Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đám ruộng hình trái tim trên dãy Tây Côn Lĩnh

Đây cũng có lẽ là đám ruộng hình trái tim duy nhất trên thế giới do con người tạo ra.

Tác giả của nó, chàng trai Sin Văn Tinh, sống ở bản Thèn Phàng (Xã Thèn Phàng, Xín Mần, Hà Giang). Nỗi nhớ về người mẹ một đời gian khó khai khẩn đất hoang, trỉa bắp trồng ngô nuôi 6 anh em khôn lớn đã thấm đẫm trong những giọt mồ hôi qua bao nhiêu tháng ngày Tinh làm đám ruộng độc đáo này.
 
Một trái tim khổng lồ bằng đất, đẹp đẽ đến độ hoàn hảo, ngự trên đỉnh núi, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, ở độ cao gần 2.000 m, chúng cứ nối đuôi nhau “chạy” như lên tận Trời. Những con đường men theo những sườn núi thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, đều rất ngoằn nghoèo với độ cua  gấp khúc đến nỗi, người nào yếu ớt thì đi xe máy cũng cảm  thấy nôn nao.
 
Hiểm nhất nhưng đẹp nhất vẫn là những con đường dẫn đi tới các xã vùng cao biên giới của huyện Xín Mần – Hà Giang. Xe chúng tôi  từ từ “bò” lên đỉnh núi thì cũng là lúc hai tai tôi ù đặc.  Xé tan màn sương mờ, vạt núi quanh tôi ngút ngàn hoa dại màu tím nhỏ li ti, xen lẫn những đồi hoa Tam Giác Mạch màu hồng nhạt... Mùa khô, không có nước, những thửa ruộng đẹp đẽ ấy chỉ để hoang hoặc trồng rau cải. Ngay khi mặt trời ló mặt ra khỏi những đám mây trắng như bông, thì vẫn có những làn sương mỏng tang bay qua nóc nhà sàn của người La Chí... Không gian trở nên huyền hoặc và đẹp hút hồn...
Sin Văn Tinh và vợ.
Sin Văn Tinh sinh ra ở bản Thèn Phàng. Dù có điều kiện để “bay” vụt ra khỏi sự nghèo đói, khó khăn đến cùng cực của vùng núi này, nhưng anh vẫn kiên quyết ở lại. Tuổi thơ của 6 anh em Tinh là chuỗi ngày đầy kỷ niệm trong ngôi nhà nằm chênh vênh trên núi cao của bản. Đó là một ngôi nhà sàn già nua, cũ kỹ và nhỏ nhoi. Cả cuộc đời mẹ đã tần tảo nuôi các con khôn lớn, khi chúng có điều kiện  kinh tế khá giả, đủ để phụng dưỡng, chăm sóc và đền đáp... thì mẹ đã qua đời. Khi nào nhớ về mẹ, Tinh cũng hình dung thấy ngôi nhà sàn ấy với chín bậc cầu thang, nơi anh run rẩy, tập tễnh những bước đi đầu đời... sự dịu dàng, đức hy sinh lớn lao của mẹ.
 
Quỳ sụp xuống nơi mẹ anh nằm dưới đất sâu, Tinh thề rằng: “Ngay cả khi giàu có thì con cũng không đi đâu xa mẹ. Trái tim con đã dành trọn cho Thèn Phàng yêu dấu, nơi ấy có nhà sàn, có mẹ và các anh chị của con”. Tinh tâm sự với tôi về “nguồn cảm hứng” để anh nuôi quyết tâm tạo hình một thửa ruộng trái tim, nằm trên đỉnh ở chính bản Thèn Phàng, như là sự khẳng định tình yêu đối với cái nơi mà năm xưa mẹ anh đã dày công khai hoang thành nhiều thửa ruộng bậc thang để trồng lúa, ngô... nuôi 6 anh em Tinh khôn lớn.

Trái tim bằng đất, có nguồn gốc xuất xứ hẳn hoi. Đã đi miền núi khá nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt trông thấy một kỳ quan đẹp và đáng yêu đến thế. Đặc biệt là khi được ngắm nó ở trên đỉnh núi cao. Nó là đứa con tinh thần của Tinh, anh thai nghén nó giống như một nhà văn tài ba, thai nghén, vật vã để cho ra đời cuốn tiểu thuyết ruột gan. Anh cũng giống y như một họa sĩ, nhiều đêm nghĩ suy, bóp trán đắn đo, âu lo về tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất đời mình.

