Có lẽ hiếm có thủ đô nào trên thế giới lại khiến du khách người Việt có cảm giác thân quen như Phnom Penh của đất nước Chùa Tháp. Ngày một nhiều thương nhân Việt Nam chọn thành phố bé nhỏ có cái tên “thành phố sông bốn mặt” này làm điểm đến cho những tour ngắn ngày, kết hợp với công việc giao thương.
Quen
Nằm ngay trên vùng đất hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Mê Kông, sông Bassac và sông Tonle Sap, Phnom Penh được biết đến như một thành phố ngã ba sông mà người Khmer gọi bằng cái tên dễ mến - thành phố “sông bốn mặt” (Chaktomuk). Chỉ nghe tên thôi, đã hình dung ở nơi này đi loanh quanh thế nào cũng gặp nước, gặp sông.
Phnom Penh nằm dọc theo con sông lớn, nhưng là một thành phố khá bé nhỏ. Lắc lư theo nhịp tuk tuk, lần đầu đến mà cứ thấy quen quen. Quen từ cái ngầu đỏ phù sa của sông, của gió thổi rười rượi, từ cái tiết trời mà vào mùa mưa, cứ chiều đến là mưa ghé qua, ào ạt đến rồi đi… Quen cả với khu phố Tây ba lô mà người bạn đồng hành bật thốt lên “chẳng khác gì Tạ Hiện ở Hà Nội hay Phạm Ngũ Lão ở TPHCM”. Cũng là dãy phố dài, phong cách thiết kế đa dạng với rất nhiều du khách quốc tế ngồi ở hàng hiên quán hướng ra sông hay đang thả bộ, tay cầm bản đồ, vai khoác balô, lững thững nhìn ngắm, kiếm tìm…
Nếu bạn đã xuất ngoại nhiều, hẳn nhiên sẽ cảm thấy có khi nhớ tiếng mẹ đẻ giữa nơi chốn xa lạ, nhớ những khuôn mặt “da vàng” thân thiết giữa những lô xô mắt xanh, da trắng. Ở Phnom Penh, sẽ không quá ngạc nhiên khi có người bản địa nói với bạn một thứ tiếng Việt - tuy hơi nằng nặng, hơi khó nghe - nhưng vẫn hoàn toàn hiểu được. Và chọn đi shopping ở chợ Trung tâm hay chợ Nga, bạn có lẽ sẽ như tôi, cảm thấy tự hào khi thấy hàng Việt Nam khá nhiều ở những địa chỉ mua sắm này.
Sẽ thêm chút duyên, nếu như bạn gặp một Việt kiều tại đây. Chị Hạ, quê gốc Nam Định, bán món bún thịt nướng ở chợ Trung tâm, đã sang Phnom Penh từ khi mới lớn, lấy chồng người Campuchia. Chị chưa từng về quê lần nào, lấn bấn với cuộc mưu sinh, nỗi nhớ quê cứ phải dằn lại mãi. Đường về quê với chị giờ chỉ còn phảng phất trong tâm trí. Cô con gái phụ mẹ bán hàng ở chợ cũng nói được chút tiếng Việt. Hỏi có muốn về quê ngoại, cô bé cười, đôi mắt ngó mông lung… Ở thành phố này, có không ít người làm dâu như chị Hạ và cũng không ít những người đàn ông lập nghiệp xa xứ. Nỗi nhớ quê đã thôi thúc họ đặt những cái tên gợi về chốn quê nhà như “cầu Sài Gòn” (ở cửa ngõ vào Phnom Penh) hay “chợ Sài Gòn”…
Thông thuộc đất này như lòng bàn tay, anh Nguyễn Thanh Tuấn nói, những năm gần đây, du khách từ Việt Nam sang ngày một đông, trong đó có không ít doanh nhân sang tìm kiếm cơ hội giao thương và kết hợp du lịch. Tôi cũng tin như vậy, bởi Phnom Penh mang trong mình sự kết hợp hài hoà giữa các nét đặc trưng châu Á, vẻ hấp dẫn của Đông Dương. Tương đồng là thế nhưng không phải không đậm đà những nét riêng có, vậy nên, người ta còn muốn đến và khám phá.
... và lạ
Phnom Penh mang trong mình sự kết hợp hài hòa giữa vẻ hấp dẫn của Đông Dương với những nét riêng có |
Quả thực như tôi đã từng nghe, Phnom Penh là thành phố của những cảm xúc trái chiều. Một thủ đô nhỏ bé mang trong mình cả một lịch sử tàn khốc khiến người ta rùng mình. Một thủ đô còn lưu dấu vàng son của các vương triều khiến người ta ngưỡng mộ. Và một thủ đô đang phát triển năng động hôm nay khiến người ta ngỡ ngàng, vui thích. Ấy là khi xe Lexus, Mercedes… lăn bánh trên đường bên cạnh những tuk tuk, xích lô và cả... xe bò! Khoảng cách giàu nghèo bị kéo rộng thể hiện từ mọi ngóc ngách cuộc sống. Nagaworld, khách sạn 5 sao đẳng cấp nhất của Phnom Penh, cứ tối đến có cả hàng dài xe ô tô xịn nối nhau xếp hàng dưới sảnh. Những đại gia cùng người đẹp có tiếng nhất xứ Căm thường tụ hội ở club hay sòng bài của khách sạn này. Khách nghỉ lại phải đặt chỗ trước từ rất lâu, bởi khách sạn hầu như không có phòng trống. Nhưng ngay bên ngoài sảnh khách sạn là những chiếc xe xích lô, xe tuk tuk. Người dân nhọc nhằn kiếm sống, nhưng vẫn đầy lạc quan khi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác nữa!
Không chỉ “cất giữ” trong mình những địa chỉ thú vị, Phnom Penh còn là cửa ngõ mở ra vương quốc Campuchia huyền bí.
Nếu bạn hoài cổ, bạn sẽ không thể bỏ qua Hoàng Cung, Chùa Bạc, Bảo tàng quốc gia hay Wat Phnom. Dấu ấn vàng son thịnh trị hiển hiện rõ, từ không gian kiến trúc đến sự trang nghiêm cổ kính. Nhưng cũng có một sức hấp dẫn khác đến từ cố đô Oudong, các phế tích thời kỳ Angkor ở Phnom Chisor, Phnom Da… Sự tương phản vàng son – phế tích dường như tồn tại suốt chiều dài lịch sử.
Nhưng nếu chưa đến Bảo tàng tội ác diệt chủng Toul Sleng và Cánh đồng chết, cũng có thể nói bạn chưa đến Phnom Penh. Một người bạn của tôi sau khi tận mắt thấy lại một khúc lịch sử bi thương ấy đã thốt lên, đến đây rồi mới thấy giá trị của cuộc sống bình yên. Cuộc sống bên trong và bên ngoài cánh cửa khu bảo tàng tạo nên những cảm xúc đối ngược mãnh liệt.
Khép lại nỗi đau, giờ đây, Phnom Penh đang rạo rực sức sống mới và trở thành “điểm đến”, không chỉ để cảm nhận mà còn trải nghiệm.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com