Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngàn dặm Con đường tơ lụa Kỳ 3: Dấu xưa trường thành

Con đường tơ lụa là nơi chạm mặt kỳ thú giữa các nền văn minh cổ đại, nhưng đó cũng là con đường đẫm máu chiến tranh, xung đột, cướp bóc. Số phận con đường tơ lụa luôn gắn liền với ước vọng hòa bình và dãy trường thành chạy dài theo dòng lịch sử.

5g sáng, tàu dừng tại nhà ga Gia Dụ Quan sau 18 giờ đi kể từ Tây An. Thành phố này nổi tiếng nhờ mang tên cửa ải Gia Dụ Quan, nhưng lại "sống" bằng gang thép, phát triển theo công thức "đại xí nghiệp, tiểu thành thị”.

Hướng dẫn viên cho biết ước lượng có đến 70% người dân thành phố làm việc tại Công ty gang thép Tửu Tuyền - cơ sở gang thép lớn nhất vùng Tây Bắc Trung Quốc. Những con đường nơi đây rộng thoáng, yên tĩnh, sạch sẽ, và đẹp như lụa mềm nhờ những hàng cây đang vào thu. Mỗi con đường một loại cây, liễu xanh, quốc hoài vàng, bạch dương có xanh có trắng…

"Thiên hạ hùng quan"

Huyền Bích trường thành chạy dài lên đỉnh Hắc Sơn, thành phố Gia Dụ Quan (Cam Túc) - Ảnh: Lê Na
Gia Dụ Quan - “Thiên hạ hùng quan” - Ảnh: Lê Na

Gia Dụ Quan là cửa ải cực Tây, kiểm soát con đường ra vào Tây Vực, được quan quân nhà Minh xây dựng theo tuyến bắc nam. Phía bắc là Huyền Bích trường thành dài 8,6 km chạy đến Hắc Sơn, phía nam là Minh Tường trường thành dài 7,6 km, dẫn đến vực sâu do dòng sông băng Thảo Lại Hà làm thành một hào lũy tự nhiên. Tâm điểm là thành Gia Dụ Quan, vừa là cửa ải vừa là đồn binh.

Khi chúng tôi đến thăm Huyền Bích, những chiếc lá bạch dương gieo sắc thu lên một góc trường thành vắng lặng. Một đôi tình nhân nắm tay nhau đi lên hướng Hắc Sơn, trên đó, bên vách núi đá đen còn giữ lại giữa trời nhiều hình trái tim khắc lồng với những lời thề hẹn yêu thương.

Người ta dựng cái cổng kiểu quan ải, đặt tên là Thủy Môn. Mở một đoạn trường thành chừng hơn hai cây số chạy lên đỉnh núi cho du khách có cơ hội in bóng mình lên bóng trường thành và phóng tầm nhìn ra sa mạc mênh mông. Lại mở ra một lối đi bằng bậc đá để du khách rời trường thành từ trên cao vòng xuống chân núi, đến với quảng trường mang tên "Tơ lụa cổ đạo".

Một quần thể tượng đài để nhắc nhớ tên tuổi những nhân vật lịch sử đã từng qua đây: dẫn đầu là Trương Khiên, rồi Hoắc Khứ Bệnh, Ban Siêu (thời Tây Hán), Đường Huyền Trang, Marco Polo, đến Lâm Tắc Từ, Tả Tống Đường (nhà Thanh). Nếu Huyền Bích dẫn lên núi cao thì dãy Minh Tường lại chạy ngang qua vùng đất bằng, đã bị thời gian làm hoang phế. Mọi người chen nhau chụp ảnh bên bia đá khắc mấy chữ "Vạn lý trường thành đệ nhất đôn" với một phong hỏa đài đổ nát còn sót lại. Đây là đoạn thứ nhất, đầu mút của Minh Tường trường thành. Một địa đạo dẫn du khách đi ra một "ban công" để nhìn rõ vực sâu của sông băng Thảo Lại Hà mùa này đã thành dòng nước chảy xiết, và dãy núi tuyết Kỳ Liên nơi xa đang phơi mình trong nắng thu.

Chúng tôi có cả một buổi sáng để một lần làm thương khách đời xưa, "xuất cảnh" qua biên ải. Nói là cửa ải, nhưng Gia Dụ Quan thực là một thành lũy, gồm nhiều lớp thành vững chắc kiên cố, uy nghiêm soi bóng lên sa mạc, nhất là lúc trời chiều, khi mặt trời cũng "xuất quan" về hướng tây, quả xứng danh "Thiên hạ hùng quan". Trong thành có quan đạo lát gạch dành cho quan, có dân đạo nền đất là lối đi riêng của dân chúng và thương buôn; có mã đạo, đường dốc xếp đá cho ngựa chạy lên mặt thành khi chiến đấu. Lại có điện thờ Quan Công với thanh long đao và ngựa Xích thố, và một rạp hát mini.