Hôm tôi trở lại Thèn Phàng, con suối lớn qua bản chảy hiền hòa, trong vắt. Con suối bắt nguồn từ trên đỉnh núi cao lắm, nên chưa ai đặt chân đến thượng nguồn của nó. Người ta chỉ biết rằng, con suối này qua Thèn Phàng và đổ ra sông Chảy.
Trưởng bản Lù Chúng Sài
Trưởng bản Thèn Phàng tên là Lù Chúng Sài, uất ức kể với chúng tôi khi đi ngang chiếc cầu treo bắc qua suối: “Mùa khô, nom nó hiền hòa, trong trẻo và đáng yêu như thế này, nhưng mùa mưa, nó đã cướp đi tính mạng của vợ tôi đấy”. Trưởng bản vừa lấy vợ mới, người đó không ai khác chính là chị gái của Tinh. Họ vốn là những người đi đầu trong lĩnh vực làm ăn kinh tế của địa phương.
 
Người Thèn Phàng tín nhiệm ông Sài vì sự chịu khó, nhiệt tình trong mọi công việc của người dân. Gia đình Tinh và gia đình ông Sài, trước khi trở thành thông gia đã là bạn bè, đối tác trong làm ăn kinh tế. Ông Sài nhắc lại chuyện đau lòng đã xảy ra đối với người vợ cũ, giọng nghẹn ngào và đôi mắt ngấn nước.

Đó là khoảng tháng 4 – 5 năm ngoái, ông Sài và Tinh bàn nhau thuê ruộng bậc thang trên núi ở gần con suối này để trồng dưa hấu. Đến mùa thu hoạch, lần đầu tiên người dân Thèn Phàng được tận mắt trông thấy hàng ngàn quả dưa hấu xanh lựng, mọc ra từ đỉnh núi. Ông Sài và Tinh hồi hộp chờ đến ngày hái dưa về. Họ đã lập kế hoạch hoàn hảo cho việc tiêu thụ dưa hấu ở những phiên chợ vùng biên giới. Nhưng chuyện không thành như dự định, hơn 2 tấn dưa hấu đã được đưa về nhà kho của Hợp tác xã chờ ngày “xuất kho”.
 
Vợ chồng ông Sài lên núi chăm sóc ruộng dưa, bất thình lình một cơn lũ dữ từ đầu nguồn con suối đổ về. Họ bị cuốn phăng theo dòng nước cuồn cuộn, đỏ ngầu, hung hãn. Ông Sài mắc vào một bụi cây dại và ngất đi, còn vợ của ông thì đã bị cuốn đi xa vài cây số. Cơn lũ định mệnh ấy trôi qua rất nhanh. Khi trời  quanh mây tạnh, chẳng ai biết được nước lũ bắt nguồn từ đâu?
 
Chỉ vài phút trời Thèn Phàng lại xanh trong như không có chuyện gì xảy ra... đó là nét đặc trưng của vùng núi cao. Lũ quét, lũ ống ở đây rất đỗi bình thường, nó giống như chuyện nắng mưa của người miền xuôi vậy. Đêm ông Sài bị lũ cuốn, bản Thèn Phàng không ngủ. Đàn ông, trai tráng trong bản thắp đèn dầu đi tìm vợ chồng ông Sài. Người ta thấy ông trong bụi cây còn thoi thóp thở.
 
Vợ ông Sài qua đời sau cơn lũ ấy, còn ông phải nằm viện cứu chữa hơn 2 tháng mới bình phục sức khỏe. Đám dưa hấu gần 2 tấn trong kho cũng bị thối hết vì không có người bán. Gia đình Tinh thương ông Sài, nên tập trung toàn bộ tâm sức để cứu chữa cho ông.

Thấy ông Sài trưởng bản sống trong cảnh “gà trống nuôi  con”, chị gái của Tinh tình nguyện khăn gói sang nhà ông Sài làm vợ kế. Họ trở thành vợ chồng giản đơn như thế để nuôi dạy 4 đứa trẻ mồ côi khôn lớn.

Nhà của Tinh nằm chênh vênh trên sườn núi, ven con đường dẫn lên cột mốc biên giới số 5, xã Xín Mần. Chị Sùng Thị Vẻ, dân tộc Nùng, là vợ của Tinh đang nấu rượu ngô, mùi rượu thơm lừng tỏa ra từ góc bếp. Tinh vừa phóng xe đi đâu đó, chị Vẻ nhờ đứa cháu đuổi theo để gọi anh về. Tinh là người hay ngẫu hứng, đã thích đi đâu và làm gì khó có ai can gián nổi. May mà anh là người sống rất tình cảm, nếu không thì với cá tính ấy, rồi chẳng biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu?

