Sinh viên Việt Nam bên cạnh tượng con bò trên phố Wall, New York. Ảnh: Trần Ngọc Châu. |
Chào năm Con cọp, lại nói về con hổ …
Thầy và trò Bốn sinh viên kinh tế chiến thắng trong một cuộc thi toàn quốc gọi là Dynamics ròng rã một năm để nhận phần thưởng đi đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, gặp các giáo sư kinh tế kỳ cựu đang nghiên cứu về Việt Nam, để thuyết phục họ tin rằng nền kinh tế Việt Nam, mặc dù suy thoái, sẽ nhanh chóng phục hồi cùng giấc mơ “con hổ…”. Trần Thu Trang, sinh viên trường Đại học Tin học và Ngoại ngữ (Huflit), bắt đầu bài thuyết trình về “khủng hoảng kinh tế Việt Nam” rằng nền kinh tế Việt Nam luôn thể hiện tính mềm dẻo, chịu đựng trước bất cứ cuộc khủng hoảng nào. Nó đủ sức tồn tại để phát triển khi cơn bão tài chính đi qua. Những âm thanh cuồng nộ của những cuộc phá sản lớn sẽ không nghe thấy bên trong nền kinh tế 100 tỉ đô la. Thầy Stanley D. Nollen, Giáo sư kinh tế đã bước qua tuổi 70, đồng Giám đốc chương trình “Kinh nghiệm toàn cầu tại Việt Nam” của trường Đại học Georgetown lâu đời nhất nước Mỹ, bình luận sau bài thuyết trình của Trang rằng hầu như tất cả các số liệu mà em dùng đều chưa khớp với số liệu mà ông có về nền kinh tế Việt Nam. “Số liệu của chúng tôi, từ các cơ quan nghiên cứu quốc tế, hơi tệ hơn một chút”, thầy Nollen nói. Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng Việt Nam sẽ là một nơi mà các nhà đầu tư thế giới muốn đến. Trong khi đó, thầy Thomas B. Cooke, người đã có sáu năm gắn bó với chương trình “Kinh nghiệm toàn cầu tại Việt Nam” do trường Đại học Georgetown tài trợ, nói rằng hơn 60% sinh viên MBA của ông lựa chọn Việt Nam trong chương trình nghiên cứu thực tế bốn tháng ở nước ngoài. Hầu hết những sinh viên này đều là những nhà kinh doanh với ít nhất hai năm kinh nghiệm thương trường và ước mơ của họ là chọn nơi đầu tư thích hợp trong tương lai. “Cách đây một năm, hầu như chúng tôi phải thuyết phục rất nhiều để họ đến Việt Nam, còn bây giờ họ phải giành chỗ”, thầy Cooke nói thêm. Bài thuyết trình của các sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Georgetown xoay quanh câu hỏi: Liệu nền kinh tế Việt Nam - vốn đang theo đuổi một nền “kinh tế tri thức” - có nhanh chóng vượt qua khủng hoảng? Các bạn trẻ phân tích như các thầy Việt Nam hướng dẫn và thật ra không có gì mới. Các bạn nói rất nhiều về thành tựu kinh tế, nhưng các thầy Mỹ dường như không chú ý lắm. Họ chỉ quan tâm đặc biệt đến thành phần dân số trẻ và sự an toàn. Năm 2000, trong lần đầu tiên đến Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng ca ngợi dân số trẻ. Tất cả các lãnh đạo thế giới gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam đều ca ngợi như thế. Các doanh nhân nước ngoài làm ăn tại Việt Nam có thể khác nhau về nhiều chuyện, nhưng đều có niềm hy vọng giống nhau: dân số Việt Nam trẻ. “Ít nhất 20-30 năm nữa, dân số chính của Việt Nam vẫn trẻ và đó là tiềm năng để Việt Nam trở thành một con hổ kinh tế”, Indra Nooyi, Chủ tịch của PepsiCo, người phụ nữ kinh doanh số 1 thế giới (bình chọn bốn năm liền của hai tạp chí Forbes và Fortune), nói với chúng tôi tại một cuộc gặp hiếm hoi mà bà dành riêng trong thời biểu dày đặc cuối năm. Là nhà báo có mặt tại cuộc gặp đó, chúng tôi tin rằng người phụ nữ gốc Ấn Độ này không nói theo ngôn ngữ ngoại giao. Việt Nam, nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á và 70% dân số dưới 30 tuổi. Còn gì đáng mơ ước trong một thế giới ngày càng trở nên già nua trước nỗi sợ hãi trách nhiệm làm người? Con hổ có họcGS. Stanley D. Nollen đang bình luận bài thuyết trình về kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trần Ngọc Châu.
