Sau 45 phút cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, chuyến bay 8501K của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay Cỏ Ống trên đảo Côn Sơn, hòn đảo lớn nhất trong 16 đảo của huyện Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đường biển, Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Sách báo những năm đầu thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn. Đến năm 1977, Côn Đảo trở thành tên gọi chính thức của hòn đảo này và là một huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Con đường nhựa từ sân bay về trung tâm huyện Côn Đảo dài hơn 13 cây số, uốn lượn quanh co ven biển với nhiều đoạn lên đèo xuống dốc. Phía bên trái là biển, bên phải là núi đồi và rừng nguyên sinh. Dọc hai bên vệ đường, lác đác những chùm hoa bông giấy đỏ rực xen với những cành hoa anh đào trắng xóa…
Con đường ven biển đẹp nhất đảo Côn Sơn mang tên Tôn Đức Thắng. Ảnh: Lê Bá Lư |
Cảm nhận đầu tiên khi đến khu trung tâm Côn Đảo là một khu đô thị mới hiền hòa nằm bên bờ biển. Những con đường nhựa sạch bóng giữa hai hàng cây bàng và bằng lăng cổ thụ tươi xanh. Ngoài những hạng mục di tích được bảo tồn, hầu hết các công trình hạ tầng giao thông, cơ quan hành chánh, khách sạn, nhà hàng, khu resort, nhà ở… được xây mới, tạo cho khu đô thị nhỏ giữa biển khơi này một nét khang trang, tươi trẻ hơn trước mắt khách du lịch vốn đã bị ám ảnh về hình ảnh u ám của vùng địa ngục tù đày trước đây.
Một công viên nằm dọc theo đường Tôn Đức Thắng khoảng 300 mét trước khu Bảo tàng di tích lịch sử, với những vườn hoa, cây cảnh xinh tươi đủ sắc màu, xen lẫn các tượng đài nghệ thuật bằng đá, tạo nên một nét lãng mạn nhẹ nhàng cho cảnh quan đô thị.
Đường sá trên đảo không rộng nhưng thênh thang, trống trải vì lượng xe cộ lưu thông rất thưa thớt. Phương tiện dành cho du khách đi lại phổ biến là xe ôm. Khách có thể thuê xe ôm với giá 300.000 đồng/ngày để đi mọi nơi trên đảo; bác tài sẽ là hướng dẫn viên du lịch tự nguyện, nhiệt tình, cởi mở. Nếu khách muốn tự do khám phá thì có thể mướn một chiếc xe gắn máy với giá từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/ngày (xe số hay tay ga). Rẻ hơn là xe đạp, với giá 30.000 đồng/ngày. Không xe buýt và cũng chẳng có taxi; khách ở xa đến đây theo đoàn thì có xe đưa rước từ sân bay hoặc bến tàu về khu trung tâm. Xe hơi cho thuê với giá 1 triệu đồng/ngày.
Dịch vụ thuê xe máy, xe đạp ngày càng phát triển ở Côn Đảo. Ảnh: Lê Bá Lư |
Muốn du ngoạn, khám phá các hòn đảo chung quanh thì khách có thể thuê thuyền hoặc ca nô. Từ đảo lớn Côn Sơn đến đảo xa nhất là hòn Cau (chừng 20km), một chiếc thuyền chở 20 người, sáng đi chiều về có giá 5 triệu đồng. Khách cũng có thể ở lại qua đêm trên các đảo; một số đảo có phòng nghỉ dã ngoại hoặc lều, võng.
Người dân Côn Đảo rất thân thiện và hiếu khách. Anh Huỳnh Văn Ngà, 52 tuổi, chạy xe ôm đã lâu năm ở đây, đưa tôi đi nhiều nơi trên đảo và qua anh tôi được biết thêm nhiều câu chuyện lịch sử và cuộc sống hàng ngày của bà con dân đảo. Tôi cũng đã được Ngọc Quỳnh, một cô gái sinh trưởng trên đảo đưa đi thăm một số nơi. Quỳnh đang làm việc cho dự án resort cao cấp Việt Nga vừa khởi công xây dựng hôm cuối tháng 3 vừa qua. Buổi tối chia tay, ngồi ở quán cà phê Côn Sơn, nhìn ra biển dưới ánh trăng non thượng tuần, Quỳnh đã cho tôi biết thêm nhiều điều thú vị về "đất và người" của hòn đảo nhiều di tích và huyền thoại này, để lại trong tôi những ấn tượng đẹp khi chia tay Côn Đảo.
