Ba đời sưu tầm
Với ý niệm “Nam nhi bất ly đao kiếm”, chuyện gươm - kiếm được các thế hệ trước đây vô cùng coi trọng. Có thanh kiếm chỉ cần nhìn vào đó người ta đã thấy được uy quyền của kiếm cũng như chủ nhân của nó. Ở Việt Nam, ông Dương Phú Hiến là một trong những người sưu tập được nhiều báu kiếm nhất, trong hơn 300 thanh kiếm mà ông Dương Phú Hiến sở hữu, có khoảng hơn 100 chiếc được cho là “báu kiếm”. Đây là những thanh kiếm ông Hiến đã bỏ ra hơn 40 năm của cuộc đời để sưu tầm.
Trong bộ sưu tập kiếm - gươm mà ông Hiến sở hữu, những chiếc có minh văn được ông cho là có giá trị hơn cả, vì nó giúp xác định gần như chính xác về người sử dụng cũng như thời gian làm ra cây kiếm. Ví như cây kiếm có chạm dòng chữ “Tề gia trị quốc bình thiên hạ” thời kỳ Lê Trung Hưng thì chắc chắn chỉ có thể là cây kiếm của một vị vua. Hay thanh gươm do Nữ hoàng Anh tặng cho Thống đốc Hồng Kông trong thời kỳ chiến tranh nha phiến có khắc hàng chữ “1857 – Elizabet II”....Với những chiếc kiếm như thế, thông thường ông Hiến sẽ phải mua lại với giá đắt nhiều lần so với những chiếc kiếm thông thường.
Trong bộ sưu tập kiếm của ông Hiến có một thanh trường kiếm được xếp vào diện “hàng khủng”. Đây là một thanh kiếm dòng Samurai của Nhật Bản. Cây kiếm này dài tới gần 2m và nặng hơn 10kg, lưỡi sắc và sáng loáng. Trường kiếm như vậy thường hiếm hoi bởi kỹ thuật luyện thép cho những cây kiếm dài như thế thường vô cùng khó khăn (kiếm thông thường chỉ có độ dài chừng 1m và nặng vài kg).
Ngoài ra, bộ sưu tập này còn có 2 đôi song trùng kiếm được xem là cực kỳ quý hiếm. “Song trùng kiếm” có nghĩa là 2 chiếc kiếm giống hệt nhau, tương đồng từng hoạ tiết, từng hoa văn trên thân kiếm, vỏ kiếm.... Đây được xem là một cây đực, 1 cây cái và thường được các dòng họ vương triều sưu tập. Trong 2 đôi này, có một đôi đề rõ con số “1890”. Hay cây đoản kiếm có chuôi bằng vàng ròng cũng là một cây kiếm hiếm thấy trong thiên hạ.
Ông Hiến cho biết, những cây kiếm cổ nhất trong bộ sưu tập này là những cây kiếm Chăm có niên đại khoảng 1500 năm và cây kiếm “trẻ” nhất là thời kỳ đầu thế kỷ XX của Nhật Bản. ông Hiến tiếp nối việc sưu tập kiếm từ thời ông nội, hễ nghe nói ở đâu có kiếm quý là ông tìm đến để mua bằng được. Có năm may mắn ông mua được vài ba chiếc, cũng có năm ông không thể sưu tập được chiếc nào. Việc sưu tập kiếm ngày càng khó khăn và khoảng 10 năm gần đây, ông Hiến hoàn toàn không mua được thêm cây kiếm nào nữa. Chính vì thế, cây kiếm nào cũng được ông nâng niu, giữ gìn cẩn thận.
Mỗi cây kiếm trong bộ sưu tập của ông Hiến có một nét đặc sắc khác nhau. Có cây được cẩn vàng, có cây được dát bạc, có cây lại mang hoa văn tạc trên nền đồng, khảm trai... tạo nên một bộ kiếm cực kỳ đặc sắc với muôn màu vẻ. Tuy nhiên, với ông Hiến thì những cây kiếm có cẩn nhiều vàng, bạc chưa hẳn là những cây kiếm quý, vì giá trị lớn hơn chính là yếu tố thời gian và lịch sử. Các cây kiếm này khó có thể tính được giá trị bằng tiền, và bản thân ông Hiến cũng không có ý định bán những báu vật mà gia đình mất nhiều năm sưu tập này.
Kỹ thuật luyện kiếm và dụng kiếm
Kỹ thuật luyện kiếm bậc nhất thuộc về người Trung Quốc. Ngay từ thời Thương – Chu cách đây mấy ngàn năm, kỹ thuật này đã xuất hiện. Vào thời kỳ này, thép đã được tinh luyện ở trình độ cao kết hợp với promangan nên lưỡi kiếm cứng hơn. Cho đến tận thế kỷ XIV, thuật bí truyền về luyện kiếm mới xuất hiện ở Nhật Bản. Và sau này, chính người Nhật đã phát huy được kỹ thuật luyện kiếm gắn liền với sự phát triển của dòng võ Samurai. Còn các nước phương Tây thì phải đến khoảng thế kỷ XVI – XVII kỹ thuật luyện kiếm mới bắt đầu xuất hiện khi một người Anh gốc Pháp sang Trung Quốc học những bí quyết rèn kiếm.
Tại Việt Nam, kỹ thuật rèn kiếm đã có từ lâu đời. Sử sách và truyền thuyết còn lưu lại những câu chuyện về vai trò của cây kiếm trong quá trình cha ông ta dựng nước và giữ nước, trong đó nổi bật là cây thanh gươm của vua Lê Lợi. Xa hơn nữa, các truyền thuyết từ thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu đều cho thấy người Việt cổ đã sử dụng gươm kiếm để chống lại quân xâm lược.
Theo ông Hiến, việc dụng kiếm rất khó. Kiếm, gươm là những vũ khí lạnh gây sát thương nên người sử dụng phải biết dùng cho đúng chỗ, đúng lúc. Với những người có tâm thì việc sử dụng kiếm được cân nhắc kỹ càng để ít có cảnh máu chảy, đầu rơi. Tuy nhiên, nếu kiếm rơi vào tay những người nóng nảy, vội vàng hay tâm đồ xấu thì kiếm sẽ mang nhiều sát khí.
|
(Theo TTVH/AnGiang)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com