Chiều phố núi mùa này bắt đầu se lạnh, sương mù bủa vây khiến từng mái nhà đã kịp nhuốm màu bàng bạc khói. Thiếu tiếng động cơ ồn ĩ như dưới xuôi, vắng lặng bao trùm tưởng chừng nghe rõ tiếng rủ rỉ của đôi trai gái đã lướt qua mà thanh âm còn vương vất. Tiếng mõ trâu như xa như gần đập vào vách núi vẳng lại, chơi vơi…
Từ Quản Bạ qua Yên Minh lên Mèo Vạc, Đồng Văn chỉ có núi đá xám ngoét một màu ngút tầm mắt, và tôi gọi đây là “thiên đường màu xám”.
Bà con các dân tộc thiểu số H’Mông, Dao, Giáy, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo… bao đời chỉ biết sống dựa vào đá. Đá làm thành những bờ rào bảo vệ vững chãi hay khuông hứng nước mưa giữa sườn dốc chênh vênh và ngô cũng vươn mình lên từ khe đá mà cho bắp…
Ai không quen đường sẽ chẳng thể trụ nổi qua 154 km cung đường ngoằn ngoèo, cua đèo gấp khúc hiểm trở mà một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm từ thị xã Hà Giang lên đến trung tâm huyện Đồng Văn.
Mã Pì Lèng – nơi có điểm cao gần 2.000 mét so mặt nước biển, nối giữa Mèo Vạc với Đồng Văn. Đứng trên đó phóng tầm mắt mới cảm nhận rõ sự hùng vĩ của thiên nhiên với những mảng màu mà nhiều tay săn ảnh thèm thuồng.
Kia là ánh sáng trắng của mây được mặt trời phản chiếu, là xanh ngắt của trời, xanh thẫm của rừng và mảng vàng của quả núi trọc trơ sọ. Và kia nữa, dòng Nho Quế khi vào lũ cũng đỏ ngầu táo tợn và hung hăng, đến mùa khô lại vắt mình lơi lả qua bao sườn núi... Từng mảng màu phân lớp trong một cái chớp hình.
Có gia đình người Mông treo mình cả ngày trên sườn dốc thẳng đứng xới cỏ, làm rẫy… Bé gái xíu xiu vùi đôi chân nhỏ thó xuống đất làm trụ cũng cầm cuốc, lia quắm như ai. Cậu thanh niên chừng như anh cô bé đứng liền đó giải thích "Người Mông không biết ngã đâu".
Hỏi ra thì cậu trai ấy năm nay 18, vẫn còn học nội trú dưới huyện, đã kịp lấy một cô vợ, cái cô đang bẽn lẽn ngồi cạnh nhìn chồng kể chuyện, thi thoảng lại mủm mỉm cười kia kìa.
Cậu chàng thật hay, kiên quyết không ngủ chung giường với cô vợ trẻ mới 15, chỉ vì nghe lời cô giáo cắm bản: "Chưa 20 tuổi thì không được ngủ với con gái". Cái cậu chàng quả là “tài tình”, cũng vì được đi học thành ra “tân tiến”. Cậu chàng nói tôi tin, vì “Người Mông không nói dối” bao giờ.
Sau cả chặng đường gian nan rồi cũng đến được khu phố cổ Đồng Văn, nơi có chợ ẩm thực đêm rằm hằng tháng, rực ánh đèn lồng đỏ treo cao, những bước váy theo chân thiếu nữ xập xòe, từng ché rượu vơi, vơi dần, cạn...
Chợ Đồng Văn chỉ họp vào chủ nhật hàng tuần với những lớp ngói ống sẫm màu thời gian, từng góc bếp đen kịt, những mảng tường hoen ố sự già nua. Vài vạt nắng chiều rực lên, xiên vào mấy góc u tối khu chợ làm bừng lên cái lặng thinh của chiều buồn phố núi.
Đến ngày chợ phiên, bà con xuống chợ trung tâm tranh thủ làm bát mì, bát bún hay bát cơm chan nước hầm xương... vì ngày thường chỉ có mèn mén làm no cái bụng. Một góc kia, có chị gái người H’Mông cắm mặt vào điếu cày hút sòng sọc, nhả một hơi điệu nghệ, ngửa mặt lên trời... phê thuốc.
Người dân vùng cao Hà Giang tuy nghèo nhưng kiến trúc vẫn tạo được dấu ấn riêng, đặc sắc nhất phải kể đến những bờ rào đá. Người dân quanh năm sống giữa núi rừng, phương tiện vận chuyển chủ yếu là sức người, nhà nào giàu có may chăng thêm chú ngựa thồ. Lầm lũi như kiến tha lâu đầy tổ, rồi vách rào cũng đầy dần và kín dần thành một vòng tròn bao quanh.
Đường lên đỉnh Lũng Cú - cực Bắc của Tổ quốc tuy hiểm trở nhưng đẹp và lãng mạn, bởi con người được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, trong lành. Những hàng sa mộc hiên ngang giương thẳng chống trời, kháo nhặm vào mùa bông trắng từng chùm trễ nải chạy miết sườn núi...
Cột cờ Lũng Cú kia, trang nghiêm và kiêu hùng, phía dưới chân có hai cái ao đối xứng nhau không bao giờ cạn nước, nhìn từ trên cao giống như hai mắt rồng.
Đường đèo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vậy mà những đứa trẻ vẫn vô tư nô đùa. Tôi cứ thắc thỏm sợ, ngộ nhỡ chúng trượt chân. Chúng cứ hồn nhiên như thế, đứa vài tuổi cõng đứa vài tháng đầu ngoặt ngoẹo, chân trần lội đá, bìu díu nhau…/.