Bác sĩ Ani (trái) và hai nữ sinh y khoa tại ĐH Hasanuddin - Ảnh: Thục Minh |
Những cô gái choàng khăn
Ani, cô bác sĩ trẻ ở làng Siwa, huyện Wajo cách thủ phủ Makassar hơn 200 km về phía bắc, bắt chuyến xe buýt xuyên đêm để kịp về trường cũ dự hội thảo về bệnh lao phổi và sốt xuất huyết. “Em đi để biết người ta có tìm ra phương cách gì mới để chữa hai căn bệnh này. Ở quê em, người bệnh nhiều lắm”. “Làm sao em biết được thông tin về cuộc hội thảo?”, tôi hỏi. “Mấy bạn học ngành y ở trường này gửi e-mail cho em”, Ani trả lời.
Ani 24 tuổi, xinh đẹp và nói tiếng Anh rất tốt, tốt nghiệp y khoa ở ĐH Hasanuddin năm 2008, rồi về quê làm việc tại một puskesmas (cơ sở y tế địa phương). Nơi đó không có internet. Ngày ngày đi làm, Ani vác theo máy tính và modem để vào mạng, kết nối với bạn bè và tìm kiếm thông tin trên mạng trong những lúc vắng bệnh nhân. Ani sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả, bố làm cảnh sát, mẹ dạy học, nên có điều kiện học hành thuận lợi. Cô là chị đầu và có 4 em nhỏ, đứa bé nhất mới 8 tuổi. Ở xứ này, người ta vẫn còn tập quán sinh nhiều con.
“Thường thì ở quê em, các cô gái lấy chồng ở tuổi nào?”, tôi hỏi. “Từ 12, 13”, Ani đáp. Tôi tròn xoe mắt lặp lại các con số. “Vâng. 12, 13. Khi những bé gái có kinh lần đầu, đó là lúc cha mẹ bắt họ nghỉ học để lấy chồng. 14, 15 tuổi, họ có con. Ôi, nheo nhóc lắm!”, giọng Ani chùng xuống.
“Vậy bố mẹ em nói gì khi ở tuổi này em vẫn còn độc thân?”, tôi hỏi. Ani nói bố mẹ cô là trí thức, coi trọng việc học, “nhưng em nhận ra họ cũng bắt đầu sốt ruột rồi”. Khi tôi hỏi: “Em đã có bạn trai chưa?”, Ani trố mắt. “Bạn trai” vẫn là một khái niệm xa lạ với những cô gái mang khăn choàng, mặt thoa phấn, mắt tô chì như Ani. Cô nói rằng nếu có người nào đó muốn đến với cô một cách nghiêm túc, cô sẽ bảo họ đến gặp cha mẹ cô ngỏ lời, nếu ông bà bằng lòng thì “một tháng là quá đủ để em tiến đến hôn nhân”. Còn các bé gái lấy chồng từ tuổi 12, 13 thì hoàn toàn do bố mẹ sắp đặt, Ani cho biết. “Vậy đã có ai “nghiêm túc” với em chưa?”, tôi trêu. Ani bẽn lẽn nói rằng cô biết có một anh chàng. “Nhưng em vẫn muốn học thêm nữa. Với trình độ hiện tại, em không thể làm gì nhiều giúp người dân quê em”, Ani nói. Tôi hỏi Ani có mơ ước được đi học thêm ở thủ đô Jakarta chẳng hạn. Ani bảo cô khao khát được đi học ở Nhật hoặc Úc và đang tìm kiếm cơ hội trên internet.
Ngồi cạnh tôi trong phòng hội thảo là chị Muflihanah, sinh năm 1975. Hanah, tên thân mật của chị, tốt nghiệp bác sĩ thú y tại ĐH Nông nghiệp Bogor ở tỉnh Tây Java. Ra trường làm việc một thời gian thì chị sang Jakarta học tiếp thạc sĩ về vi sinh và gặp người bây giờ là chồng chị. Anh này là kỹ sư, quê ở Makassar nên chị đành theo anh về. Nặng gánh hai con và công việc tại một phòng thí nghiệm của ĐH Hasanuddin, Hanah vẫn tiếp tục học tiến sĩ.