Ngoài những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch, đời sống người dân trên đảo còn đơn sơ, trầm lắng. Đường sá thưa thớt người đi lại, trừ những ngày biển động trời giông, ghe thuyền nằm bờ và hàng ngàn bạn chài không ra khơi thì đảo mới rộn ràng đôi chút. Toàn đảo chỉ có một khu chợ tập trung, vài ba nhà hàng hải sản, dăm bảy quán ăn bình dân và quán cà phê, khoảng hơn chục tiệm bán hàng tạp hóa, đồ lưu niệm, cắt tóc…
Du khách nước ngoài thường du lịch tự túc đến Côn Đảo để khám phá thiên nhiên vùng biển nhiệt đới và nghỉ ngơi. Ảnh: Lê Bá Lư |
Giá cả sinh hoạt ở đây đắt đỏ hơn đất liền rất nhiều. Một dĩa cơm bụi 30.000 đồng; ly cà phê đá vỉa hè giá 15.000 đồng; một nồi lẫu dê hoặc hải sản nhậu bình dân giá chót cũng phải 200.000 đồng… Giá phòng đôi ở khách sạn mini khoảng từ 500.000 đến 800.000 đồng / một ngày đêm; nhà nghỉ “bèo” lắm cũng phải 300.000 đồng / một phòng.
Hầu như ai đến đây cũng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng trong không gian biển cả trong lành, mọi con đường trong thị trấn rất sạch sẽ, trật tự đô thị rất tốt, ở các giao lộ mọi người đều ngừng lại khi gặp đèn đỏ dù đường vắng hoe và không hề có bóng dáng cảnh sát hay nhân viên công lực nào cả…
Hùng vĩ giữa biển khơi, khí hậu quanh năm ôn hòa, với nhiều tài nguyên biển, rừng phong phú, đa dạng, nhưng từ thời Pháp thuộc cho đến ngày thống nhất đất nước, Côn Đảo chỉ được biết đến như là một hệ thống nhà tù khét tiếng, là nơi giam cầm hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những tội danh nguy hiểm nhất. Trước khi được giải phóng, đảo chỉ có trại lính, tháp canh và nhà tù, chưa có dân sinh sống. Cho đến nhiều năm sau giải phóng, Côn Đảo cũng vẫn còn đậm nét hoang sơ, với số dân chưa đến 1.000 người, sống nghề chài lưới, nương rẫy.
Cảng Bến Đầm trong một ngày biển động. Ảnh: Lê Bá Lư |
Sau khi đề án "Phát triển kinh tế- xã hội Côn Đảo đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10-2005, Côn Đảo được hưởng một số cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi của chính phủ về nguồn vốn đầu tư và có những điều kiện thuận lợi hơn để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Nhiều doanh nghiệp nhà nước, tư nhân đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm… và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã tìm đến.
Các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện đại đã mọc lên. Trong đó có dự án resort Đất Dốc 100% vốn đầu tư nước ngoài trị giá 38 triệu đô la Mỹ; dự án khách sạn 3 sao Sài Gòn-Côn Đảo của Tổng Công ty du lịch Sài Gòn, vốn đầu tư 100 tỉ đồng… Du lịch nhân dân cũng đang từng bước hình thành và phát triển, một số nhà nghỉ và khách sạn mini đã được xây dựng. Một số hộ gia đình đã đầu tư nâng cấp nhà ở, tổ chức phòng trọ cho thuê… Hiện nay trên địa bàn Côn Đảo có 13 khách sạn, nhà nghỉ các loại, có sức chứa 500 khách đang hoạt động.
Sân bay Côn Đảo đón các loại máy bay có sức chở đến 90 hành khách/chuyến, với bốn chuyến bay mỗi ngày giữa Côn Đảo – TPHCM và ngược lại (từ cuối tháng 3-2011). Ngày 01-6 tới đây, hãng VASCO khai trương chuyến bay Cần Thơ – Côn Đảo với máy bay ATR-72, giá vé 1,2 triệu đồng/lượt. Về đường biển, Côn Đảo có hai tàu khách, sức chở 390 hành khách và 134 tấn hàng hóa, mỗi ngày một chuyến đi về giữa Côn Đảo và thành phố Vũng Tàu.
Resort trong khu du lịch Thanh Niên thuộc huyện đoàn Côn Đảo. Ảnh: Lê Bá Lư |
Hồ sen trong vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bá Lư |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com