Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện thờ cọp ở chùa Vàm Sát

Chùa Hải Phước An ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. - tinkinhte.com
Chùa Hải Phước An ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: PK

Nằm cặp tỉnh lộ 111 nối liền hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng, xưa có ngôi chùa lá gọi là chùa Vàm Sát, ngày nay chùa được xây cất đàng hoàng và có tên chính thức là Hải Phước An tự, nhưng dân gian vẫn gọi là chùa Vàm Sát. Đặc biệt, đây là ngôi chùa duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - và có thể là cả nước - có đặt hương án thờ phượng hài cốt của cọp.

Cách nay hàng trăm năm, chùa Vàm Sát đìu hiu vắng vẻ trong cảnh đồng không mông quạnh của một vùng duyên hải nghèo nàn. Khuôn viên nhà chùa thuở ấy rộng khoảng 50 héc ta, cây cối rậm rạp như cánh rừng.

Ngày nay diện tích chùa chỉ còn khoảng 40 công đất. Trong khuôn viên chùa có hàng trăm cây sao dầu hàng trăm tuổi tỏa bóng mát rượi. Đây là những cây được trồng lại sau khi trận bão lụt năm Thìn (1904) nổi tiếng đã làm ngã rạp những sao dầu cổ thụ đã trồng từ khi khởi lập chùa. Ngoài ra, nhiều cây thốt nốt xòe chòm lá đẹp đẽ reo vui trong gió sớm mưa chiều.

Thượng tọa Thích Huệ Căn là vị sư trụ trì đời thứ năm chùa Vàm Sát từ năm ông 28 tuổi, năm nay 83 tuổi. Cách đây 5 năm, thượng tọa Huệ Căn giao cho đại đức Thích Minh Thông (tục danh Dương Lền Tuổl, gốc người Triều Châu (Trung Hoa) tạm thay mặt trông coi chùa.

Đại đức Thích Minh Thông. Ảnh: PK

Đại đức Minh Thông kể, từ Sóc Trăng dài tới Bạc Liêu, Cà Mau thuở ấy rừng nối tiếp rừng, với hàng bao nhiêu cổ thụ hai ba người ôm không giáp gốc, là điều kiện tốt để loài cọp sinh sống.

Giồng Ông Tương hay khu Tà Teo ở địa phận này là hai nơi cọp sống đông đúc bầy đàn, có bầy đông hàng vài chục con. Lần hồi, dân cư thêm đông đúc, một số rừng bị khai thác thành đất thuộc, đất sống của cọp cũng dần bị thu hẹp.

Vào năm 1927, có một con cọp xuất hiện được người dân ở Vĩnh Châu ghi nhận là lần cuối cùng ở vùng này. Mùa thu năm đó, có một con cọp đến dừng chân tại một lùm cây giữa giồng làng Vĩnh Châu khiến dân làng xôn xao sợ hãi. Nhưng đó là một con cọp già, nó chỉ đi quanh quẩn trong cánh rừng chứ không bắt giết heo gà, trâu bò hay vật chết người. Mọi người yên tâm rằng đó là một con cọp “hiền”, chẳng phải là mối đe dọa nguy hiểm đối với cư dân.

Dù vậy, ông Mã Xiêm, vốn là một Hoa kiều gan dạ và tinh thông võ nghệ, đã tìm cách giết cọp để tiễu trừ tai họa. Một hôm cọp đi sát hông chợ, gần chùa Vàm Sát. Nghe tin, ông Mã Xiêm liền dùng câu liêm sắc bén đến gần, móc lấy mấy móng chân cọp để đem về phơi khô cho con cái đeo với mong muốn có được sự bình an theo như lời đồn đại của dân gian.

Bàn thờ cọp trong chùa Hải Phước An hiện nay. Ảnh: Phương Kiều

Dù già lão, yếu ớt, nhưng khi bị mất móng, “chúa sơn lâm” vẫn trả đòn khiến lão Mã Xiêm té nhào xuống đất, mình mẩy bị trầy trụa nhiều nơi. Bà con xúm lại, kẻ thanh la, người gõ mõ vang động đất trời khiến cọp hoảng sợ lủi vào rừng sâu. Nhờ vậy mà người ta lượm mấy móng cọp rồi khiêng Mã Xiêm về nhà.

Bị mất móng chân, cọp không thể săn mồi, vết thương lại ngày càng nặng nên con cọp gục chết trong cánh rừng. Phát hiện xác cọp, người dân lóc bỏ thịt, bọc kín xương trong tấm vải đỏ, để trên chiếc dĩa lớn, đem về kính cẩn đặt lên một trang thờ của chùa Vàm Sát, hương khói quanh năm và cúng kiếng theo lệ.

Thời gian thấm thoát trôi qua, tấm vải điều dần bị mục rã, khiến phần lớn xương cốt hổ bị mục rã, vương vãi. Nhìn cảnh tượng này, hòa thượng Thiện Phú, trụ trì chùa lúc bấy giờ, bèn nảy ra cách giữ xương cốt cọp vẹn toàn thiên thu. Ông mời thợ hồ đến đập vỡ những đốt xương còn to, trộn với xương vụn nhỏ hòa cùng xi măng và cát, đắp thành hai pho tượng cọp, sau đó sơn vẽ theo hình sắc đặc trưng của cọp. Hai tượng cọp ấy hiện còn thờ tại chùa Vàm Sát, tức là Hải Phước An tự ngày nay.

(Theo Phương Kiều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Phóng sự ảnh: Thế nào là vui như trẩy hội?
  • Phóng sự ảnh: Tưng bừng lễ hội Nàng Han
  • Chùm ảnh: Chợ Cán Cấu thời tăng giá
  • Đảo Phú Quý trong xanh
  • Làng gốm Thanh Hà
  • Chùm ảnh: Lung linh sắc màu Then Kin Pang
  • Biệt Phủ của những nét văn hóa
  • Đầu xuân đi chợ Âm Dương
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com