Sân bay quốc tế ở thủ đô Jakarta rất khác biệt so với những nơi khác - Ảnh: Thục Minh |
Makassar hay vùng Nam Sulawesi là nơi có tỷ lệ người mắc bệnh phổi khá cao. Theo một số liệu thống kê cứ 100.000 dân thì có 128 người mắc bệnh phổi.
Chuyện ở sân bay
Trên chuyến bay của hãng Garuda Indonesia từ Singapore đến sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, tôi ngồi cạnh Mira, một cô gái Indonesia xinh đẹp, làm tiếp tân ở khách sạn Hyatt, cách hai khách sạn Marriott và Ritz-Carlton bị đánh bom liều chết hồi tháng 7 chừng 10 phút lái xe. Tôi hỏi Mira có cảm thấy lo sợ sau những vụ tấn công vào các khách sạn sang trọng ở thủ đô Jakarta, Mira nói không.
Xuống máy bay, Mira chạy biến đi để kịp về làm ca chiều. Tôi thì không việc gì phải vội, sau 2 tiếng nữa tôi mới lên chuyến bay nội địa đi Makassar. Vì thế, tôi lững thững dạo khắp sân bay. Tới gần nơi lấy hành lý, tôi thấy “căng thẳng” hơn. Thay vì treo trên tường những bảng quảng cáo du lịch, những lời chào mừng, sân bay Jakarta đe dọa hành khách với những tấm bảng lớn “Drugs... Deadly Penalty!” (Ma túy... Án tử hình) của Cơ quan Phòng chống ma túy quốc gia, cùng hình vẽ một khẩu súng ngắn hoặc những khuôn mặt tội phạm bị bịt mắt. Nạn tuồn ma túy vào Indonesia là một nỗi nhức nhối khiến nhà chức trách bất khoan dung với kẻ phạm tội. Mới hôm 19 và 20.10, Hải quan sân bay Jakarta đã bắt 10 phụ nữ Iran giấu trong hành lý tổng cộng 27 kg methamphetamine dạng rắn và 23 lít dạng lỏng, trị giá đến 12,5 triệu USD.
Ở Jakarta, phòng chờ lên máy bay có kiến trúc nhà chòi và bố trí rất lạ. Mỗi “nhà chòi” có hai lối rẽ dẫn ra hai máy bay khác nhau. Ngay cửa “nhà chòi”, có nhân viên thu phiếu khai xuất cảnh (của khách nước ngoài bay khỏi Indonesia). Việc này lẽ ra người ta phải làm ở bàn hải quan chứ nhỉ? Nhân viên ở đây cũng dán vào vé lên máy bay một chấm tròn xanh hoặc đỏ. Màu xanh nói rằng bạn ngồi ở những hàng ghế sau hoặc những ghế giữa và ghế sát cửa sổ, và nên lên máy bay trước. Màu đỏ khuyên bạn nên lên sau.
Rồi thêm chuyện thu thuế tại sân bay nữa. Khi làm thủ tục bay từ Makassar trở lại Jakarta, tôi bị thu 40.000 rupiah (76.000 đồng VN), rồi 150.000 rupiah cho chuyến bay từ Jakarta về Singapore. Nhân viên hãng Garuda giải thích tiền thuế chiều đi đã kèm trong vé, chiều về thì không. Nhưng cô bạn Christine, một người Anh, cho biết cô phải nộp 40.000 rupiah cho chuyến bay từ Jakarta đến Makassar nữa. Thủ tục ở sân bay Jakarta thật “quái lạ”, Christine nói. Tôi bảo, thế mới thú vị!
Chuyện ở khách sạn
Imperial Aryaduta là một khách sạn hạng sang ở Makassar, thủ phủ của tỉnh Nam Sulawesi và cũng là thành phố lớn nhất Sulawesi, hòn đảo có hình dáng như một hoa phong lan, gồm cả thảy 6 tỉnh. Trước khi bước vào tiền sảnh khách sạn, hành lý và túi xách của mọi người đều được nhân viên kiểm tra bằng thiết bị dò kim loại. Kinh nghiệm từ hai khách sạn ở Jakarta bị đánh bom ngày 17.7, khi đó những kẻ đánh bom liều chết đã mang kim khí và thuốc nổ vào khách sạn rồi chế bom tại chỗ, khiến mọi người vui vẻ tuân thủ sự kiểm soát.
Aryaduta nằm cạnh bãi biển Losari. Chiều muộn ra ngồi trong khu vườn mặt tây của khách sạn nhìn hoàng hôn từ từ buông xuống mặt biển thì nên thơ tuyệt vời. Còn khách ở phòng có cửa sổ hướng ra phía đông thì chiều chiều được nghe tiếng kinh cầu nẫu ruột phát ra từ ngôi đền Hồi giáo bề thế gần kề.
Trên bàn trang điểm trong phòng khách sạn, bên cạnh các tập thực đơn và hướng dẫn, có một tờ giấy riêng biệt. Thấy lạ, tôi đọc thử: “Xin quý khách biết rằng khách sạn của chúng tôi đã nhận được thông tin chính thức từ Công ty điện lực nhà nước (PLN) rằng điện có thể bị cúp bất cứ lúc nào! Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp cho quý khách những nhu cầu cần thiết, chẳng hạn như điện, vào mọi thời điểm. Máy phát điện của khách sạn luôn trong tư thế sẵn sàng trước mọi sự cố từ PLN”. Tôi thấy vui vui, vì học được cách ứng xử của một khách sạn hạng sang với khách về chuyện cúp điện bất chợt vốn quá đỗi bình thường ở đất nước này. (Còn tiếp)
(Theo Thanhnien online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com