Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghề đá truyền thống xứ Thanh

Nghề đá truyền thống xứ Thanh chủ yếu quy tụ ở làng Nhồi, nơi hiện vẫn còn ba di tích - Chùa Tiên Sơn, Chùa Quan Lão và Nghè Quận Mãn. Nhiều tác phẩm điêu khắc đá ở các di tích này đã nói lên sự tài hoa của những bàn tay người thợ.

 

Ðá núi Nhồi (còn gọi là núi An Hoạch) từ xưa đã nổi tiếng. Sách "Vân đài loại ngữ" của Lê Quý Ðôn ghi "Quan thượng thư Lê Hữu Kiểu khi làm trấn thủ Thanh Hóa sai người đến lấy đá đẽo thành khánh hình con cá, rồi làm bài minh khắc vào khánh rằng:
 

 "Hoạch Sơn loại đá kêu vang
Sắc xanh màu biếc mịn màng đẹp tươi
Gõ lên sang sảng bên tai
Tuyệt nhiên không chút trần ai lạc vần
Mới hay sản quý vô ngần...".

 

Ðá núi Nhồi theo các nhà địa lý, địa chất hàm lượng can-xi nhiều, chiếm từ 80 - 95% nên có độ nguyên khối lớn và ít bị ăn mòn. Ngày nay, khi thăm các kiến trúc như thành nhà Hồ, Lam Kinh, một số di tích lịch sử văn hóa ở Hà Nội, cố đô Huế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thờ đá Phát Diệm, và gần đây khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, rồi tượng đài Lê Lợi ở Thành phố Thanh Hóa... Đó là những công trình vĩnh cửu còn tồn tại mãi với thời gian, ta đều thấy có đá núi Nhồi và cái hồn của nghề đá xứ Thanh.

 

Cách đây chưa lâu, trong một cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống toàn quốc, một số mặt hàng đá mỹ nghệ làng Nhồi vẫn còn đạt các giải cao. Nhưng chỉ sau đó vài năm, làng Nhồi chỉ còn lại vài gia đình bấu víu lấy nghề này.

 

Xã Ninh Vân tỉnh Ninh Bình hiểu thêm về nghề này. Ba trăm năm trước, Ninh Vân chưa có nghề chạm khắc đá. Từ khi mời Hoàng Sùng làng Nhồi ra dạy nghề, Ninh Vân đã trở thành một làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng. Hậu duệ ông Hoàng Sùng sau này có người đã tham gia xây dựng Lăng Khải Ðịnh (Huế), nhà thờ đá Phát Diệm, ba thợ đá giỏi nhất xã đã có vinh dự tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay ở Ninh Vân, 80% số hộ trong xã vẫn còn duy trì được nghề sản xuất đá mỹ nghệ. Nhiều gia đình giàu lên thành triệu phú, tỷ phú. Ðiều muốn nói thêm, nguyên liệu cho nghề này ở Ninh Vân phần nhiều vẫn là đá Thanh Hóa, trong đó có cả đá núi Nhồi.

 

Sự phục hưng rõ nét của nghề đá mỹ nghệ xứ Thanh đầu tiên phải nói đến những mảng không gian đá độc đáo trong tổng thể kiến trúc nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Thành phố Thanh Hóa. Cổng nhà tưởng niệm được ốp lát một cách tinh xảo bằng đá granite. Tiếp đến là bức bình phong gồm một phiến đá granite vàng cỡ lớn được trang trí đẹp mắt, dựng trên một khối đá Nhồi bề thế. Ðặc biệt hai đôi rồng lớn chạm khắc tinh vi bằng đá Nhồi nguyên khối đặt trước cổng hai bên bậc lên xuống, đã thể hiện được chiều sâu của văn hóa đá mà ngày nay cái hồn của nó vẫn còn lưu giữ được ở thành nhà Hồ, Lam Kinh và nhiều di tích văn hóa lịch sử khác ở Thanh Hóa.

 

Ở Thanh Hóa nhiều tác phẩm điêu khắc đá còn sót lại có thể được coi là một bảo tàng đá, không những ghi đậm dấu ấn lịch sử dân tộc mà còn là những tượng đài tôn vinh nghề đá xứ Thanh. Có thể trong một tương lai gần, Thanh Hóa sẽ tìm lại được chỗ đứng cho nghề đá mỹ nghệ.

 

 

(Nguồn: Nhân Dân)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Làng nghề truyền thống Quán Hương, Quảng Nam
  • Cách chọn và sử dụng rượu cho bữa tiệc ngày Tết
  • Sen Tây Hồ - một góc quyến rũ Hà Nội
  • Nghề dệt chiếu làng Hới
  • Tiệc Tết của người Bắc Mỹ
  • Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh
  • Quà bánh trong ẩm thực Việt Nam
  • Làng nghề lu Hòa Lợi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com