạt cổ lỗ. Sân bay nội địa ở mảnh đất phía Tây Bắc, cách Yangon 600 cây số và một giờ rưỡi bay có một thiết bị duy nhất cho thấy dấu hiệu của một nhà ga hàng không là máy soi hành lý. Thẻ lên máy bay không tên, không chỗ ngồi vì sân bay... không có máy vi tính. Cũng vì lý do tương tự, việc kê khai thủ tục hải quan là do khách tự điền vào một tờ giấy viết tay do nhân viên sân bay chìa đến. Nhưng lúc ấy, ngoài đôi chút ngạc nhiên, chúng tôi chưa đủ thời gian để nhận ra rằng, càng đi sâu vào đời sống ở Bagan, càng trở về quá khứ, mỗi lúc một có cảm giác xa dần, xa dần hiện tại hơn. Ở Bagan, điện và nước, hai nhu cầu thiết yếu, là một thứ xa xỉ. Trong phòng ở - một khách sạn cổ có kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng cách đây hơn 50 năm, ăn khớp với kiến trúc của các ngôi đền cổ xung quanh - máy lạnh chỉ được sử dụng rất tiết kiệm. Tất cả các khu vực công cộng khác như lễ tân, nhà hàng, chỉ có một thứ ánh sáng rất lờ mờ, dù trời đã tối. Đơn giản vì người dân Bagan phụ thuộc vào nguồn thủy điện ít ỏi, mà dòng sông Ayeyarwaddy lại đang mùa nước cạn nên thước đo sự giàu có của một gia đình ở Bagan là có máy phát điện hay không. Song, không ai đến Bagan cảm thấy phiền lòng vì thiếu máy lạnh dù trời nóng hầm hập từ sáng đến đêm. Mùi hoa Nim (một loại cây bóng mát, tán rộng rất đẹp ở xứ này có mùi thơm tương tự như hoa thiết mộc lan) sẽ mang đến một cảm giác rất êm đềm cho bạn vào buổi tối. Còn ban ngày, bạn sẽ bận trôi qua những miền quá khứ khác nhau ở những ngôi đền. Và ở đó, không có chỗ cho thời hiện tại. Thời điểm hưng thịnh nhất của mảnh đất Bagan là từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13, dưới thời vua Anawrahta. 14.446 ngôi đền bằng đất nung được xây dựng trên mảnh đất chỉ rộng có 42 cây số vuông này. Đến nay, sau những biến cố lịch sử và gần nhất là trận động đất năm 1975 ở Bagan, chỉ còn hơn 2.000 ngôi đền. Hơn 12.000 ngôi đền đã ra đi sau 10 thế kỷ nhưng đi đến bất cứ một nơi nào ở Bagan, cũng sẽ chỉ gặp những ngôi đền dưới bóng bạt ngàn những cây Nim và cây Arabica (cũng là một loại cây bóng mát, thân gỗ rất lớn).Những người dân ở Bagan bôi mặt bằng bột gỗ thân cây Thanaka. Ảnh: Ngọc Lan.
Trong sự sống hiện tại ở Bagan, những người dân địa phương bé nhỏ, cả nam lẫn nữ đều gầy guộc, đen sắt lại vì nắng và gió, bôi mặt bằng bột gỗ cây Thanaka như thổ dân da đỏ vì tin có thể tránh được cái nắng mặt trời. Họ mặc trang phục dân tộc longy (một loại váy quấn), chân trần đạp những chiếc xe cũ kỹ mà người Việt Nam dùng những năm 60 hay 70 của thế kỷ trước, lặng lẽ xuyên qua nắng gió, đền đài như đưa du khách gần về quá khứ hơn nữa.