Chúng tôi đi qua thành theo chiều đông tây. Cửa đông có tên Quang Hóa Môn dẫn vào trung tâm thành. Tường cao, âm thanh có thể dội đá thành tiếng vọng bay lên mặt thành. Thành có địch lâu, tiễn lâu, đài quan sát… Phủ tướng quân nằm gần mé tây, với tên của 18 tướng quân đã trấn nhậm nơi này. Cửa tây có tên Nhu Viễn Môn, đóng mở theo lịch của mặt trời mỗi ngày. Con đường xuất quan rộng chừng 3m, lát đá, những phiến đá rộng, oằn mình ghi lại vết lõm của thời gian trên dấu xưa. Con đường ấy dẫn ra sa mạc sáng lóa, không bến không bờ.

Cô thành phế tích

Đã có Gia Dụ Quan sao còn có Ngọc Môn Quan? Ấy là vì Trung Hoa thời Hán Đường cương vực mở rộng về phía tây, đến tận vùng Đôn Hoàng. Và ngoài Ngọc Môn Quan còn có Dương Quan. Khi đến đây, du khách sẽ có dịp đi dọc những đoạn trường thành thời nhà Hán tuy đã thành phế tích nhưng vẫn còn lặng lẽ góp mặt cùng sương gió, chứng kiến thế sự hơn 2.000 năm qua.

Huyền Bích trường thành chạy dài lên đỉnh Hắc Sơn, thành phố Gia Dụ Quan (Cam Túc) - Ảnh: Lê Na
Huyền Bích trường thành chạy dài lên đỉnh Hắc Sơn, thành phố Gia Dụ Quan (Cam Túc) - Ảnh: Lê Na

Ngọc Môn Quan bây giờ đã là phế tích, nằm chơ vơ trên đồi nắng, làm bạn với gió và những bụi cỏ có tên "cỏ gai lạc đà” vì chỉ có lạc đà mới có thể nhấm nháp được chúng mà thôi. Bên kia đồi là một hồ nước trắng bạc một màu sương tuyết, xa xa là chập chùng núi…

Anh hướng dẫn viên họ Dương đứng trên đồi đọc bằng tiếng Hoa bài thơ Lương Châu từ (có sách gọi là Xuất tái) của Vương Chi Hoán: Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian/ Nhất phiến cô thành vạn nhận san/ Khương địch hà tu oán dương liễu/ Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan (Hoàng Hà treo ngọn giữa mây xanh/ Vạn bậc non cao một mảnh thành/ Sáo rợ buồn chi lời chiết liễu/ Gió xuân chẳng vượt Ngọc Môn Quan - Nguyễn Hiến Lê dịch thơ).

Giọng anh rất hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng gió hoang mạc đã bóp méo nó thành một âm điệu buồn thương không thể tả được. Người xưa khi chia tay thường bẻ cành liễu (chiết liễu) để lưu luyến ly biệt. Người lính nơi biên ải nghe tiếng sáo buồn, lòng càng buồn đau nỗi xa nhà, chốn biên quan cô quạnh, gió xuân không đến được nơi này.

Có lẽ buồn nhất nơi đây là vào những đêm trăng? Mênh mông chỉ là tiếng gió, gió khóc, gió nấc, gió sụt sùi cho nỗi niềm ly hương của người lính cô đơn giữa trăng lạnh? Lại nhớ đến hai câu thơ của Lý Bạch khi "kể chuyện" Vương Chiêu Quân cống Hồ: Nhất thướng Ngọc quan đạo/ Thiên nhai khứ bất qui. Một khi đã bước lên cửa ải Ngọc Môn là đi mãi về phía chân trời không trở lại… Người ơi, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau chia xa, mịt mù ngày về đoàn tụ...

(Theo Vietnamnet)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Ngàn dặm Con đường tơ lụa Kỳ 2: Đi vào hành lang Hà Tây
  • Chuyện thần kỳ trên đảo Okinawa: Kỳ 2: 'Năng lượng đất trời' trên 'đảo bách niên'
  • Tháng tư về ở Amsterdam
  • Có một phố Âu bên dòng Mê Kông
  • Bảo tàng chiến tranh đế quốc
  • Bảo tàng Guggenheim Bilbao -Bông hoa xứ Basque
  • Vàng óng hoa cải dầu Trung Quốc
  • 10 cổ trấn đẹp như mơ của Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com