Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chợ bò vùng cao

Chợ bò Nghiên Loan ở huyện Pác Nặm đã hình thành từ vài chục năm trước, đến nay trở thành nơi buôn bán trâu, bò lớn nhất tỉnh Bắc Cạn. Chung quanh hoạt động của chợ bò đã góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống thông qua các dịch vụ ăn theo như cửa hàng ăn uống, trồng cỏ, nuôi trâu bò vỗ béo, nghỉ trọ...

Những lái buôn thật thà

Chợ bò Nghiên Loan diễn ra năm ngày một phiên, vào các ngày ba và tám âm lịch, nhưng thường ngay từ chiều hôm trước đã trở nên tấp nập. Người có gia súc, buôn bán từ nhiều nơi trong tỉnh Bắc Cạn chở trâu, bò bằng ô-tô đến chợ để bán, người mua từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hà Nội cũng tụ tập về đây. Người dân địa phương mở quán ăn phục vụ nhu cầu của con người, bán cỏ cho gia súc, những gia đình gần chợ thì chuẩn bị giường chiếu phục vụ những người có nhu cầu nghỉ ngơi ở xa đến. Còn tổ quản lý chợ có sáu người thì gia cố lại các cọc buộc gia súc cho chắc chắn.

Ông Lý Văn Tu, người dân tộc Mông ở thôn Phia Ðeng, đã sáu mươi tuổi, những năm trước là người thường xuyên có trâu, bò mang xuống chợ bán, mấy năm nay ông là Tổ trưởng Tổ quản lý chợ. Ông Tu cho biết: Những năm ông còn là thanh niên thì đã thấy các hoạt động mua, bán trâu, bò tại đây. Chợ được hình thành bởi nhu cầu mua, bán trâu, bò phục vụ sản xuất và nhu cầu gặp gỡ, giao lưu của đồng bào Mông, Dao ở địa phương. Những năm trước, ngoài việc mua bán trâu, bò, chợ còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của các dân tộc thiểu số, đó là nơi hẹn hò của các cặp nam nữ, người đi chợ còn được thưởng thức tiếng khèn, tiếng sáo, kèn lá của đồng bào Mông, Dao. Vào mùa đông, đêm hôm trước nhân dân thường đốt lửa, quây quần nhau uống rượu cho đến sáng. Nhưng đến nay, những hoạt động mang đậm bản sắc đó đã không còn.

Thào Văn Ngào, dân tộc Mông, ở thôn Tả Than, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Ðồn làm nghề buôn trâu, bò từ nhiều năm nay, phiên chợ nào anh cũng thuê xe tải chở từ năm đến sáu con trâu, bò về chợ Nghiên Loan bán. Phiên chợ đầu tiên của năm Canh Dần, từ chiều hôm trước, Thào Văn Ngào thuê xe ô-tô chở năm con bò và hai con trâu đến chợ bán, vừa đến nơi đã có mấy người buôn gia súc chuyên nghiệp từ các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội hỏi mua, họ trả giá con trâu 17 triệu đồng, con bò to nhất giá 15 triệu đồng mà Thào Văn Ngào vẫn không bán, vì cho rằng để đến sáng mai bán sẽ được giá cao hơn. Nhưng có nhiều "thương vụ" được giao dịch thành công ngay trong buổi chiều hôm ấy. Hoàng Văn Páo cũng là một lái buôn trẻ người Mông đến từ xã Xuân Lạc mua ba con trâu và một con bò ở xã Cao Thượng (huyện Ba Bể) lùa về chợ Nghiên Loan bán, ngay chiều và tối hôm đó Páo đã bán được hai con trâu, một con bò, được lãi gần ba triệu đồng. Hoàng Văn Páo thật thà chỉ vào con trâu nói với anh Nguyễn Ðức Minh (ở thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là người buôn gia súc chuyên nghiệp, thường xuyên mua gia súc ở chợ bò Nghiên Loan): "Tao mua con này 15 triệu đồng trên Cao Thượng, mày mua tao bán 15 triệu 8 trăm nghìn đồng". Sau khi xem trước ngó sau, đo chiều dài, vòng ngực, vòng cổ kỹ càng, biết là giá con bò này nếu chở về là có lãi, nên anh Minh đồng ý mua ngay. Thắc mắc sao cuộc mua - bán diễn ra nhanh thế, anh Minh tâm sự: Phải giá đó "nó" mới bán, người dân tộc thật thà, bảo một là một, hai là hai, không mặc cả nhiều, mình không mua giá đó họ sẵn sàng dắt về, phiên sau lại mang ra bán.

Về đêm chợ bò trở nên sôi động vì số trâu, bò được đưa đến nhiều hơn, thương lái ở nhiều nơi đến mua gia súc đông hơn và rất nhiều vụ mua, bán đã diễn ra ngay trong đêm. "Trâu, bò được bán ở chợ này có giá rẻ hơn ở nhiều nơi khác, thường "được" thịt, số lượng bán mỗi phiên nhiều nên rất dễ mua" - anh Minh nhận xét. Những người buôn bán gia súc đến từ các tỉnh miền xuôi như anh Minh mỗi phiên thường mua từ 15 đến 17 con, đủ một xe ô-tô vận chuyển về bán cho các lò mổ chuyên nghiệp.

