Cái nắng nóng rát người tháng tư của vùng đất Ninh Thuận không làm chùn bước chúng tôi khi thực hiện chuyến đi khám phá vườn quốc gia Núi Chúa, trong đó có chuyến lội bộ đường núi hơn 10km để nhìn ngắm hồ treo trên núi, bằng loại hình đi bộ xuyên rừng (trekking).
Hành trình trekking chinh phục Núi Chúa |
Trekking là hình thức đi bộ theo các đường mòn (tên khác như “đi bộ tham quan rừng”, “đi bộ theo vết xe bò”…), là nơi mà các phương tiện hiện đại như ôtô, xe máy không di chuyển được. Yếu tố quan trọng là nơi đó phải có những sản phẩm để du khách tham quan, khám phá, như phong cảnh đẹp, hoang sơ, động thực vật phong phú, văn hoá bản địa kỳ thú…
Một vòng quanh Núi Chúa không chỉ hoàn toàn bằng hình thức trekking. Chúng tôi đi kết hợp: từ khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Ninh Chữ cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 7km, đi ôtô băng qua những cung đường khoảng 45km đến vịnh Vĩnh Hy, sau đó đi bộ chinh phục hồ treo trên núi, rồi lại băng rừng xuống Bãi Thùng; cũng từ hướng Phan Rang – Tháp Chàm đi ôtô về hướng bãi Bình Tiên đối diện bán đảo Cam Ranh; và một vòng qua đầm Nại, (cũng bằng ôtô). Đi như thế xem ra đã vừa tròn một vòng Núi Chúa, vì xét vị trí địa lý, phía đông và nam Núi Chúa là biển Đông, phía bắc là phần dưới vịnh Cam Ranh, phía nam là đầm Nại, còn phía tây nhìn ra quốc lộ 1A.
Trọng tâm và hứng thú nhất của cả đoàn là chuyến trekking Núi Chúa quanh cung đường Vĩnh Hy – bãi Thùng. Phương án vạch ra ngay từ đầu và xem ra dễ đi nhất là từ trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm đến vịnh Vĩnh Hy, sau đó lội bộ khoảng 10km, theo hành trình lên rừng xuống biển, đúng nghĩa của nó.
Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, diện tích tự nhiên 29.865ha gồm 22.513ha đất liền, 7.352ha phần biển, có ba mặt giáp biển, đỉnh cao nhất là Cô Tuy (còn gọi đỉnh Chúa Anh) so mực nước biển là 1.039m. Núi Chúa hấp dẫn nằm ở địa hình, địa thế, khí hậu tính đa dạng sinh học cao, có nhiều tiềm năng khai thác du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, khám phá, mạo hiểm. |
Hướng dẫn chúng tôi chinh phục hồ treo trên núi là anh Sĩ, kiểm lâm của vườn quốc gia Núi Chúa. Trước khi cả đoàn nhập cuộc, anh Sĩ đưa ra lời cảnh báo phải mất khoảng bốn giờ đồng hồ đi trong rừng thì may ra mới chiêm ngưỡng được hồ treo, trước khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp nên thơ của bãi Thùng, đã làm cho không ít thành viên trong đoàn e dè, có ý định bỏ cuộc!
Trước đây để chinh phục hồ treo từ hướng làng chài Vĩnh Hy, du khách sẽ phải tốn nhiều sức hơn khi đi qua con đường rừng hẹp, gập ghềnh. Thời gian gần đây do tỉnh Ninh Thuận mở con đường ven biển nối liền Vĩnh Hy và Bãi Tiên – hai trong những tuyến điểm đẹp nhất của xứ sở này, nên khoảng 3km đầu tiên đường đi tương đối dễ, ngược lại khách bộ hành phải chịu đựng cái nắng nóng đặc trưng xứ sở Ninh Thuận – lại càng khó chịu hơn khi nắng nóng tại khu vực Núi Chúa quanh năm khô hạn không thua kém gì vùng đất châu Phi! Đây cũng là lý do làm cho một số thành viên thấm mệt nhanh, và có thành viên nảy sinh ý tưởng cử người đi ngược trở ra kiếm các bác xe ôm hỗ trợ phần đường còn lại!
