Tam quan chùa Tây Phương. Ảnh: Thoa Nguyễn |
Trong những ngày mưa phùn se lạnh, đặc trưng của thời tiết đầu đông ở miền Bắc, chúng tôi háo hức với ý nghĩ tìm đến một ngôi chùa cổ của Hà Nội để vãn cảnh và cầu lộc, mong năm mới nhiều may mắn và bình yên. Và chùa Tây Phương là lựa chọn trong chuyến đi đầu năm mới dương lịch.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xuôi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, nay được gọi là đại lộ Thăng Long; tiếp đó chạy về hướng đi Thạch Thất; chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi đã có mặt tại chùa Tây Phương - ngôi chùa cổ nổi tiếng với bộ tượng 18 vị la hán.
Chùa Tây Phương (còn gọi là Sùng Phúc tự) nằm trên ngọn núi Tây Phương, hình cong như lưỡi câu, nên gọi là “Câu lậu” thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo những người am hiểu, chùa Tây Phương là nơi bảo tồn nhiều pho tượng phật thể hiện tinh hoa tuyệt vời của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam và là minh chứng của một nền văn hoá có từ lâu đời. Một số sử liệu chép rằng đây là ngôi chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh.
Con đường dẫn vào chùa thanh vắng và thoáng đãng, khung cảnh xanh ngắt, chúng tôi bước vào với cảm giác như lọt thỏm giữa khoảng không gian tĩnh mịch lạ thường. Lối đi lên chùa có 239 bậc cấp làm bằng đá ong, hai bên là những rặng tre thẳng cao vút, những dải đất nhuốm một màu bạc trắng.
Đến nay, chùa đã trải qua rất nhiều lần trùng tu. Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông (1607-1662) chùa được xây dựng 3 gian: thượng điện, hậu cung và hành lang 20 gian. Sau đó, Tây Đô Vương Trịnh Tạc (1657-1682) cho xây lại chùa và tam quan. Dưới thời Tây Sơn, năm 1794 chùa được đại trùng tu và có diện mạo kiến trúc như hiện nay.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Tam với ba toà cất dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng.
Mỗi nếp đều được xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần không trát vữa, tạo cảm giác thô mộc gần gũi, các cửa sổ đều hình tròn với biểu tượng sắc không của đạo phật. Các cột gỗ trong ba nếp: bái đường chính điện và hậu cung đều kê trên những tảng đá xanh khắc hình cánh sen. Các mái đều lợp ngói hai lớp: mái trên in hình lá đề, lớp dưới lót hình vuông sơn ngũ sắc xếp đều trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông ngay ngắn. Các góc mái của ba toà bái đường, chính điện, hậu cung đều cong trên có gắn tứ linh bằng sành nung.
Mái chùa có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp. Ảnh: Thoa Nguyễn |
Mỗi toà đều có kiến trúc riêng nhưng hợp thành một quần thể hài hòa, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng. Mái chùa có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp.
Tuy nhiên, du khách vãn cảnh chùa đều bị hấp dẫn bởi hệ thống tượng pháp nơi đây. Trong chùa có 62 pho tượng gỗ theo kiểu tượng tròn được đánh giá cao về nghệ thuật tạc tượng cổ nước ta; gồm tượng la hán, tượng tổ, kim cương, hộ pháp; hầu hết các tượng đều được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng.
Các bộ tượng gồm Tam thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai), tượng Di đà tam tôn, tượng Tuyết sơn miêu tả đức phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca diếp đứng hầu; tượng đức phật Di Lặc tượng trưng cho vị phật của thế giới cực lạc tương lai, người mập mạp ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát lên sự hoan hỉ, đại lượng; tượng Văn Thù Bồ Tát; tượng phổ hiền Bồ Tát; tượng Bát bộ Kim cương…
Tuy nhiên, bộ tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường thượng điện đã thực sự cuốn hút du khách. Qua sự tỉ mỉ của người thuyết minh, tâm tư của từng pho tượng dần hiện lên trước mắt du khách… có pho thì đứng, có pho thì ngồi, pho có vẻ mặt hân hoan tươi tắn, có pho như đang phân bua thì thầm trò chuyện cùng ai, pho thì giương mắt mày nhíu xệch, pho lại có vẻ mặt trầm tư khắc khổ.
Tượng các vị la hán ở chùa Tây Phương có kích thước bằng người thật. Ảnh: Thoa Nguyễn |
Ngoài khuôn viên chùa Tây Phương, những bậc cấp bằng đá còn đưa bạn đến thăm chùa Thanh Am và chùa Quan Âm. Bắt gặp trên đường xuống là những nếp nhà xây bằng đá để trần, những khung cảnh và khoảng sân thoáng rộng, tĩnh lặng mang lại cho du khách cảm giác như đang lọt vào một ngôi làng cổ của nhiều năm về trước.
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau... (*)
Trên đường trở về, những vần thơ của Huy Cận viết về bộ tượng la hán ở chùa Tây Phương sau chuyến thăm chùa vào năm 1960 như còn văng vẳng đâu đây... khiến chúng tôi liên tưởng những nếp hằn rõ trên khuôn mặt của từng pho tượng mà chợt thấy chút bâng khuâng…
______________
(*) Thơ Huy Cận.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com