Hãy nhớ những gì Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế khi đến thăm Việt Nam vào giữa năm 2009, đã nói: “Không phải ai rơi tới đáy thì cũng nhảy vọt lên. Có khi rơi xuống đáy và nằm yên đó. Tốt nhất hãy tiếp tục khôn ngoan, hy vọng và chờ đợi”. Cuối cùng, nhà kinh tế Nobel cũng có một lý do khích lệ: Việt Nam có thể là nền kinh tế mới nổi, nhưng quý vị phải nghiêm túc về giáo dục. Chìa khóa tương lai không phải kiến thức thì là gì?
Tiến sĩ Udo Loersch, Tổng giám đốc Mercedes Benz Việt Nam, cho rằng thanh niên Việt Nam một mặt rất ham học và muốn thăng tiến nhanh, nhưng mặt khác hệ thống giáo dục tại Việt Nam chưa được tiêu chuẩn hóa. “Thật tội nghiệp cho các bạn. Đôi khi phải đi học ban đêm, nhưng không biết học rồi có sử dụng được không”, ông nói với chúng tôi. “Ở Đức, khi tôi tuyển một thư ký, người ta mang bằng đến, và tôi biết ngay họ có thể làm gì. Ở Việt Nam, họ cũng mang bằng cấp đến, nhưng tôi không biết họ có thể làm gì”. Đứng trước rừng cờ ở trụ sở Liên hiệp quốc, New York, thầy Sử Đình Thành, Trưởng khoa Tài chính công trường Đại học Kinh tế TPHCM, hỏi các học trò: “Cờ Việt Nam ở đâu”? Hình như ông hơi thất vọng khi không thấy lá cờ nằm ngay cửa chính. Rồi thầy và trò dẫn nhau đi tìm và cuối cùng cũng nhận thấy “Việt Nam”. Nhưng thầy lại hỏi trò: “Các em biết hết tất cả các lá cờ chung quanh cờ Việt Nam là của nước nào không”? Trò suy nghĩ một hồi rồi thú nhận với thầy là không biết hết. “Cờ của ai vậy thầy”? Thầy cũng không thể trả lời. Con hổ cũng cần phải học để biết cả cánh rừng, huống chi đó là một cánh rừng già. Quyền quyết định Khi vào bên trong trụ sở Liên hiệp quốc, cả thầy và trò đều nhận thấy trong cái thế giới mênh mông đó, giờ đây Việt Nam không còn “cô đơn” nữa. Sinh viên Nguyễn Văn Phúc, Đại học Kinh tế TPHCM, rất tự hào thấy những lá cờ đỏ sao vàng bày bán tại cửa hàng lưu niệm dưới tầng hầm trụ sở Liên hiệp quốc. Anh săm soi rất lâu và quyết định mua vài cái làm kỷ niệm. Sinh viên Mai Thị Hồng, Đại học Ngoại thương Hà Nội, người đoạt giải nhất cuộc thi Dynamics, trả lời câu hỏi của chúng tôi ngay tại giảng đường Hariri của trường Kinh doanh McDougnald, rằng cô tin Việt Nam sẽ nổi lên một cách bền vững sau cuộc khủng hoảng lần này. “Nếu so trong vùng Đông Nam Á thì quả thật kinh tế Việt Nam sẽ hứa hẹn”, Hồng nói. “Nhưng thưa thầy, hứa hẹn cũng chỉ là hứa hẹn. Có hành động mới biến giấc mơ thành hiện thực”. Khi trả lời câu hỏi của Giáo sư Nollen làm sao tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, Mai Thị Hồng lại cho rằng cổ phần hóa các xí nghiệp quốc doanh là một trong những giải pháp. “Nhà kinh tế” tương lai cho rằng trong khi tái cấu trúc kinh tế phụ thuộc vào việc thay đổi hình thức sở hữu thì đồng thời phải thay đổi quyền quyết định ở các công ty, trong đó thế hệ trẻ sẽ gánh nhiều trách nhiệm hơn. “Nếu thay đổi cấu trúc kinh tế là hành động thì chắc chắn người trẻ sẽ dễ hành động hơn”. Một dân số trẻ sẽ chẳng là gì nếu họ không được học hành tử tế và không được quyền quyết định. Được như vậy, thì câu hỏi sẽ là gì? “Con hổ thế giới ư”? Lạc quan tếu. Con hổ châu Á ư? Trung Quốc và Ấn Độ đã “đăng ký” rồi. Vậy thì con hổ Đông Nam Á? Cô sinh viên 21 tuổi Mai Thị Hồng mỉm cười. Ba sinh viên khác, Trang, Phúc và Nga, cùng lứa tuổi 20, cũng mỉm cười. Các thầy hướng dẫn Sử Đình Thành và Lê Tấn Bửu, thuộc trường Đại học Kinh tế TPHCM, cũng mỉm cười. Lạy trời, hãy cho giấc mơ nhỏ bé đó không còn là mơ nữa!
(Theo Trần Ngọc Châu // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com