Xuyên qua 10 thế kỷ, các ngôi đền bằng đất nung ở Bagan với những ngọn tháp hình chóp lớn nhỏ, không đền nào giống đền nào, dù cùng màu gạch ấm, nắng gió nên ít rêu phong, vẫn kể câu chuyện của quá khứ và người dân địa phương hiện tại chỉ là chứng nhân đời này qua đời khác để kể chuyện về các ngôi đền. Shwezigon, ngôi đền lớn nhất và được coi là linh thiêng nhất vùng, có tháp lớn dát vàng lộng lẫy (trong tiếng Myanmar “shwe” có nghĩa là đẹp, mỹ miều hay bằng vàng), phân biệt với tất cả các đền chùa còn lại của vùng đất, là nơi lưu giữ xá lợi răng Phật mà người dân địa phương giữ gìn như báu vật. Người dân đến lễ chùa hàng ngày đều quỳ trước một vũng nước to vì chỉ có nhìn qua vũng nước này, khi ngước lên mới thấy bóng ngọn tháp vàng cao hơn 70 mét. Đền Myigaba Gu Byaukyia thì xây dựng sau đền Shwezigon vài thế kỷ, nơi có những hình ảnh kể lại con đường đi đến giác ngộ của Đức Phật nhưng lại là ngôi đền hứng chịu những thiệt hại năng nề nhất của trận động đất năm 1975. Dân địa phương kể lại rằng, khi trận động đất xảy ra và một phần của ngôi đền bị phá hủy, người ta mới kinh ngạc nhận ra rằng, ngay từ nhiều thế kỷ trước, khi xây dựng ngôi đền này, người ta đã tính đến nguy cơ có thể xảy ra động đất.Những cụm đền nối tiếp nhau trong số 2.000 đền thờ bằng đất nung ở Bagan. Ảnh: N. Lan.
Những mảnh tường vỡ ra từ động đất cho thấy, người xưa không xây các hàng gạch đều nhau mà cứ vài hàng ngang thì đến một hàng gạch thẳng hay nghiêng như tính toán, chia sớt lực tác động của thiên nhiên. Vữa xây đền làm từ xương trâu nghiền ra trộn với bột gỗ cây Arabica. Đúng sai không rõ nhưng bên trong đền xây theo cách này không bị phá hủy và đền đã bảo tồn được những bức tượng Phật đẹp đẽ.
Đền Anada, nằm khá xa các ngôi đền khác thì không hoành tráng nhưng bốn phía đền là 4 bức tượng Phật bằng gỗ cao 6 mét. Hai bức tượng Phật ở phía Bắc và phía Nam được dựng nên từ thế kỷ thứ 11 là hình ảnh Phật mỉm cười hiền từ, bao dung và sinh động. Hai tượng Phật ở phía Đông và Tây trước đó bị cháy vì người dân dâng nến, đã được xây lại đầu thế kỷ này, khắc họa vẻ mặt hai vị Phật nghiêm nghị nhìn xuống. Dân Bagan tin rằng, sự khác nhau giữa những nét mặt Phật sẽ khiến cho con người ý thức được việc làm của mình hơn khi đến chốn này và bước ra ngoài thế giới. Nếu như ở Yangon, cuộc sống của người dân giống như cuộc sống của người dân miền Bắc nước ta thời bao cấp những năm 1970, 1980 thì ở Bagan, còn lùi xa hơn nữa. Sở hữu cả một thế giới những ngôi đền được bảo tồn một cách nguyên vẹn, đẹp đẽ, không kém bất cứ một nơi nổi tiếng nào trên thế giới nhưng do cuộc sống “đóng cửa” với thế giới bên ngoài nên người dân địa phương, hiện chỉ chăn nuôi gia súc lẻ tẻ và trao đổi một số sản vật ở một chợ nghèo trong địa phương, hoàn toàn không biết khai thác các địa danh nổi tiếng để làm du lịch. Du khách châu Âu và nhiều nơi khác hàng ngày vẫn đến đây, nhưng nghề kinh doanh phát đạt nhất là sản xuất mấy đồ mỹ nghệ đơn giản do một gia đình có xưởng nhỏ làm. Thứ họ bán phổ biến cho du khách là những miếng bột gỗ bôi mặt bào từ cây Thanaka, trông như bánh xà bông Cô Ba, hay vài bức tranh in các ngôi đền trên vải mỏng và bưu thiếp sản xuất hàng loạt. Bạn có thể trả một đô la (tương đương với 1.000 kyats) để mua đồ lưu niệm. Nhưng thứ mà người dân ở đây thích nhất không phải là tiền bán hàng. Trẻ em gái, phụ nữ, từ nhỏ đến lớn sẵn sàng đưa cho bạn những món hàng kể trên và mong được cho lại... son môi. Họ mê mẩn đi theo du khách hàng tiếng đồng hồ, ra hiệu xin son môi, mũ rộng vành. Mà nếu không có cả hai thứ thì lại năn nỉ xin kẹo. Dường như ở nơi này, thế giới hiện tại là một cái gì đó rất xa.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com