Chợ bò Nghiên Loan được chia thành hai khu, một khu chuyên bán trâu và một khu chuyên bán bò. Người dân địa phương có nhu cầu bán gia súc để chi tiêu, sắm sửa đồ đạc trong gia đình hoặc nuôi con ăn học. Nhưng cũng có nhiều thương lái chuyên nghiệp như Thào Văn Ngào, Hoàng Văn Páo thường len lỏi vào các làng, bản xa xôi hẻo lánh trong tỉnh, có khi họ còn mua trâu, bò từ các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang vận chuyển về chợ Nghiên Loan bán kiếm lãi. Người mua trâu, bò chủ yếu đến từ các tỉnh miền xuôi, về bán cho các lò mổ chuyên nghiệp.

Việc mua bán trâu, bò ở đây diễn ra rất nhanh, sau khi loanh quanh xem xét vài phút, người mua hỏi con này bao nhiêu, người bán phát giá, hai bên thỏa thuận chỉ một, hai lần, thậm chí giá người bán và người mua cộng lại chia đôi là giao dịch đã thành công, kết thúc bằng cái bắt tay thân thiện, thể hiện bản tính của người Mông, Dao chăn nuôi, buôn bán trâu, bò ở vùng cao. Ông Lý Văn Tu cho biết thêm: Mỗi phiên thường có khoảng từ 400 đến 600 con trâu, bò được đưa đến bán, trong đó bán hết khoảng hai phần ba số lượng nêu trên.

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ chợ bò

Phó Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan Nông Ðức Tùng cho biết: Những năm gần đây, chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, tiềm năng thế mạnh chăn nuôi của tỉnh ngày càng được khai thác có hiệu quả vì gia súc trở thành hàng hóa có giá trị nên quy mô của chợ càng được mở rộng, người mua, người bán ngày càng đông đúc.

Ðồng bào Mông, Dao ở Nghiên Loan và cả huyện Pác Nặm khá nhạy bén với cơ chế thị trường. Chỉ tính riêng xã Nghiên Loan có 1.017 hộ thì đến nay có hơn 100 hộ chuyên vỗ béo trâu, bò. Họ thường mua những con trâu, bò gầy ở chợ về nuôi ba, bốn tháng thì bán, lãi từ hai đến ba triệu đồng/con. Ðồng thời, chợ bò còn là nơi nhân dân địa phương chọn giống, họ bán những con nhỏ, mua những con có tầm vóc to, cao về nuôi, làm giống, vì vậy chợ bò đã góp phần kích thích phát triển chăn nuôi, nâng cao tầm vóc đàn gia súc ở Pác Nặm.

Chợ bò độc đáo này đã kéo theo nhiều dịch vụ "ăn theo" mang lại thu nhập khá cho nhân dân địa phương. Anh Lý Phụ Sinh ở thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan năm nào cũng trồng ngô, cỏ voi, buổi chiều hôm trước diễn ra phiên chợ bò cả gia đình cắt ngô, cỏ mang ra bán cho trâu, bò ăn đêm. Từ bán lá ngô, gia đình anh Sinh thường xuyên có thu nhập. Phần lớn các gia đình tại thôn Pác Liển đều trồng cỏ voi, trồng ngô bán tại chợ bò. Ngay tại chợ có nhiều căn nhà cấp bốn, thậm chí có cả nhà tầng được dựng lên để cho người mua, bán trâu, bò trọ qua đêm. Gia đình anh Ðặng Văn Nhất xây căn nhà ba tầng cho thuê trọ với giá rẻ... bất ngờ, chỉ với 10 - 15 nghìn đồng/người/đêm. Với những con trâu, bò chưa bán được, nhà ở xa nên chủ không dắt về mà thường gửi những gia đình ở các thôn Pác Liển, Bản Ðính gần chợ nuôi thuê với giá 10 nghìn đồng/con/ngày để phiên sau lại dắt ra bán. Không biết từ bao giờ, tại đây hình thành "đội ngũ" chuyên dắt bò thuê cho những thương lái từ chợ ra đường để đưa lên ô-tô chở đi với giá năm nghìn đồng/con.

Chợ bò Nghiên Loan không những góp phần kích thích phát triển chăn nuôi ở địa phương mà còn giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo từ những dịch vụ đó. Tuy nhiên, do trâu, bò với số lượng lớn từ rất nhiều nơi đưa về bán nên chợ bò ngày càng trở nên chật hẹp, cảnh gia súc và người mua, người bán chen chúc nhau tràn ra cả đường gây cản trở giao thông của nhân dân. Bên cạnh đó, phần lớn số trâu, bò đưa từ các vùng lân cận, đặc biệt là trâu, bò ở ngoài tỉnh vận chuyển đến bán không được kiểm dịch, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc địa phương là rất lớn. Ðây là hai vấn đề đặt ra đối với ngành chức năng và các cấp chính quyền tỉnh Bắc Cạn cần giải quyết để chợ bò Nghiên Loan góp phần tích cực phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc thiểu số ở địa phương.

(Theo THẾ BÌNH // Báo Nhân dân)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Mơ màng Thung lũng Khoang Xanh
  • Xuân về trên đảo Bạch Long Vỹ
  • Mai anh đào 'nhuộm' hồng Đà Lạt
  • Lễ hội Gầu Tào ở vùng cao Si Ma Cai
  • Thầy, trò và con hổ
  • Lễ tiễn người dương gian về “Mường Trời”
  • Phóng sự ảnh: Vén mây trẩy hội Gầu Tào
  • Phóng sự ảnh: Đầu năm đi hội chùa Bà
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com