Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34 ha, gồm các hòn nằm liền nhau là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá. Trên các hòn có một số đỉnh đồi cây cối chen vào các hốc đá, mọc um tùm.
Quanh hòn, hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau với nhiều hình thù kỳ lạ như những bàn tay, bàn chân Tiên, giếng Tiên, sân Tiên.
Cụm tượng đài chiến thắng của lực lượng an ninh Việt Nam CM12, trên Hòn Đá Bạc.Ảnh: THANH QUANG |
Không chỉ có vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên mà còn là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân xứ biển với lăng thờ cá Ông ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển khơi. Hiện nay, trên đỉnh đồi có một ngôi đền thờ cá Ông với bộ xương cá dài khoảng 12 m.
Với vị trí như chốt tiền tiêu ven biển phía Tây của tỉnh, Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp hoang sơ còn có giá trị lịch sử văn hóa quan trọng. Nơi đây, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn làm nơi đóng quân của trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây cũng như tuyến ven biển phía Tây Cà Mau.
Ngày 7/12/1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã tấn công, bức rút trung đội pháo này, giải phóng Hòn Đá Bạc, đồng thời bảo đảm an toàn tuyến ven biển của vùng căn cứ cách mạng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước âm mưu lật đổ chế độ XHCN. Chúng đã thành lập "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Tổ chức phản động này đã chọn Hòn Đá Bạc và vùng phụ cận làm điểm nhập biên chở vũ khí, tiền Việt Nam giả và lực lượng xâm nhập vào vùng biển Cà Mau.
Nhưng âm mưu ảo vọng lật đổ chính quyền cách mạng của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh đã bị tiêu diệt bằng Kế hoạch CM12.
Hơn 3 năm đấu tranh Chuyên án CM12 (1981-1984), An ninh Việt Nam (K4/2) đã lập kỳ tích: Đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 2 tàu vận tải; phá 10 tổ chức phản động, cuộc nhập biên phá hoại cuả bọn lưu vong do tên Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Thắng lợi này đã làm thất bại âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động. Lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam cùng đảng bộ và nhân dân địa phương đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, lập nên những chiến công to lớn trên mặt trận thầm lặng, đập tan ý đồ xâm lược của bọn phản động, giữ gìn sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Với những ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích: Hòn Đá Bạc - trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1981-9/9/1984) là di tích lịch sử quốc gia.
Theo kế hoạch, ngày 8/7/2009, Bộ Công an và tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ công bố quyết định và khởi công xây dựng Tượng đài chiến thắng, Nhà truyền thống tại khu di tích./.
(Theo Khánh Hưng // Cà Mau Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com