Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cù lao Phố

Trịnh Hoài Đức ghi: “Đại Phố Châu, tục gọi là Cù lao Phố, một tên gọi khác là Đông Phố (Giản Phố) cũng còn gọi là Cù Châu, bởi địa thế cù lao uốn mình khoanh duỗi như con cù bông giỡn nước, nên có tên như vậy. Cù lao này cách phía Đông trấn 3 dặm, dài hơn 7 dặm, rộng bằng 2/3 bề dài, như con kim ngư trấn nơi thủy khẩu, cây trụ đá ngăn sóng lớn cho trấn thành” (“Gia Định thành thông chí”, NXB tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr. 28).

 Nổi tiếng từ thế kỷ 17, Cù lao Phố với diện tích 660 ha, thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, hiện khó nhìn ra diện mạo xưa của nó. Năm 1679, nhóm di thần nhà Minh do Trần Thượng Xuyên - tự Trần Thắng Tài cầm đầu đến định cư tại đây. Đó là thời kỳ cù lao này còn có tên Nông Nại Đại Phố, là một thương cảng sầm uất, tàu thuyền các nước Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia... tấp nập đến giao lưu thương mại. Nhà văn - nhà Nam bộ học Sơn Nam, viết: “Vùng Cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở Cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông”. “Ở đầu phía Tây cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lát đá ong, đường phố nhỏ lát đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội” (SĐD, tr. 238). Thời hoàng kim của Cù lao Phố, kéo dài tới 97 năm, mới đánh mất vai trò trung tâm thương mại của Đàng Trong, thay vào đó là Chợ Lớn và Mỹ Tho.

 Hiện nay, theo quốc lộ cũ, qua sông Đồng Nai trên 2 chiếc cầu xe lửa (cầu Gành, cầu Rạch Cát), là tới Cù lao Phố xưa. Đứng bên bờ sông lộng gió, chiêm ngắm đền thờ vị đại thần triều Nguyễn được xây dựng cách đây khoảng 300 năm, nơi tạm quàng trước khi đưa về quê xứ ông là Quảng Bình an táng long trọng. Đây là một trong khá nhiều đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh mà nhân dân miền Nam, trong đó có Chợ Mới và Châu Đốc (An Giang) đã xây dựng để tưởng niệm người có công khai phá, mở mang và xây dựng vùng đất phía Nam Tổ quốc. Chính vì vậy mà khi ông qua đời, được vua Tự Đức sắc phong Thượng đẳng thần, nhưng nhân dân quen tôn gọi là “Đức Ông”. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù lao Phố được nhà Nguyễn trùng tu 2 lần vào các năm: 1802 và 1851. Năm 1923, đền được tái thiết và năm 1960, ban quý tế trùng tu đền lần nữa. Ngày 25-3-1991, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia... 

 Vượt qua 2 chiếc cầu Gành và Rạch Cát bắc qua sông Đồng Nai là tới đền thờ Nguyễn Tri Phương (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Danh tướng Nguyễn Tri Phương mất năm 1873, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc người có công trong việc di dân lập ấp, mở mang bờ cõi Đàng Trong, nhân dân tạc tượng và lập đền thờ ông vào năm 1803, từ ngôi đình Mỹ Khánh. Đến đây, bạn choáng ngợp trong bóng mát những tàn cây ăn trái xum xuê, trong khung cảnh sông nước trữ tình. Bước vào khuôn viên đền thờ rộng khoảng 2.500 m2, bạn sẽ thấy “mặt trước đền đắp nổi hai chữ: Mỹ Khánh (tên đình cũ) bằng chữ Hán, hai bên là cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt, trên đỉnh chánh điện trang trí hình lưỡng long tranh châu, hai bên là cặp phụng bằng gốm men xanh. Từ ngoài nhìn vào ta thấy sự uy nghi của ngôi đền. Ở giữa các tấm bao lam bằng gỗ được chạm khắc hoa điểu, tứ linh rất công phu, các bức liễn và hoành phi khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng treo trên các cột và xà ngang. Chánh điện ngày đêm nhang khói nghi ngút, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị... bàn hương án được điểm khắc lưỡng long triều nhật, bàn la liệt bằng đá. Trước bàn thờ đặt ngai gỗ chạm khắc đầu rồng, long vân sơn son thếp vàng tinh xảo, chánh điện có tượng Nguyễn Tri Phương tạc bằng gỗ. Hàng năm đều tổ chức lễ kỳ yên vào sáng 16 và 17 âm lịch, với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt” (“Đồng Nai di tích - lịch sử”, NXB Đồng Nai). Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

 Đến Cù lao Phố là phải đến viếng lăng mộ một người có công với vùng đất phía Nam này: Trịnh Hoài Đức. Lăng Trịnh Hoài Đức tọa lạc tại phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990.

 Trịnh Hoài Đức là tác giả “Gia Định thành thông chí”, là một nhân cách lớn, một tài năng lớn, đã góp phần đặt nền móng cho một vùng hào khí Đồng Nai - văn hóa Đồng Nai, là niềm tự hào của người dân nơi đây, được nhân dân gọi là “Lăng Ông”. Các ngôi mộ của họ tộc Trịnh Hoài Đức xây bằng đá ong, “theo lối hình voi phục, mặt bằng dạng khối hình chữ nhật; các bia đá khắc chữ Hán hướng về phía Tây Nam, tường phủ rêu xanh. Trong toàn khu mộ họ Trịnh, mộ Trịnh Hoài Đức nổi bật lên bởi quy mô kiến trúc, có lẽ đây là chủ ý của những người lập mộ trong nguyên tắc của người xưa về dòng họ” (“Đồng Nai di tích - lịch sử”, NXB Đồng Nai). Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, lăng mộ Trịnh Hoài Đức được trùng tu tôn tạo, kiến trúc mộ ban đầu được bảo tồn, xung quanh có vòng thành kiên cố.

(Theo HOÀNG NGỌC // báo Hậu Giang)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thủy điện Ialy
  • Khám phá Kiên Giang: Hòn Củ Tron
  • Hệ thống thác nước ở Gia Lai
  • Về Vĩnh Long, “xông” đất cù lao
  • Huyền bí tháp cổ
  • Gìn giữ khí thiêng Ngũ Hành Sơn
  • Hồ Ayun Hạ
  • Chuyện về những chiếc cầu trên sông Hàn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com