Siêu thị cửa khẩu Tịnh Biên. Ảnh: Đặng Hoàng Thám |
Tịnh Biên là một trong những cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia, thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Nơi đây có đưòng bộ, đường thuỷ qua nước láng giềng. Từ khá lâu, Tịnh Biên trở thành một trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng của vùng biên giới tây nam.
Từ Châu Đốc, chạy xe chừng ba mươi phút thì đến thị trấn Nhà Bàng, ở đây có đường tẻ về Xuân Tô chừng 10 km sẽ đến chợ Tịnh Biên. Khu kinh tế cửa khẩu chỉ cách thị trấn chừng non một cây số về phía tây. Có khá nhiều người từ TPHCM và các tỉnh lân cận, sau khi đi tham quan, hành hương các chùa chiền, di tích ở Châu Đốc, Thất Sơn đã dong xe lên mua sắm ở chợ Tịnh Biên và siêu thị cửa khẩu. Ở đây hàng hoá khá rẻ và có một số ít hàng được miễn thuế nhập khẩu. Có nhiều người dân đi mua hàng về bán lại. Chị Nguyễn Thị Hương, nhà ở xã Vĩnh Ngươn (Châu Đốc), một phụ nữ săn hàng ở đây, đề nghị với tôi, nếu không xài thì chia lại cho chị phiếu mua hàng được cấp khi xuất trình giấy chứng minh nhân dân và đóng 5.000 đồng lệ phí cho một phiếu. “Nếu khéo mua và có mối tiêu thụ, mỗi ngày có thể kiếm được trên dưới 100.000 đồng, đỡ vất vả hơn mua gánh bán bưng hay làm mướn theo ngày!”, chị Hương nói. Chỗ cấp phiếu lúc nào cũng chật ních người chen lấn, mặc dù bộ phận làm phiếu tác nghiệp rất nhanh. Chỉ mất khoảng 10 phút, tôi đã nhận được phiếu mua hàng! Cũng cần nói thêm là mỗi phiếu chỉ mua được số hàng có giá trị từ 500.000 đồng trở lại! Muốn mua nhiều thì phải đi đông người, hoặc mua lại phiếu của những “cò” chuyên gom mua và bán phiếu lấy huê hồng. Theo những người chuyên săn hàng miễn thuế ở đây, khi nhận hàng cần xem kỹ nhãn mác, xuất xứ hàng và nhất là hạn sử dụng, vì có những lô hàng được bán ra khi sắp hết hạn sử dụng. Các bà, các cô chen nhau săn lùng hàng miễn thuế và đồ gia dụng giá rẻ. Rượu ngoại là mặt hàng được ưa chuộng. Nhiều loại rượu bán ở đây với giá chỉ bằng một nửa so với giá thị trường ở Cần Thơ. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể kiếm lời từ việc mua hàng đem về bán lại. Nhiều người nghĩ đơn giản là mua vài thứ đem về như những kỷ niệm nhân một chuyến ngao du, dạo chợ vùng biên.Chợ Tịnh Biên. Ảnh: Đặng Hoàng Thám
Rời siêu thị cửa khẩu, khách thường ghé chợ Tịnh Biên để ăn uống và lại mua vài sản phẩm địa phương trước khi quay về. Chợ biên giới Tịnh Biên có bề ngoài cũng giống như những chợ trong nội địa nhưng hàng hoá rất phong phú và đa dạng. Ở đây chuyên bán hàng khối cho những người buôn chuyến và cung cấp hàng hoá cho các đầu mối ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng hóa bán trong nhà lồng chợ, sạp liền sạp theo những lối đi ngang dọc, bày bán đủ loại hàng nội địa và ngoại nhập. Xà-rông 35.000 đ/cái. Khăn trải bàn giả thổ cẩm 25.000 đồng, khăn rằn 10.000/cái, mền bông 50.000 đồng/cái… Ở khu hàng thực phẩm các cô, chị bán hàng mời khách mua mắm cá linh giá chỉ có 20.000/kg. Mắm cá linh “chao” đường vàng ươm, sắp vun ngọn trông rất hấp dẫn Ngoài ra còn có rất nhiều khô mắm có xuất xứ từ Biển Hồ (Campuchia) như khô cá tra phồng, khô cá sửu… bày biện trông rất bắt mắt. Ở chợ biên giới Tịnh Biên, món hàng hấp dẫn nhiều khách xem, trầm trồ nhất là đồng hồ. Có rất nhiều kiểu dáng đồng hồ nam, nữ rất đẹp và hiện đại do Thái Lan và Trung Quốc sản xuất, giá trung bình từ 300.000 đến 600.000 đồng/chiếc. Các siêu thị lớn trong nội địa thường có giá niêm yết gấp đôi cùng một mặt hàng, cùng một mẫu mã! Vải vóc và hàng mỹ phẩm được các bà, các cô rất ưa chuộng. Hình như ở chợ Tịnh Biên “thượng vàng, hạ cám” thứ gì cũng có, và giá cả thường rẻ nhiều hơn các nơi khác. Thời bao cấp, người ta lên vùng biên giới nầy để mua nhiều loại hàng hiếm về bán kiếm lời. Bây giờ thì những loại hàng ấy tràn ngập khắp nơi, người bán phải chào mời, chiều ý “thượng đế”! Hồi đầu tháng 7-2009, quyết định của Chính phủ hạn chế khách nội địa mua hàng miễn thuế đã khiến hàng chục doanh nghiệp tại các khu kinh tế cửa khẩu ngừng kinh doanh vì ế ẩm, không có khách. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nối lại chính sách phi thuế quan cho khách nội địa đến hết năm 2012, các doanh nghiệp ở các siêu thị cửa khẩu đã bán hàng miễn thuế trở lại cho khách nội địa và nhờ vậy hoạt động kinh doanh ở vùng biên giới này vẫn nhộn nhịp như trước. Việt Nam có nhiều khu thương mại vùng biên, cửa khẩu thông thương với các nước láng giềng nhưng một chuyến viếng thăm vùng biên cương tây nam trù phú này sẽ là một chuyến du hành nhiều thú vị nhất là những người ở các vùng miền khác ngoài đồng bằng sông Cửu Long khi có dịp "hành phương Nam".
(Theo Đặng Hoàng Thám // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com