Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du khách ngoại thích trải nghiệm homestay Bắc Hà

Du khách thích thú khi được tự tay hái mận ở homestay (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Du lịch cộng đồng (homestay-du lịch ngủ tại nhà dân) là mô hình du lịch do người dân làm chủ, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa xã hội chung của tỉnh Lào Cai. Những năm qua, loại hình du lịch này đã gặt hái được khá nhiều thành công với điểm nhấn Sapa.

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở Sapa lại làm “chưa tới". Bởi, homestay Sapa đã không thực hiện đúng theo mục tiêu và chủ trương phát triển mô hình du lịch này của tỉnh nhà, là "để người dân địa phương tham gia với vai trò làm chủ và người dân phải được ưu tiên hưởng lợi," như Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai nói.

Thực tế, homestay Sapa đã đi chệch "quỹ đạo" đó khi những năm gần đây phát triển quá ồ ạt khiến người dân dần bị mất đi vai trò làm chủ và vai trò này “được” chuyển sang cho các doanh nghiệp lữ hành. Và đương nhiên, người dân từ vị trí làm chủ trở thành những người làm thuê bất đắc dĩ.

Chính vì sự “quá đà” này nên tỉnh Lào Cai đã nhắm huyện Bắc Hà cho thử nghiệm cách làm du lịch mới, bền vững hơn với bốn điểm xã được đầu tư phát triển homestay: Bản Phố, Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối. Lựa chọn này được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển do Bắc Hà không chỉ sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên mà còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét.

Homestay Bắc Hà: Du lịch bền vững

Về những thuận lợi để Bắc Hà có thể nối gót Sapa phát triển loại hình du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Bùi Thị Kim Dung cho rằng, người dân Bắc Hà vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo thể hiện qua trang phục truyền thống, tín ngưỡng…

Đặc biệt, “thời gian qua, bà con đã tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng hết sức tích cực. Nhờ thế du khách được giới thiệu thưởng thức không chỉ cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ mà còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa du lịch tâm linh, văn hóa du lịch môi trường với người dân bản địa,” bà Dung nói.

Thêm vào đó, bà con dân tộc còn gây dựng những đội văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và đặc biệt là đội đua ngựa theo đúng bản sắc cộng đồng mình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: “Cá nhân tôi thấy những điểm du lịch đó sạch, đẹp, vệ sinh môi trường rất tốt. Các hoạt động văn hóa văn nghệ cũng như không khí trong lành, đảm bảo nghỉ dưỡng, thăm thú cảnh quan và tạo được điều kiện nghỉ ngơi thư thái cho du khách.”

Trước những thế mạnh đó, bà Dung tin rằng: “Đây chính là hình thức du lịch bền vững giúp cho du lịch tỉnh Lào Cai phát triển lâu dài.”

Hiện Bắc Hà đã và đang phát triển du lịch cộng đồng ở bốn điểm: thôn Bản Phố, xã Bản Phố; thôn Na Lo, xã Tà Chải; thôn Chung Đô, xã Bảo Nhai; thôn Na Hối tày, Na Hối nùng của xã Na Hối.

Và để tránh tình trạng du lịch hóa như nhiều địa phương khác, ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi hướng tới đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đào tạo mạng lưới cán bộ cũng như các hộ dân, giúp họ có hiểu biết, kỹ năng về làm du lịch. Bởi du lịch có bền vững thì mới xóa đói giảm nghèo và phát triển lâu dài được.”

Lựa chọn của du khách ngoại

Từ ngày về làm rể gia đình người Tày ở thôn Na Lo, xã Tà Chải, anh Phan Thanh Sơn cũng chính thức trở thành ông chủ của một homestay với khu vườn 2000 gốc mận. Khách đến homestay của anh đa số là người nước ngoài.

Bởi theo như anh nói: “Người Việt có thói quen đi du lịch ở đâu cũng phải ngủ khách sạn, ăn nhà hàng, xe ôtô đưa đón… chứ không thích vào bản chỉ để trải nghiệm điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hay leo núi, đi bộ quanh bản, ngược lại với khách Tây rất thích ngủ bản và đi bộ.”

Lý do khách Tây thích mô hình du lịch homestay mà anh Sơn đưa ra là vì họ vốn ở một xã hội có đời sống cao hơn, một nơi có quá nhiều nhà cao tầng và phương tiện hàng ngày là ôtô nên muốn đi tìm hiểu, khám phá bản sắc dân tộc của Việt Nam xem người Tày, Nùng, Mông… sinh hoạt như thế nào, ăn mặc ra sao, văn hoá có gì khác biệt nhau…

Chỉ với 10 USD, khách đến homestay của gia đình anh Sơn sẽ được ăn tối, ngủ nhà sàn và ăn sáng theo nếp của người Tày. Đó thực sự là trải nghiệm thú vị cho những du khách vốn chỉ quen với nhà tường cốt thép, xi măng.

“Thị trấn Bắc Hà rất đẹp với những rặng núi nối tiếp nhau, điểm vào đó là những ngôi nhà của người dân tộc, những nương ngô và ruộng bậc thang. Tôi rất thích khung cảnh này. Đặc biệt, khi dạo quanh Bản Phố, được ngồi nói chuyện và uống rượu với chính những người dân bản tôi cảm thấy rất tuyệt,” Sam, du khách đến từ Hà Lan chia sẻ cảm nhận khi lần đầu tiên tới Bắc Hà.

Sam cũng vui vẻ cho biết: “Hôm qua, tôi ở Hà Nội, một thành phố bận rộn và rất đông người. Hôm nay tới Bắc Hà, tôi thấy nơi đây rất đẹp, rất yên tĩnh, thanh bình và trang phục của người dân tộc rất đẹp.

Tôi rất hài lòng khi tới Việt Nam, một đất nước rất đa dạng về phong cảnh, bản sắc văn hóa, thực phẩm… Riêng mỗi bữa ăn đối với tôi đã là một ngạc nhiên thú vị. Tôi nghĩ là tôi sẽ trở lại đất nước của các bạn.”

Không giống như Sam, David, một du khách đến từ Mỹ lại yêu thích du lịch homestay vì muốn được hưởng không khí ấm cúng của gia đình ngay cả trong lúc đi du lịch. Theo David, người Việt Nam vốn rất cởi mở và hiếu khách vì vậy, thật là thiệt thòi khi đến đất nước này mà không thưởng thức những bữa cơm tối và hưởng không khí thân mật trong các gia đình người Việt. Tại Bắc Hà, không khí ấy không chỉ gói gọn trong mỗi gia đình mà còn lan rộng trong cả bản.

"Thật là thú vị khi mà đi đến nhà nào trong bản bạn cũng trở thành người khách quý, thật là hiếm có nơi nào như thế," David hóm hỉnh nhận xét.

ChiLê (Vietnam+)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Tráng lệ chương trình "Kỳ vĩ hang động Quảng Bình"
  • Đi chơi thác ở Định Quán
  • Hương rừng U Minh
  • Khu rừng chè cổ Tây Bắc (Kỳ 4)
  • Chợ sò Hà Thủy
  • Chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn (Kỳ 3)
  • Chè cổ ở bản Phình Hồ (Kỳ 2)
  • Những vườn chè cổ thụ vùng Tây Bắc (Kỳ 1)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com