Cũng tại giảng đường mang tên giáo sư Amiruddin, tôi còn gặp nhiều phụ nữ nữa. Tôi nhận ra, tất cả họ, trong bộ cánh khuôn phép Hồi giáo, đều cháy bỏng một ước mơ tri thức.
Và những chàng “cướp biển”
Giờ nghỉ trưa của hội thảo, tôi lẻn ra ngoài và quá bộ sang khu vực căng-tin của ĐH Hasanuddin. Những sinh viên nam ngồi bên trong thấy người lạ thì reo hò ầm ĩ. Một nhóm bất ngờ mời tôi đến trò chuyện. Họ gồm toàn sinh viên năm 2 trở lên, ít cắt tóc và ăn mặc tự do. Vài người hút thuốc, vài người để tóc dài. Tôi đùa: “Ê, sao không cắt tóc? Trông giống cướp biển quá!”. Họ cười ầm lên: “Không, không phải cướp biển. Ca sĩ nhạc rock đấy!”.
Phần lớn trong số họ, gần 20 người, nói được rất ít tiếng Anh. Khoảng 3-4 người có nền tảng tốt, nhưng do ít thực hành nên phản xạ hơi chậm. Ở đây, học sinh bắt đầu học tiếng Anh ở cấp phổ thông cơ sở hoặc trung học. Vào đại học, họ chỉ học tiếng Anh mỗi tuần 2 tiết gọi là cho có. Tôi hỏi họ có đi học thêm, họ lắc đầu: “Tiếng Anh chỉ dành cho người giàu thôi. Học phí cao lắm!”, và người trong nước dạy nhau chứ không có giáo viên nước ngoài. Họ chăm chú nghe tôi nói, háo hức trao đổi như một cơ hội thực hành và hỏi cách nào để nói tốt tiếng Anh. Họ xin tôi địa chỉ Facebook để “làm bạn và học hỏi thêm, mong có ngày tiếng Anh đủ tốt để có thể đi nước ngoài như chị”.
Anh chàng Ammang của báo điện tử Detik.com cũng vậy, cứ luôn miệng “xin lỗi” vì tiếng Anh kém. Ammang tốt nghiệp ngành khoa học chính trị ở ĐH Hasanuddin, nhưng ra trường thì đi làm phóng viên ảnh cho Detik.com và cộng tác tin ảnh cho một tờ báo địa phương. Hôm chở tôi đi dạo phố bằng xe gắn máy, anh ta làm tôi sợ. Vừa lái xe, Ammang vừa dùng tay và cử chỉ để bổ trợ cho ngôn ngữ, trong lúc giao thông trên đường khá lộn xộn. Ammang nói sẽ trích trong khoản thu nhập tổng cộng được 3,5 triệu rupiah/tháng để đi học tiếng Anh, với mong mỏi có cơ hội được cử đi tác nghiệp ở nước ngoài. Một khóa tiếng Anh 2 tháng, học 3 buổi (2 tiếng/buổi) mỗi tuần có phí trên 1 triệu rupiah (gần 1,9 triệu đồng). Trong khi đó, học phí tại khoa kỹ thuật ĐH Hasanuddin chỉ 750.000 rupiah/học kỳ 6 tháng.
Ngồi trong căng-tin, tôi trò chuyện đủ thứ với các bạn trẻ. “Các bạn có nghe về nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah?”, tôi hỏi. “Có. Nhưng nó ở đâu đó chứ không có ở đây. Khủng bố là điên khùng”, các bạn trả lời và nhìn tôi có phần thắc mắc.
“Chúng em chỉ yêu tri thức, yêu giáo dục”, họ lặp đi lặp lại. Một bạn giúi vào tay tôi chiếc huy hiệu “để làm kỷ niệm” lúc tôi nói chia tay. Trên bề mặt hình tròn màu vàng, có khối hình lập thể một người đang ủ rũ, bên cạnh là hai mũi tên lên, xuống cùng dòng chữ “gerak naik turun”, bên dưới là dòng chữ tiếng Anh “keep on fighting till the end”. Một người giải thích đại ý: “Cuộc sống có những lúc thăng trầm. Hãy chiến đấu đến phút cuối!”. (Còn tiếp)
(Theo Thanhnien)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com