Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cù lao Câu tươi đẹp

Cù lao Câu -BìnhThuận.Ảnh:binhthuantourism.com

Ai đến cù lao Câu một lần không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của hòn đảo cách bờ chỉ khoảng nửa giờ đi tàu. Ở đây, không chỉ có cát trắng, biển xanh, gió lộng mà còn có cả một vương quốc đá chìm nổi khơi gợi trí tưởng tượng của du khách. Địa danh này đang là điểm du lịch xanh cho những người yêu thích và quý trọng thiên nhiên...

Cù lao Câu hay còn gọi là đảo Câu là một hòn đảo nhỏ thuộc xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Nằm cách bờ khoảng 10km, chiều dài của cù lao khoảng 1,5km, đỉnh cao nhất chỉ khoảng 7 mét; chỗ rộng nhất khoảng 800 mét, hẹp nhất khoảng 300 mét. Nhìn từ xa trông cù lao như một chiến hạm khổng lồ nổi trên mặt nước.

Có nhiều điểm xuất phát từ đất liền ra cù lao: Khách có thể thuê tàu đánh cá của cư dân địa phương để ra cù lao, thời gian khoảng 30-60 phút. Ra cù lao Câu chơi, du khách chỉ mang theo những vật dụng cần thiết và nhẹ nhàng. Cũng nên mang bọc ni lông để gói điện thoại, máy ảnh...

Muốn lên được tàu, khách phải ngồi thúng hoặc lội nước đến ngang bụng vì các điểm khởi hành không có cầu tàu. Tàu ra khơi, sau thời gian, lênh đênh trên nước biển xanh biếc, khách sẽ thích thú khi trước mắt là dải cát trắng và lô nhô đá của cù lao. Để thưởng thức trọn vẹn phong cảnh, có thể đề nghị tài công chạy một vòng quanh đảo thưởng ngoạn hòn đảo xinh đẹp với hàng vạn khối đá nhấp nhô nhiều hình nhiều dạng tựa như những đàn cá voi, cá heo, hải cẩu... nổi, chìm trên mặt nước. Đá ở đây có những khối gồ ghề, những mảng đá “đeo”... tạo những hình dạng vui mắt, hấp dẫn thị giác du khách.

Dịch vụ du lịch trên đảo không nhiều nhưng cũng đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của du khách. Khách khó tính có thể đi và về trong ngày. Nhưng những ai yêu thích thiên nhiên không thể không qua đêm tại đây. Ban ngày, khách có thể tắm nắng, tắm biển, ngắm san hô... Cát cù lao Câu trắng tinh. Nhiều bãi có những vỏ sò, ốc và san hô bị sóng đánh gãy trôi vào bờ..., người đến đây thường luôn mang về cho mình bộ sưu tập những quà tặng của biển cả. Tại đảo, còn có cây phong ba-một loại cây đặc trưng của đất đảo như ở Trường Sa. Loại cây này có thể chịu mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, thiếu đất dinh dưỡng.

Hấp dẫn hơn, khách có thể lên tàu của người địa phương để làm “ngư dân”. Càng ra xa bờ, sóng biển càng dữ dội. Nhưng bù lại, khách thỏa chí khi tận tay kéo những mẻ lưới đầy ắp cá. Càng thú vị và hào hứng khi được học được cách “dụ” cá vào lưới hay kinh nghiệm tìm được những mẻ lưới đầy cá giữa mênh mông của biển khơi. Trên đảo, khách có thể tưởng tượng mình là người nguyên thủy săn, bắt, hái, lượm... cua, ốc. Biển ở đây còn rất hoang sơ, có nhiều loài hải sản sống ven bờ. Dễ tìm thấy ở các hốc đá ven bãi biển. Nếu ngồi buông câu trên các mõm đá, khách cũng dễ dàng câu dính những chú cá. Hải sản vừa câu, bắt lên hoặc mua từ các tàu thuyền đánh bắt của dân địa phương là những bữa ăn tại chỗ thịnh soạn. Món nướng là không thể thiếu khi chế biến bất cứ loại hải sản nào.

Đã có doanh nghiệp nước ngoài đến đây tìm hiểu và xin đầu tư một khu nghỉ dưỡng liên hoàn, có cả casino. Với cù lao Câu, xin đừng để “nàng công chúa” phải hoảng hốt bởi những công trình xây dựng phá hủy môi trường sinh thái và vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Những người yêu thích và quý trọng thiên nhiên vùng biển rất có lý khi cho rằng nên phát triển loại hình du lịch sinh thái, khám phá phù hợp với cù lao Câu này, để du khách có nơi “chạy trốn” khỏi những khối công việc, đô thị... sau những ngày làm việc mệt nhọc.

(Theo Du Miên/Cần Thơ)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Giữ lại hương vị bánh Quế đất Hà Thành
  • Lễ hội Ariêuping đặc sắc của dân tộc Pa Cô
  • Khám phá “Hang Cọp”
  • “Vũ điệu mừng xuân” ở Tràm Chim
  • Lên “nóc nhà” đồng bằng
  • Du lịch nét xưa Bạc Liêu
  • Dạo chơi hồ Ba Bể
  • Hai giờ trên Biển Hồ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com