Nhưng nếu có xe ôm lúc này cũng đành bó tay vì những kilomet đường rừng còn lại phải len lỏi qua con đường mòn nhỏ, có những đoạn khó xác định vì lâu ngày thiếu dấu chân người. Cái thú lúc này đối với du khách là đi trong bóng mát, băng qua những bóng cây để tận hưởng không gian yên ả thanh bình của rừng, nghe tiếng chim hót líu lo, nhìn những đàn bướm lượn chập chờn.
Con đường vừa đi qua, mở ra con đường khác, dốc núi thoai thoải, dễ đi. Ở lưng chừng núi, hiện ra một góc biển bán đảo Cam Ranh với màu xanh thẫm của nước, hoà quyện mây trời, đồi núi, tạo thành bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và quyến rũ lạ thường! Đây cũng chính là khu vực còn rất nhiều gốc cây quý, tạo dáng bonsai độc đáo.
Thiên nhiên phong cảnh Ninh Thuận nhìn từ vườn quốc gia Núi Chúa |
Đến lúc này, sẽ có bạn đặt câu hỏi: hồ treo trên Núi Chúa có gì hấp dẫn? Xin thưa, nếu mường tượng ban đầu của du khách về sự hoành tráng, diễm lệ, thì sẽ có không ít người ngỡ ngàng, thậm chí xen lẫn chút thất vọng khi tận mắt chứng kiến hồ! Nhưng với cá nhân tôi, đây là nét lạ, không dễ gì tìm được ở những nơi khác. Đường kính hồ khoảng 80m, nước trong xanh, đặc biệt vào những tháng mưa, lòng hộ lọt thỏm giữa núi rừng bao la tạo nên sự cân đối cho một bức tranh phong cảnh mang nhiều khác biệt, hài hoà giữa âm dương đất trời. Xung quanh hồ có rất nhiều cây cổ thụ tán rộng, gốc rễ với những hình thù độc đáo, nhiều gốc rễ mọc bám trên những tảng đá lớn. Vì vậy, từ trên cao nhìn xuống hồ không khác hòn non bộ khổng lồ. Đây là điểm đến rất lý thú đối với loại hình du lịch sinh thái, du lịch tham quan rừng. Sẽ rất thú vị nếu bạn có một đêm cắm lều trại ngủ giữa khung trời này!
Nếu bạn còn điều gì chưa hài lòng khi đến hồ treo trên núi, thì lúc băng rừng theo cung đường khác ra biển để chuẩn bị lên thuyền chinh phục Vĩnh Hy, bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ tuyệt mỹ của một góc Núi Chúa với sự tụ hội cây xanh núi rừng, dải cát trắng phau của bãi Thùng và màu xanh ngọc bích của biển. Cảm xúc du khách càng dâng trào khi trực tiếp chạm chân trên vùng cát mịn, đưa tay vốc làn nước biển trong xanh mát dịu, mắt thường cũng nhìn thấy được những cục đá nhỏ, rong rêu, san hô từ dưới đáy biển. Đến đây, du khách tha hồ bơi lặn, tắm biển, và nếu thích có thể “tắm tiên”! Nếu muốn, bạn có thể trốn nắng trưa tại một ngôi nhà lá độc nhất của gia đình người dân chài hiếu khách dựng bên bãi biển, để tận hưởng làn gió mát thổi lên từ lòng Biển Đông. Sau đó, lên thuyền, bắt đầu hành trình khám phá vẻ yên ả và nên thơ của Vĩnh Hy – một trong bốn vịnh biển Việt Nam – bằng tàu đáy kính, ngắm san hô.
(bài và ảnh: Tiến Đạt // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com