Tinh phóng xe máy về đến sân, dáng vẻ tháo vát và nụ cười hiền thường trực. Vợ chồng Tinh hơn kém nhau 1 tuổi, họ có với nhau 2 mặt con. Tinh là con út trong gia đình gồm có 6 anh chị em. Bố mất năm anh được gần 3 tuổi, mẹ tần tảo nuôi đàn con khôn lớn. Hồi Tinh còn nhỏ, chứng kiến sự vất vả của mẹ, anh phải nghỉ học để đi làm nương đỡ đần mẹ.
 
Khi các chị gái đã đi lấy chồng và lập gia đình riêng, anh trai thứ 2 của Tinh tốt nghiệp trường sư phạm, về làm thầy giáo của bản, anh trai thứ nhất là thành viên trong Ban quản lí hợp tác xã Thèn Phàng. Năm 1993, Tinh lấy vợ là người cùng bản và cùng là người Nùng. Cuối năm đó, mẹ gọi 3 đứa con trai về họp gia đình để chia ruộng nương, mẹ bảo: “Nhà chỉ có vài sào ruộng,  các con nhận lấy rồi tự quản lý, theo cách của mình...”. Tinh được chia toàn bộ ruộng nương trên ngọn núi cao, nơi mà anh đã gửi gắm cả thời bé thơ đầy nhọc nhằn. Chia ruộng xong, chẳng bao lâu mẹ Tinh qua đời.

Tinh bảo, trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi gọi các con lại dặn rằng: Ruộng nương nhà mình là do mẹ con ta nhọc nhằn lắm mới khai khẩn được, các con đừng bán đi cho dù đã giàu có... Tinh cải tạo thửa ruộng trên núi thành hình trái tim để luôn tưởng nhớ đến mẹ. Mỗi năm vợ chồng anh sửa  sang một tí, cắt gọt  một chút, mùa màng đến, vợ anh  lại cấy lúa nương lên đó, thu hoạch xong, đến mùa khô Tinh lại mang xẻng ra đào, đắp cho trái tim  thành hình hoàn hảo...
 
Tinh bảo: “Tôi thấy mình giống một bà mẹ, thai nghén về thửa ruộng trái tim và tạo ra nó một cách chật vật. Có đôi khi, vừa làm xong dù đã mệt nhoài, tôi lại chạy một mạch lên tận đỉnh núi để ngắm xem còn chỗ nào chưa ưng ý. Phải mất nhiều thời gian tôi sống trong tâm trạng của một người hoàn toàn khác”. Nghĩa là, Tinh cảm thấy mình khổ lắm mới làm ra cho được hình thù của trái tim này. Nếu tính thời gian, tiền của bỏ ra để đội đá lên đỉnh núi, đắp kè làm bờ đá... dễ có đến hàng ngàn nhân công để tạo được trái tim này. Vợ chồng anh đã dồn vào nó rất nhiều sức lực. Anh  cho biết ý định khi về già sẽ xây một ngôi nhà trên sườn núi, bên cạnh trái tim đó để hưởng tuổi già. Không gì hạnh phúc bằng việc được sống trên mảnh đất với thiên nhiên, con người ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
 
Tôi nhớ mãi câu nói thực thà của anh chàng Tinh ở bản Thèn Phàng: “Thửa ruộng trái tim chính là nỗi day dứt, hoài niệm về những năm tháng nghèo khó mà mẹ tôi đã phải chèo chống nuôi mấy anh em tôi ăn học. Nó chính  là dáng dấp quê hương tôi, là hơi thở của mẹ tôi, là màu sắc và mùi vị của miền núi nơi tôi đã sinh ra và lớn lên một cách chật vật... hơn tất cả đó là tình yêu của tôi đối với nơi này”. Tinh dự định năm 2009, anh sẽ cải tạo trái tim bằng đất khổng lồ này  thành một ao cá trên đỉnh núi của bản Thèn Phàng yêu dấu...


 

(Theo Thu Hoài (giadinh.net.vn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chùm ảnh "Khám phá cực Đông của Tổ quốc mình"
  • Phố Hoài sống lại thời vang bóng
  • Chùa Một Cột - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội
  • Chùm ảnh: Đến lễ hội âm nhạc xem... tắm bùn
  • Thú câu cá hồ
  • Về Mỹ Hòa Hưng, thăm quê Bác Tôn
  • Lên rừng bắt… nu
  • Chùa Chân Tiên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com